Cơ quan BHXH tự giải quyết gánh nặng nợ BHXH

Công văn 105/TANDTC-PC&QLKH ngày 14-4-2016 của Tòa án Nhân dân tối cao về việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới (có hiệu lực từ 1-1-2016) là một “cú dứt điểm” chuyển giao trách nhiệm giải quyết gánh nợ BHXH từ cơ quan tòa án sang cơ quan BHXH.
Từ ngày 1-1-2016, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH để đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động nữa. Ảnh minh họa Tuệ Doanh.
Từ ngày 1-1-2016, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH để đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động nữa. Ảnh minh họa Tuệ Doanh.

Theo đó, từ ngày luật này có hiệu lực (1-1-2016), tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH để đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động nữa.

Sở dĩ trước đây tòa án nhận giải quyết tranh chấp này là do Bộ luật Lao động cũ quy định tranh chấp giữa người sử dụng lao động với cơ quan BHXH do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì do tòa án giải quyết. Ngày 21-9-2011, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 143/TANDTC-KHXX xác định tranh chấp giữa người sử dụng lao động với cơ quan BHXH thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành (năm 2012) đã không còn quy định này. Và nay, Luật BHXH mới đã trao quyền cho cơ quan BHXH xử lý vi phạm pháp luật về BHXH.

Sự thay đổi này gây ra phản ứng đa chiều, nhất là trong lúc nợ BHXH đang là con số khổng lồ. Lối đi nào để thu tiền nợ BHXH?

Lựa lối đi trách nhiệm

Đối với dư luận, nhất là người lao động, quy định mới nói trên là một cú sốc. Người ta có cảm giác như căn bệnh ung thư của mình đã bị bệnh viện - là tòa án - trả về.

Nhưng hãy vượt qua những tranh cãi đúng sai, những cảm xúc tuyệt vọng để tìm hiểu về con đường mới để bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo đó, cơ quan BHXH là người được quyền đặt ra luật chơi và điều khiển cuộc chơi để buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Trách nhiệm đóng BHXH và trách nhiệm thu BHXH như hai vế của một câu đối. Nếu vế đối của cơ quan BHXH ra chuẩn và hay thì mới mong có được một vế đối chuẩn và hay từ phía doanh nghiệp.

Tại sao vấn đề nợ BHXH phát sinh và tồn tại trong một thời gian dài và lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng? Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, của cơ quan BHXH, đều có những lý do riêng của nó. Tuy nhiên, một lý do chung ít được nhắc đến đó là trách nhiệm đóng BHXH của doanh nghiệp và trách nhiệm thu tiền BHXH của cơ quan BHXH mà Luật BHXH đã quy định rõ. Hơn thế nữa, hành vi trốn, chậm đóng BHXH bắt buộc, chiếm dụng tiền đóng BHXH là những hành vi cấm trong Luật BHXH.

Cơ quan BHXH khởi kiện doanh nghiệp là để thu hồi số tiền BHXH mà doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng thiếu. Trên thực tế, doanh nghiệp nào nợ tiền đóng BHXH nhằm mục đích trục lợi thì thường tự trả tiền khi cơ quan BHXH khởi kiện. Một số khác không trả được tiền BHXH mặc dù tòa đã ra phán quyết, vì lý do không có tiền hoặc chủ sử dụng lao động đã cao chạy xa bay. Như vậy, phán quyết của tòa án không phải là chìa khóa vạn năng để thu hồi nợ BHXH.

BHXH có đủ công cụ tự vệ

Đối với trách nhiệm thu tiền BHXH, Luật BHXH cho phép cơ quan BHXH được quyền yêu cầu doanh nghiệp xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH. Thêm vào đó, cơ quan BHXH được hưởng một cơ chế phối hợp từ cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thuế, cơ quan quản lý lao động tại địa phương. Đây là những công cụ cần thiết giúp cơ quan BHXH có thể nhận biết được nguồn thu và số tiền BHXH thu vào.

Trước đây, cơ quan đăng ký kinh doanh không gửi các loại giấy chứng nhận để xác định một doanh nghiệp được hình thành và hoạt động thì cơ quan BHXH không biết được có nguồn thu BHXH mới phát sinh. Cơ quan BHXH cho rằng, doanh nghiệp né đóng BHXH bằng cách khai lương thấp thì nay đã có sự hỗ trợ thông tin chi phí tiền lương để đóng thuế từ cơ quan thuế... Vấn đề bây giờ là cơ quan BHXH sử dụng thế nào thật khéo và hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này để kiểm soát được nguồn thu, việc thu BHXH của mình.

Về lo ngại doanh nghiệp đóng thiếu tiền BHXH do khai thiếu lao động hoặc khai thiếu tiền đóng BHXH, trong mối quan hệ phối hợp đan chéo nói trên, điều này khó có thể xảy ra, trừ khi cơ quan BHXH tự buông lỏng hệ thống kết nối của mình và tự buông lỏng quản lý. Vì vậy, việc quản lý thu BHXH trong cơ quan BHXH cần được thực hiện chặt chẽ, từ việc theo dõi công nợ tại doanh nghiệp đến việc thực hiện quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác, xem đây như là những “bộ kit” để phát hiện ra những lỗ hổng quản lý của mình.

Quỹ BHXH phần lớn được đóng hàng tháng hoặc hàng quí, do đó việc doanh nghiệp nợ tiền BHXH hàng năm và lên tới con số hàng ngàn tỉ đồng thật khó có lý do nào để thuyết phục người lao động. Luật BHXH quy định rõ doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, chiếm dụng tiền đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì (i) phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng; (ii) bị xử lý theo quy định của pháp luật, (iii) nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng (xem phần trách nhiệm chậm đóng BHXH). Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH cấp tỉnh cũng được trao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền của mình. 

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH được trao một cơ chế giải quyết nợ BHXH rất nhanh gọn và hiệu quả, đó là nếu doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm chậm đóng BHXH thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp để nộp số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH. Hiện nay, các doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản với cơ quan thuế để thực hiện các hoạt động thanh toán qua các tài khoản đã được đăng ký. Vì vậy, việc kiểm soát số dư tài khoản của doanh nghiệp là điều có thể. Vấn đề là cơ quan BHXH sử dụng công cụ tiện lợi này hiệu quả hay không, phụ thuộc vào sự phát hiện kịp thời và giải quyết vi phạm pháp luật về BHXH như thế nào.

Trách nhiệm đóng BHXH thuộc về doanh nghiệp nhưng trách nhiệm thu BHXH lại thuộc về BHXH. Nó như hai vế của một câu đối. Nếu vế đối của cơ quan BHXH ra chuẩn và hay thì mới mong có được một vế đối chuẩn và hay từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không “đối” được thì sẽ là dấu hiệu để “bắt mạch” tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp cho công tác hậu kiểm đăng ký kinh doanh hiệu quả hơn. Làm được như vậy, vấn đề doanh nghiệp nợ tiền BHXH có thể giải quyết được. 

Theo TBKTSG