Cuộc đua thâu tóm “đất vàng” qua các thương vụ IPO?

Danh tính nhà đầu tư chiến lược của LICOGI vừa được tiết lộ cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang tìm kiếm mọi cơ hội để hưởng lợi từ quỹ đất vàng của doanh nghiệp nhà nước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đợt IPO Vinatex diễn ra vào cuối tháng 9/2014, giới đầu tư khá bất ngờ khi có đến 2 đại gia bất động sản đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinatex là Vingroup (10%) và Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam - VID (14%).

Tuy đều là những doanh nghiệp nổi tiếng trong giới bất động sản nhưng 2 đại gia này đều chưa có tên tuổi và kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may - lĩnh vực cốt lõi của Vinatex cả trước và sau cổ phần hóa. 

Tính tới thời điểm cổ phần hóa, Vinatex cùng các đơn vị thành viên được giao quản lý và sử dụng hơn 490.000m2 đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hầu hết cơ sở nhà đất của Vinatex đều nằm ở những khu “đất vàng” đắt đỏ (25 Bà Triệu, 27 Bà Triệu, 32 Tràng Tiền, 41A Lý Thái Tổ). Theo phương án cổ phần hóa, Vinatex được phép sử dụng 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại một số đơn vị để tăng vốn chủ sở hữu sau khi cổ phần hóa.

Không rõ các nhà đầu tư chiến lược của Vinatex sẽ đóng góp gì cho công ty tuy nhiên báo cáo kết quả năm 2014 cho biết, lợi nhuận trước thuế của Vinatex đạt 1.334,5 tỷ, chỉ đạt 78% so với kế hoạch đề ra.

Phiên IPO mới đây của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ (VEFAC) cũng nằm trong tầm ngắm của Vingroup. Trước khi chính thức IPO trên HNX, Vingroup đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này khi mua lại 80% tổng số cổ phần. 

Trong khi trên thực tế, số cổ phần chào bán công khai của VEFAC khá ế ẩm khi chỉ bán được 3,8% tổng lượng chào bán thì đại gia bất động sản này đã cam kết mua lại số cổ phần bị ế của VEFAC. Như vậy tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại doanh nghiệp này đã tăng lên khoảng 86%. 

Hiện VEFAC đang sử dụng 4 khu đất, bao gồm khu đất 148 Giảng Võ (68.380m2), mặt bằng tầng 1 nhà số 4 Tràng Thi (50m2), một khu đất Nhật Tân - Nội Bài tại trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài và một khu đất tại quận Nam Từ Liêm. Trong đó khu đất số 1 và số 2 là đất thuê trả tiền hàng năm và không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Khu đất số 3 và số 4 sẽ được cho thuê hoặc giao để thực hiện dự án.

Sắp tới đây, ngày 13/4, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) cũng sẽ IPO chính thức trên HNX. Tổng công ty Licogi được đánh giá là doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực thi công xây lắp, bất động sản, bán hàng, cung cấp dịch vụ và các hoạt động khác. Trong đó hoạt động xây lắp là hoạt động chính, chiếm khoảng 80% doanh thu của Tổng công ty. Tuy nhiên khoảng 50% gói thầu mà Licogi có được là do chỉ định từ Nhà nước.

Hiện Licogi đang sử dụng 6.824m2 đất làm trụ sở văn phòng và 1.515.026m2 đất dự án chủ yếu nằm tại Hà Nội và Quảng Ninh. Hầu hết các diện tích đất này đều đã được chấp thuận xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. 

Trong quỹ đất của Licogi, đáng chú ý là dự án có diện tích lớn nhất: Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng diện tích 351.618m2. Tuy đã triển khai từ 2007 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. 

Licogi cho biết đã có 1 nhà đầu tư đăng ký mua 35% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông. Công ty này đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Licogi.

Mảng kinh doanh của 2 doanh nghiệp này khá tương đồng. Tuy nhiên trên thực tế Licogi đang gặp phải khá nhiều vấn đề về tài chính cũng như đầu tư. Vì vậy trước khi hưởng lợi từ quỹ đất lớn, có vẻ nhà đầu tư chiến lược của Licogi sẽ còn phải hỗ trợ doanh nghiệp khá nhiều để củng cố hiệu quả mảng kinh doanh.

Trong thời gian gần đây, việc cổ phần hóa các cảng biển cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đại gia bất động sản, chủ yếu bởi quỹ đất béo bở ven biển.

Có thể nói cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cơ hội cho những doanh nghiệp tư nhân muốn sở hữu quỹ đất mà có tiền chưa hẳn đã có được. Những quỹ đất này sẽ tạo nên lợi nhuận lâu dài về sau cho nhà đầu tư một khi đã nắm lượng cổ phần lớn trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Theo Bizlive