Đại biểu sẽ chất vấn về biển Đông

Từ hôm nay, 16-11, kỳ họp Quốc hội sẽ bước vào phiên chất vấn và kéo dài đến ngày 18-11. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội (QH) Việt Nam, toàn bộ thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời trực tiếp tất cả những vấn đề mà đại biểu (ĐB) QH đặt ra.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển Đông được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm Ảnh: BẢO TRÂN
Vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển Đông được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm Ảnh: BẢO TRÂN

Phiên chất vấn còn đánh giá toàn bộ việc thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao đối với các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của QH từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Muốn biết rõ giải pháp bảo vệ chủ quyền

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Bộ Lĩnh cho biết trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, QH đã 2 lần nghe Bộ Ngoại giao thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông. Song, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cấp tốc đẩy nhanh việc tôn tạo, mở rộng các đảo, bãi đá ngầm trên biển Đông. Trong phiên chất vấn này, ông và nhiều ĐB rất muốn nghe 2 bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao làm rõ thêm tình hình hiện nay, dự báo và đặc biệt là các giải pháp đối phó.

Theo ông Lĩnh, lần này, chắc chắn ĐBQH sẽ đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình và quan điểm, lập trường của Việt Nam cùng các giải pháp đối với vấn đề biển Đông để báo cáo cử tri. “Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là thuận lợi cho Việt Nam. Chúng ta dựa trên chính nghĩa, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, luật pháp quốc tế, mối quan tâm chung về hòa bình và ổn định trong khu vực. Vì vậy, bộ trưởng Bộ Ngoại giao cần nói rõ hơn về chính sách này” - ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cho rằng quan điểm của Đảng, nhà nước ta là sử dụng các biện pháp hòa bình, trong đó có dựa vào luật pháp quốc tế, để xử lý vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Vì vậy, ĐB cũng muốn nghe Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề này.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn, băn khoăn: “Về xử lý vấn đề chủ quyền trên biển Đông, chúng tôi còn nợ cử tri câu trả lời mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát hơn với tư cách là những người đại diện cho ý chí của nhân dân. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng đây không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, Đảng, nhà nước, QH, Chính phủ phải thống nhất cần có một đối sách hợp lý, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để đạt được điều mà chúng ta mong muốn. Tôi thấy Thủ tướng Chính phủ cũng rất kiên quyết về vấn đề này”.

Chuyển biến tốt trong giải quyết những vấn đề bức xúc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cho biết ông rất quan tâm đến cải cách tư pháp, làm sao để các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, không bỏ sót tội phạm, đặc biệt là các tội đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trẻ vị thành niên. Theo ông, cần cẩn trọng hơn để không gây ra oan sai.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, gần 50 lượt thành viên Chính phủ đã trực tiếp tham gia vào hoạt động chất vấn trong 9 phiên. “Điểm nổi bật mà chưa bao giờ tôi thấy là Chính phủ và các bộ, ngành lại quan tâm, giải quyết những vấn đề chất vấn, kiến nghị của cử tri, của các đoàn giám sát như lần này. Đây là điều đáng mừng vì đã có chuyển biến tốt trong giải quyết những vấn đề mà xã hội bức xúc, quan tâm” - ông Sơn nhìn nhận.  

Cử tri bức xúc nhiều vấn đề

Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH vừa gửi đến kỳ họp QH bản tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực quốc phòng, cử tri các tỉnh, TP: Đồng Tháp, Hà Nam, TP HCM, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội, Khánh Hòa cho rằng diễn biến tại biển Đông đang rất phức tạp, đe dọa chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân…

Bản tổng hợp cũng nêu rõ cử tri Tiền Giang đề nghị tăng cường các hoạt động giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước. Việc tổ chức triển khai và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, như vụ tòa nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội.

Cử tri Ninh Thuận kiến nghị cần đưa vào chương trình kỳ họp những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân để QH thảo luận, giám sát việc thực thi công vụ, trách nhiệm người đứng đầu, như: việc cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân ở Thừa Thiên - Huế, chặt cây xanh tại Hà Nội, dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”…

Đáng chú ý, cử tri nhiều tỉnh, thành đề nghị hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống còn 16 để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Cử tri Hải Phòng, TP HCM đề nghị Luật Trưng cầu ý dân sớm được ban hành nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân có thể đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước… Cử tri Đà Nẵng cho rằng “QH còn nợ nhân dân Luật Biểu tình và đề nghị quan tâm sớm thông qua luật này trong thời gian tới”. Cử tri An Giang đề nghị QH nghiên cứu ban hành “Luật Bảo vệ nông dân”...

Theo NLĐ