Đã đến thời của cuộc cách mạng IoT

VietTimes -- IoT sẽ xóa bỏ ranh giới giữa thế giới ảo và thế giới thực và đang rất phù hợp cho cộng đồng khởi nghiệp xây dựng từ ứng dụng nhỏ trong gia đình đến các ứng dụng tầm quốc gia như thành phố thông minh, giao thông thông minh hay các ứng dụng xử lý nước thải... Tất cả là Internet of Things.
ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Ban Khoa học Công nghệ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Ban Khoa học Công nghệ, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đó là trao đổi của ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Ban Khoa học Công nghệ, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc với VietTimes nhân Hội thảo “Hợp tác Phát triển Khoa học Công nghệ Hòa Lạc 2016 – chủ đề  Internet of Things (IoT)” cùng “Lễ khai trương Phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT - Hòa Lạc IoT Lab” (viết tắt là HIL) vừa diễn ra tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

- Thưa ông, Khu CNC Hòa Lạc có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực CNC, sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau khi ra đời?

Khu CNC Hòa Lạc thành lập năm 1998 và được Thủ tướng phê duyệt để đi vào xây dựng năm 2008. Với diện tích là 1.586 ha dành cho các doanh nghiệp vào đây để phục vụ phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, những sản phẩm công nghệ vào đây phải đảm bảo tiêu chí và thực sự là các dự án khoa học công nghệ cao, thực sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ mới và đào tạo nhân lực chất lượng cao mà nhà nước mong muốn phát triển.

Tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 71 dự án với tổng vốn đăng ký là 56.000 tỷ đồng trên diện tích đăng ký là 360 ha. Trong 2 năm trở lại đây quy mô đầu tư hạ tầng cho Hòa Lạc tăng rất mạnh, ước tính bằng 15 năm trước cộng lại. Đặc biệt, với dự án nâng cấp hạ tầng do ODA Nhật Bản tài trợ thực hiện trong giai đoạn 2016-2018, đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc là khá lớn, nhiều hơn cả quá trình 15 năm trước đó, sẽ đảm bảo Hòa Lạc trở thành thành phố thông minh.

- Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng và đi vào phát triển đã thu hút được rất nhiều dự án phát triển công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam phát triển và sự ra đời của Hòa Lạc IoT Lab là điển hình cho sự hỗ trợ này. Ông có nhận định như thế nào về sự ra đời của phòng thí nghiệm này?

Hiện nay, các nhà cung cấp giải pháp, cung cấp nền tảng và viết ứng dụng rất khó có một nền tảng chung, cho nên khoảng 90% kết quả trong giai đoạn đầu sinh ra có thể lãng phí. Vì vậy, ở Việt Nam chúng tôi mong muốn tạo ra được một cơ chế để có thể tạo ra một nền tảng chung, một cầu nối giữa các nhà cung cấp nền tảng giải pháp IoT với những nhà phát triển ứng dụng IoT cũng như những người sử dụng ứng dụng IoT. Đây là mục đích chính chúng tôi hướng đến khi ra mắt phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT Lab.

Tuy nhiên, phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT khác với các phòng thì nghiệm khác là hoạt động trên sự đóng góp của cộng đồng và là phòng thí nghiệm của cộng đồng. Tại đây, các công ty lớn như Intel và Dell tạo ra các chuẩn, cung cấp các giải pháp IoT và hỗ trợ xây dựng các gợi mở về chuẩn. Các đơn vị phát triển ứng dụng có nơi để tiếp cận các công nghệ mới trước khi được đưa ra thị trường; còn các nhà ứng dụng về IoT có thể kết nối với phòng Lab để có thể đặt hàng các đơn vị phát triển giải pháp và các nhà cung cấp giải pháp lớn thì có cơ hội kết nối với các nhà viết ứng dụng. Như vậy, ở đây chúng ta xây dựng được một hệ sinh thái để phát triển IoT.

Những nhà sáng lập Hòa Lạc IoT Lab bao gồm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Intel, Dell và công ty cổ phần công nghệ DTT để tạo ra một môi trường phát triển và là cầu nối giữa các tổ chức và các cá nhận mong muốn phát triển các ứng dụng trên nền tảng IoT ở Việt Nam. Hòa Lạc IoT Lab dự kiến sẽ nhanh chóng kết nạp thêm các thành viên mới mong muốn tham gia như các công ty viển thông, các công ty phát triển ứng dụng IoT, các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp.

