“CPI đang gánh phí thuế không đáng có vào giá thành”

Đó là nhận định của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị TP.Hà Nội đưa ra tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam (VN) 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” tổ chức ngày 7.7 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Vinh Phú: “Rõ ràng CPI của chúng ta đang gánh chịu những khoản phí thuế không đáng có vào trong giá thành. Phải loại bỏ ngay những khoản chi phí đó để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ hàng VN đứng vững ở thị trường nội địa và người tiêu dùng được hưởng một mức giá hợp lý hơn”.

Đưa ra phân tích dựa trên các yếu tố như cung cầu hàng hóa, năng suất lao động xã hội, hệ thống phân phối, chi phí sản xuất kinh doanh… ông Phú cho rằng, những hàng hóa có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các siêu thị và trung tâm thương mại thường có mức giá cao hơn sản phẩm tương tự được bán ở thị trường tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng hàng hóa, VSATTP. “Trứng trong siêu thị được bán với giá 45.000 – 47.000 đồng/chục nhưng trên thực tế người nông dân chỉ bán được 20.000 – 25.000 đồng/chục. Hiện đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian như vòi bạch tuộc cắt mãi chưa được khiến người dân đang bị móc túi một cách vô lý”

Ông Phú cho hay, thời gian qua, nếu như vải thiều Bắc Giang loại 1 bán ở chợ truyền thống chỉ dao động từ 20.000 – 22.000đ/kg thì ở siêu thị lại đang bán 35.000đ/kg – tăng gấp gần 2 lần. Mặc dù các nhà bán lẻ đã cam kết không lấy chi phí bán ra, không bán chênh giá nhưng giá của nhiều mặt hàng vẫn đang cao một cách vô lý mà chính người tiêu dùng phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất kinh doanh cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, gần đây rộ các mức thu phí đường cao tốc bất hợp lý dẫn tới chi phí vận chuyển lương thực thực phẩm phục vụ các vùng miền sẽ bị nâng lên cao. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, giá cả 6 tháng cuối năm sẽ tồn tại áp lực tăng giá bao gồm các giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu… ngoài ra còn các yếu tố khác như thời tiết, mưa bão, thiên tai dịch bệnh, mua sắm cuối năm của các kì lễ Tết… “Dự báo khả năng mức tăng CPI của 6 tháng cuối năm sẽ nhỉnh hơn 6 tháng đầu năm khoảng 0,2 – 0,3%; như vậy cả năm sẽ xấp xỉ đạt từ 5,2% - 5,5%, vượt đôi chút so với chỉ tiêu của Quốc Hội đề ra là dưới 5%”.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay khó có thể đạt được. Cụ thể tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, về CPI, nếu với sự điều hành thận trọng dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%.

Trong khi đó, TS.Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, CPI cũng khó đạt mục tiêu dưới 5% nếu so với tháng 12.2015 do 6 tháng đầu năm đã tăng 2,35%, 6 tháng cuối năm có xu hướng tăng cao hơn nữa. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng GDP mới chỉ đạt 5,52%, do vậy để đạt mức 6,8% đề ra, 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,5%. “Điều này khó khả thi vì sản xuất công nghiệp khó tăng cao, dự báo cả năm chỉ đạt 8%; xuất khẩu cũng khó đạt và dự báo chỉ đạt 7%. Hai đầu kéo đều chậm thì cả đoàn tàu không thể chạy nhanh được, dự báo chung cả năm tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,2 – 6,3%” – ông Phương cho hay.

Theo Lao Động