Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Chuyện như phim

VietTimes -- Thêm một lần nữa, việc minh bạch trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, tốn không ít giấy mực của báo chí trong thời gian qua. Có lẽ, sau sự việc, hãng nên tính đến chuyện làm phim dựa trên cốt truyện ăn khách này.
Định giá "đất vàng" lại tiếp tục là tâm điểm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Định giá "đất vàng" lại tiếp tục là tâm điểm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Bộ Văn hóa TT&DL nói gì?

Liên quan đến chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hãng), trong sáng nay (21/9), Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái – người trực tiếp chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã chủ trì cuộc họp gặp gỡ với báo chí để trả lời những câu hỏi của phóng viên thắc mắc về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Ái, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc Bộ bắt đầu từ năm 2006 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 33 doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp sáp nhập, cổ phần hóa, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Ái cho biết, bản thân Bộ nhận thấy việc cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến phim ảnh là rất phức tạp, bởi nó liên quan đến di sản và tập thể nghệ sĩ, diễn viên. Vì vậy, Bộ cũng khá lúng túng và phải nghiên cứu kỹ trước khi cổ phần hóa loại hình DN này.

Đến tháng 4/2016, Hãng phim truyện VN tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần.

Sau cổ phần hóa, VĐL của Hãng đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, 65% vốn cổ phần thuộc về nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tại thủy Vivaso, nhà nước nắm giữ 20% VĐL, cấn bộ nhân viên nắm giữ 4,5% vốn và 10,5% do các cổ đông khác nắm giữ .

Đến năm 2010, Hãng chuyển sang loại hình Công ty TNHH MTV theo Luật quy định. Sau đó, khi Chính phủ đề nghị tiếp tục cổ phần hóa, Hãng vẫn đang nợ và lỗ nên việc cổ phần hóa càng khó khăn bởi phải tính cả số nợ và lỗ này khi cổ phần.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp trong Bộ Văn hóa TT&DL và chốt thời hạn cổ phần hóa phải xong trong năm 2015. “Với tinh thần dễ làm trước, khó làm sau nên Bộ đã tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 2014” – Thứ trưởng Ái cho biết.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời tại họp báoThứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời tại họp báo

Trả lời câu hỏi liên quan đến giá trị đất đai của hãng khi cổ phần hóa Hãng phim, Thứ trưởng Ái khẳng định: “Đất của Hãng phim truyện Việt Nam đều là đất thuê của nhà nước”.

Theo quy định, thì đất cho thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa Hãng phim truyện phải trình phương án sử dụng đất đai phù hợp. Phương án này phải được Bộ Tài chính phê duyệt, sau đó, Bộ mới gửi tới địa phương để xem xét có vi phạm quy hoạch địa phương không. Theo phương án cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai đang thuê sẽ được làm phim chứ không phải làm khách sạn.

“Nếu cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết Bộ sẽ kiến nghị UBND TP thu hồi, rút giấy phép xây dựng và cuối cùng đưa ra tòa” – Ông Ái nhấn mạnh.

Khi một phóng viên đặt vấn đề về kinh nghiệm cũng như năng lực của cổ đông chiến lược – Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trong lĩnh vực điện ảnh, đại diện Ban đổi mới Doanh nghiệp Bộ VHTT&DL cho biết, Vivaso cam kết hoạt động sản xuất phim chiếm 90% doanh thu của CTCP và có nghĩa vụ thực hiện cam kết này. Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu cam kết của Vivaso không được thực hiện, liệu Bộ VHTT&DL có xem xét lại quá trình cổ phần hóa và cổ đông chiến lược hay không, Thứ trưởng Ái cho rằng điều đó có thể, “nhưng tất cả phải theo đúng trình tự và thủ tục của pháp luật”.

Người trong cuộc nói gì?

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều 19/9, CTCP Đầu tư và phát triển phim truyện VN (tiền thân là Hãng phim truyện Việt Nam) đã tổ chức cuộc họp trả lời những bức xúc của nghệ sĩ, diễn viên liên quan đến tình hình hoạt động của hãng sau khi cổ phần. Ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT Vivaso – đơn vị sở hữu 65% vốn cổ phần của Hãng chủ trì cuộc họp.