- Thưa ông cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh nhưng hành lang pháp lý đang là một thử thách song song với sự phát triển này. Với vai trò là nơi ươm mầm cho công nghệ sáng tạo của doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp thì Hòa Lạc IoT Lab cần những chính sách như thế nào để phát triển?

Công nghệ mới ra đời nhanh chóng tạo ra các mô hình kinh doanh mới và đương nhiên đòi hỏi các chính sách quản lý mới. Internet phát triển và ngành vận tải đã xuất hiện mô hình “đi chung” của Uber, “ở nhờ” của AirBnB là những ví dụ điển hình về việc chính sách phải thay đổi nhanh chóng để có thể theo kịp với sự thay đôi của công nghệ.

Với IoT, chính là cuộc cách mạng Internet trong các lĩnh vực chuyên ngành, là toàn bộ thế giới thực sẽ được số hóa, định danh, kết nối với nhau và ngày càng ít có sự can thiệp trực tiếp của con người thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mà các cơ quan quản lý cần đưa ra xem xét và có phương án xử lý  phù hợp, như an toàn thông tin, như bảo vệ quyền riêng tư, như là xuất nhập khẩu, thuế…

Vì vậy, cùng với Hòa Lạc IoT Lab, chúng tôi tổ chức Hội thảo "Hợp tác phát triển Khoa học Công nghệ Hòa Lạc 2016 - Chủ đề IoT" để các cơ quan quản lý dự báo được làn sóng IoT trong thời gian tới, từ đó đưa ra các chính sách quản lý mới, bảo đảm các chính sách quản lý vừa quản lý tốt xã hội vừa không cản trở cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp đưa ra các mô hình kinh doanh mới.

Bãi đỗ xe thông minh - một ứng dụng thiết thực của IoT
Bãi đỗ xe thông minh - một ứng dụng thiết thực của IoT

- Như vậy công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, vậy ở Việt Nam chúng ta đang phát triển IoT như thế nào thưa ông?

Chúng ta đều biết rằng công nghệ làm thay đổi các lối sống hiện nay. Ví dụ với cuộc cách mạng Internet thì mọi việc đang thay đổi, thế giới ảo và thế giới thực lẫn lộn với nhau nên phát sinh ra nhiều mô hình và cơ hội kinh doanh mới. Hiện nay, chúng ta đều nhìn thấy điện thoại và Internet làm thay đổi hoàn toàn lối sống, thế nên bước tiếp theo sau cuộc cách mạng Internet sẽ là cái gì? Đấy là cuộc cách mạng kết nối Internet của các thiết bị thông minh - đó gọi là Internet of Things - IoT.

Chúng ta có thể hiểu thế này, IoT tức xã hội sẽ được số hóa, kết nối với nhau dẫn đến xóa bỏ hoàn toàn ranh giới giữa thế giới ảo và thế giới thực. Vì vậy, cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo sẽ là cuộc cách mạng về IoT. Với cuộc cách mạng này ta có thể thấy rõ rằng nó đang rất phù hợp cho cộng đồng khởi nghiệp xây dựng các ứng dụng trong cuộc sống, từ các ứng dụng nhỏ trong gia đình cho đến xây dựng các ứng dụng tầm quốc gia như thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh hay các ứng dụng xử lý nước thải... tất cả là Internet of Things.

- Khu CNC Hòa Lạc đã có những hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp như thế nào?

Khu CNC Hòa Lạc đã đưa vào hoạt động Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CNC từ năm 2006 để hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp, các công ty khơi nghiệp trong lĩnh vực CNTT và Công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp.

Khu CNC Hòa Lạc đang xây dựng "Ngân hàng thông tin Khoa học công nghệ" cung cấp thông tin cập nhật mới về hơn 15.000 chuyên gia, nhà khoa học được đăng ký ở Bộ Khoa học - Công nghệ, 700 viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ, 6.000 doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hơn 20.000 đề tài, dự án khoa học công nghệ, bằng phát minh sáng chế và hơn 400 phòng thí nghiệm... nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong năm qua, chúng tôi cũng đã tổ chức thành công các diễn đàn KHCN sinh viên các trường đại học tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Việc tổ chức hội thảo và thành lập Hòa Lạc IoT Lab ngày hôm nay cũng là một hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của chúng tôi.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng đang rất ủng hộ cộng đồng khởi nghiệp phát triển qua việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Xin cám ơn ông!