Cổ phần hóa DNNN khó vì thị trường chứng khoán?

Tổng giá trị các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỉ đô la Mỹ. Liệu tiến trình cổ phần hóa DNNN theo lịch trình có được đẩy nhanh hay bị chậm lại? Nếu chậm thì đâu là nguyên nhân?
Vietnam Airlines là DNNN đang trong tiến trình cổ phần hóa.
Vietnam Airlines là DNNN đang trong tiến trình cổ phần hóa.

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, đại biểu Trần Du Lịch, một chuyên gia kinh tế, đặt câu hỏi: “Tới thời điểm này chúng ta còn 289 DNNN, toàn là xương xẩu, chưa thể cổ phần hóa được. Như vậy liệu chúng ta hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa DNNN hay không?”.

Câu hỏi của ông Lịch đặt ra trong bối cảnh Chính phủ đã đề ra mục tiêu tham vọng là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014-2015. Đến thời điểm này, chỉ còn 6 tháng là kết thúc năm 2015 song còn tới 289 doanh nghiệp vẫn chưa được cổ phần hóa.

Trả lời câu hỏi chất vấn này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng tôi nói 'sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu này'”… “Chúng tôi cũng rất thống nhất ở chỗ mình phấn đấu để cổ phần hóa 289 doanh nghiệp”.

Câu trả lời của ông Phúc cho thấy quyết tâm của Chính phủ, song ông vẫn tỏ ra do dự bởi hai lý do lớn. Thứ nhất, Phó thủ tướng giải thích: “…chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá. Chúng ta cũng phải đề phòng thất thoát tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa”. Thứ hai, ông khẳng định, việc cổ phần hóa thành công hay không còn phụ thuộc vào thị trường chứng khoán: “Nếu bán [DNNN] cho doanh nghiệp, bán cho SCIC, hay cho cán bộ công nhân viên thì dễ, nhưng bán cổ phần [để biến DNNN] thành công ty đại chúng thì phải theo thị trường và sự sôi động của thị trường”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, với quy mô khá nhỏ bé, dường như gặp khó khăn khi hấp thụ một lượng lớn cổ phần bán ra từ các DNNN được cổ phần hóa.

Theo đánh giá của Nhóm Công tác thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt khi so sánh với các nước ASEAN.

Nghiên cứu của nhóm này cho biết, thị trường Việt Nam với 91 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 46 tỉ đô la Mỹ, chỉ tương đương với 25% GDP của Việt Nam.

Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 184 tỉ đô la Mỹ (gấp 4 lần Việt Nam), tương đương 65% GDP của nước này.

Thái Lan, với 69 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 418 tỉ đô la Mỹ (gấp 9 lần Việt Nam), tương đương 112% GDP của nước này.

Malaysia, với 30 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 287 tỉ đô la Mỹ (gấp 6 lần Việt Nam), tương đương 88% GDP của nước này.

Singapore, với 5 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán là khoảng 415 tỉ đô la Mỹ (gấp 9 lần Việt Nam), tương đương với 135% GDP của nước này.

Indonesia, với 251 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán là khoảng 397 tỉ đô la Mỹ (gấp 8 lần Việt Nam), tương đương với 45% GDP của nước này.

Ông Nguyễn Kiên, đại diện cho nhóm khẳng định: “Như vây, chúng tôi nhận thấy rằng thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa”.

Ông cho biết, theo các thông tin mà nhóm có được, tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỉ đô la Mỹ. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần thì thị trường sẽ cần tới 3,75 tỉ đô la Mỹ để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần.

Trong khi đó, theo ghi nhận của nhóm, trong giai đoạn từ 1/1 đến 19/5 năm 2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào chứng khoán Việt Nam chỉ là 118,3 triệu đô la Mỹ.

Để đẩy mạnh và phát triển thị trường chứng khoán, nhóm này kiến nghị sớm cổ phần hóa và niêm yết các DNNN; tăng sở hữu nước ngoài; và hình thành quỹ hưu trí tự nguyện.

Tiến trình cổ phần hóa DNNN như vậy sẽ vẫn còn dài đằng đẵng, và đầy gian khó.

Theo TBKTSG