Trong không khí căng thẳng của buổi họp, ông Nguyên khẳng định BLĐ đã có kế hoạch dài hơi để Hãng phát triển, trong đó có việc làm phim thị trường để thu hút khán giả. Kể cả phải tìm người đặt hàng ở các tỉnh, huyện xã, đến các tập đoàn, công ty có nhu cầu, làm phim truyền thông, phim về dòng họ, chân dung, nhân vật.. Hay đến các phương án mời các diễn viên nổi tiếng của Hollywood về để giao lưu, quảng bá cũng được tính đến.

Trước những nghi vấn về việc mua lại Hãng phim để thực hiện mục đích khác chứ không phải làm phim, vị chủ tịch Vivaso nhấn mạnh: “Chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực và điện ảnh chỉ là một phần. Hôm nay điện ảnh có thể ăn khách và trở thành chiến lược, ngày mai có thể chỉ là ngành phụ. Nếu làm phim mà lãi tiền tỷ thì ai cũng làm, bây giờ cạnh tranh rất là khó”.

Ông Nguyên cũng thừa nhận Vivaso là công ty đường thủy nên không có kinh nghiệm làm phim. "Chúng tôi vẫn chưa có giám đốc, cần một lãnh đạo biết nghề, có kiến thức để phát triển. Chúng tôi mới tiếp quản có hai tháng nên chưa có định hướng lẫn lộ trình phát triển rõ ràng" – Chủ tịch Vivaso nói.

Theo công bố thông tin bán đầu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Hãng phim truyện Việt Nam vào đầu năm 2016, tài sản là đất của Hãng bao gồm 4 lô đất,trong đó 3 lô ở Hà Nội và 1 lô ở HCM.  Cụ thể, hơn 5.400m2 đất(thuê đất trả tiền hàng năm) tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê, Ba Đình HN, 904 m2 đất (hình thức sở hữu là giao đất) ở trong ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Ba  Đình, HN và gần 6.400m2 đất (hình thức sở hữ u giao đất) làm trường quay ở Đông Anh. Ngoài ra, Hãng còn sở hữu hơn 1.200 m ở địa chỉ số 6 Thái Văn Lung, Quận 1, TP. HCM. Tuy nhiên, những khu đất này cùng với thương hiệu của hãng đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Phát biểu về việc hãng phim chỉ được định giá 19 tỷ đồng, chưa tính đến thương hiệu và nhiều diện tích vàng của đơn vị, ông Nguyên cho biết những mảnh đất được coi là “vàng” này là đất thuê của nhà nước, thậm chí đang nợ 21 tỷ đồng tiền thuế. Ông khẳng định “việc định giá là làm theo luật và có sự giám sát của Chính phủ”. Tuy nhiên, khi được hỏi thấy khó vậy mà Vivaso vẫn đầu tư, ông Nguyên chỉ trả lời ngắn gọn là “đã có kế hoạch chiến lược và đây là bí quyết kinh doanh của công ty”.

Kết thúc buổi gặp gỡ, nhiều nghệ sỹ, diễn viên, đạo diễn vẫn không thỏa mãn với giải đáp của vị chủ tịch Vivaso. Họ cho rằng, bên cạnh những câu chuyện hiện tại như nợ lương, việc làm, kho đạo cụ.. chỉ là vấn đề nhỏ, việc phát triển hãng trong thời gian tới ra sao, hay việc Vivaso đầu tư vào đây có mục đích gì, quá trình họ mua cổ phần của Hãng ra sao, họ có tiếp tục đầu tư cho điện ảnh hay không, cần được đặt ra, làm rõ cho nghệ sĩ, đạo diễn của Hãng và công chúng được biết.

“Đừng để số 4 Thụy Khuê thành chợ giời”

Không hài lòng với giải thích cũng như ứng xử của BLĐ CTCP Đầu tư và phát triển phim truyện VN, trong sáng nay (21/9), tập thể nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam đã có buổi họp với Hội điện ảnh về tình hình của Hãng sau cổ phần hóa. Trong đó, vấn đề minh bạch hóa trong quá trình cổ phần hóa là mối quan tâm hàng đầu của những người tham dự.

Đi thẳng vào vấn đề, diễn viên Quốc Tuấn cho rằng động cơ chính của Tổng công ty vận tải thủy Vivaso – đơn vị chi tiền sở hữu Hãng phim truyện Việt Nam không phải là tình yêu với điện ảnh mà mục đích chính là “chiếm” hàng nghìn mét vuông “đất vàng” của Hãng.

Đạo diễn Quốc TuấnĐạo diễn Quốc Tuấn bức xúc với việc thiếu minh bạch trong quá trình CPH Hãng phim truyện Việt Nam

“Mảnh đất có giá 5.000m2, thêm 7.000m2 ở Cổ Loa (Hà Nội) mà định giá 19 tỷ là điều khó hiểu, còn không bằng một căn nhà của Vinhomes” – ông Tuấn bức xúc nói.

Cùng quan điểm này, đạo diễn - NSND Thanh Vân ước tính giá trị đất đai của hãng vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu của hãng đã trải qua gần 60 năm lịch sử cùng hàng trăm bộ phim đang sở hữu.

Ông Vân không hiểu tại sao Ban Cổ phần hóa của Bộ Văn hóa lại đồng ý với kết quả này, dẫn đến việc “Tổng công ty vận tải thủy Vivaso chỉ với 32,5 tỷ đồng đã sở hữu được 65% cổ phần của hãng và trở thành cổ đông chính”.

Vị đạo diễn này cho biết đã tham khảo một nhóm luật sư và có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam tồn tại nhiều sai phạm.

Có mặt tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam tuyên bố Hội điện ảnh sẽ yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa và lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà Ngát cho biết sẽ trao đổi vấn đề này với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

“Bi kịch là có nhiều thứ đặt không đúng chỗ, Vivaso không đủ tư cách để sở hữu một hãng phim có bề dày như hãng phim truyện Việt Nam. Bộ Văn hóa hãy giật mình tỉnh giấc, đừng để người làm kinh tế không biết gì về nghệ thuật làm nghệ thuật. Đừng để địa chỉ văn hóa như số 4 Thụy Khuê thành chợ giời” – nhà văn Chu Lai chua xót nói.

Liên quan đến câu chuyện tốn nhiều giấy mực này, VietTimes đã có bài phân tích "Thâu tóm đất vàng của Hãng Phim truyện Việt Nam: Đạo diễn đại tài" vào tháng 5/2016, trong đó có nêu 3 lý do để tin rằng: Với thực lực của Vivaso – “Nhà đầu tư chiến lược chưa tự đứng trên đôi chân của mình”,  việc vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng phim tư nhân khác có thể coi là “điệp vụ bất khả thi”:

·         Thứ nhất, Vivaso vốn là một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, bốc xếp, cảng sông, sửa chữa đóng mới phương tiện thủy nội địa thì  lấy đâu ra kinh nghiệm, công nghệ để chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho VFS - một đơn vị thành lập từ năm 1953 có bề dày truyền thống trong nền điện ảnh Việt Nam. Ngược lại, giả thuyết về việc các nghệ sĩ của VFS được chuyển hướng đạo tạo sang lĩnh vực lái tàu và bốc xếp trong thời gian tới lại ít nhiều… “có cơ sở” hơn.

·         Thứ hai, Vivaso với vốn điều lệ 320 tỷ đồng mới cổ phần hóa từ năm 2014, nhưng theo “Bản công bố thông tin về việc thoái vốn cổ phần của nhà nước đầu tư tại Vivaso thông qua đấu giá” thì tính đến 9/2015 đơn vị này đã lỗ 7.9 tỷ đồng sau gần 1 năm cắt khỏi “bầu sữa” nhà nước. Vậy thì một đơn vị có truyền thống thua lỗ như VFS (VFS đang nợ hơn 90 tỷ đồng trong khi vốn thực xác định còn 19,7 tỷ đồng) đang kỳ vọng cổ phẩn hóa để có những đột phá mới sẽ học hỏi gì từ một Vivaso - “Nhà đầu tư chiến lược” chưa tự đứng được trên đôi chân của mình.

Thứ ba, với tình hình tài chính như hiện tại thay vì đầu tư vào một doanh nghiệp cùng ngành theo sở trường của mình thì việc Vivaso bỏ ra tối thiểu 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần của VFS - một đợn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà Vivaso chưa hề có một chút kinh nghiệm nào, xem ra có thể là một thương vụ đầu tư … mạo hiểm.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của VietTimes, còn nhiều tính tiết “thú vị” liên quan đến thương vụ này, trong đó có việc những doanh nghiệp của ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Vivaso từ trước đó đã có “mối thâm giao” Bộ VHTT&DL. Điều này sẽ được VietTimes phân tích trong bài viết tiếp theo – Mời độc giả đón đọc.