Chuyên gia Việt Nam nói gì về thượng đỉnh Mỹ-Triều, tương lai bán đảo Triều Tiên

VietTimes -- TS. Trần Việt Thái - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) đánh giá hai thể chế khác nhau, hai quan điểm chính trị rất khác biệt nhau vì vậy khả năng thống nhất giữa hai miền Triều Tiên sẽ cực kỳ khó khăn. Nhưng sẽ có hòa bình ổn định, mỗi bên sẽ tự quyết định vận mệnh của mình.
Tháng 11 năm ngoái là thời điểm Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, sau đó Mỹ đã có đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên nhưng rồi cả hai nước đã thay đổi 180 độ. Triều Tiên ủng hộ hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì muốn gặp gỡ tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12.6. Ông đánh giá thế nào về bước ngoặt này? Tại sao ông Donald Trump và ông Kim Jong un lại có những thay đổi như vậy?
Triều Tiên đã có những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ với Hàn Quốc bằng cách gửi một đội tuyển và những đại biểu tới tham dự Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang. Sau thế vận hội, Hàn Quốc cử Cục trưởng cục tình báo sang Triều Tiên và ông này đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đón tiếp trọng thể. Trong buổi chiêu đãi tối, ông Kim Jong-un đã nhờ ông này chuyển thông điệp tới tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Triều Tiên và Mỹ có thể ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đã có mặt tại Singapore để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra vào 12.6.2018.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đã có mặt tại Singapore để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra vào 12.6.2018.
Sau buổi tối đó, ông này đã về báo cáo lại với tổng thống Moon Jae-in và Hàn Quốc đã làm cầu nối liên lạc giữa Triều Tiên với Mỹ. Ngược lại với dựa đoán của tất cả mọi người, ông tổng thống Mỹ đã nhận lời ngay. Ông Trump đã thực hiện điều này bởi hai mục đích. Đầu tiên, là dùng điều này để ép Hàn Quốc đàm phán lại về vòng 3 hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn. Ông Trump đã thành công. Thứ hai, ông Trump muốn dùng kết quả cuộc gặp để ghi dấu mốc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. 
Điểm đặc biệt của Mỹ là những tuyên bố "tiêu chuẩn kép" hay còn gọi là nước đôi của ông Trump? Ngay sau khi tuyên bố sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump lại gửi thư cho ông Kim Jong-un hủy bỏ cuộc gặp, rồi lại tiếp tục quyết định gặp ông Kim? Theo ông, tại sao ông Donald Trump lại thay đi đổi lại chóng mặt như vậy?
 Ông Donald Trump đã nôn nóng muốn đạt được một kết quả tích cực cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới nên đã nhận lời ngay khi ông Kim Jong-un ngỏ ý muốn gặp. Đây có lẽ là lý do ông Rex Tillerson đã nói ông "khờ khạo" (moron) và sau đó bị ông Trump sa thải. Tổng thống Mỹ đã cử Ngoại trưởng sang Bình Nhưỡng 2 lần và cả hai lần ông Mike Pompeo đều đàm phán không thành.
Tổng thống Mỹ đã sa thải ông Rex Tillerson (trái) và đưa ông Mike Pompeo (phải) lên làm Ngoại trưởng.
Tổng thống Mỹ đã sa thải ông Rex Tillerson (trái) và đưa ông Mike Pompeo (phải) lên làm Ngoại trưởng. 

Tổng thống Mỹ đã phạm sai lầm sơ đẳng trong ngoại giao bởi trong ngoại giao đàm phán không bao giờ bắt đầu với Ngoại trưởng trước, bao giờ cũng là cấp chuyên viên. Đàm phán bắt nguồn từ cấp kỹ thuật để "cò cưa" lợi ích, thu hẹp bất đồng. Sau đó, khi tối giản bất đồng thì mới dùng tới chính trị, ở cấp Ngoại trưởng. Nhưng ông Trump đã làm ngược lại. Và khi đàm phán không có kết quả bởi Triều Tiên quá cứng rắn thì lại tuyên bố hủy, đây là thói quen ngoại giao của ông Trump. Sau đó, hai nước lại phải đưa chuyên viên tới đàm phán lại. 

Năm 2017 là năm Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và tên lửa với tần suất nhiều nhất cho tới nay. Tới thời điểm ngày 5.11.2017, họ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhưng chưa tới nửa năm sau, ông Kim lại tuyên bố phi hạt nhân hóa. Ông đánh giá về điều này như thế nào? 

  • Phát triển công nghệ hạt nhân không thể kéo dài. Triều Tiên phải tập trung càng nhanh càng tốt, bởi vì càng kéo dài càng tốn kém và có nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Vì vậy, tranh thủ tình hình năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump vẫn còn đang bận rộn, họ phải quyết liệt để đạt được mục tiêu của mình.
    Mục tiêu gồm 3 điều:
    - Có đủ lượng Uranium và Plutonium để chế tạo bom
    - Thu gọn đầu đạn hạt nhân để gắn được lên tên lửa
    - Có được tên lửa đạn đạo liên lục địa 
    Triều Tiên phải làm ngày đêm để thực hiện 3 mục tiêu này càng nhanh càng tốt. Ngày 5.11.2017, Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa Hwasong-14, sau đó là Hwasong-15. Mục đích của Triều Tiên là xây dựng lực lượng răn đe đủ mạnh để nhằm vào Mỹ, để gây sức ép với Mỹ. Triều Tiên chắc chắn không phát động chiến tranh bởi vì nếu xảy ra điều này, Triều Tiên sẽ bị hủy diệt ngay.
  • 5.11.2017, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.
    5.11.2017, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. 
    Triều Tiên phát triển hạt nhân, tên lửa để giữ bộ mặt của quốc gia và sau đó là thỏa mãn lợi ích của quân đội sau đó họ cần quay sang phát triển kinh tế. Chính vì thế, đầu năm nay ông Kim Jong-un có bài phát biểu rất quan trọng trên truyền hình. Chuyển đi thông điệp năm mới là Triều Tiên sẽ tập trung, ưu tiên phát triển kinh tế.
    Nhưng tại sao vừa hoàn thành lại đi giải trừ. Bởi lẽ, Triều Tiên chỉ cần một thứ có thể có tác dụng răn đe nước Mỹ và tạo nên ưu thế để "mặc cả". Khi đã xong thì phải chuyển hướng sang kinh tế. 
    Điểm khác biệt của Triều Tiên với các nước là họ muốn làm là sẽ tập trung làm bằng được. Muốn phát triển tên lửa, họ phát triển bằng được. Và khi quyết định chuyển hướng chiến lược cũng chuyển hướng bằng được. Đây là điều không phải nước nào cũng thực hiện được. Điều này cũng chứng tỏ, lãnh đạo Triều Tiên đang kiểm soát rất tốt tình hình.
Nhiều bài báo trên truyền thông phương Tây cho rằng Hội đồng Cố vấn An ninh của ông Trump không muốn cuộc gặp này sẽ diễn ra và khi hai miền Nam – Bắc Triều Tiên hòa hợp, Mỹ sẽ không còn lý do để hiện diện thường trực trong khu vực nữa. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Thực tế, đội ngũ cố vấn không thể có quyền quyết định lớn như ông Trump. Hiện nay, những suy nghĩ của ông Trump thì chính đội ngũ cố vấn cũng không nắm được. Có lẽ người hiểu ông Trump nhất hiện nay là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Họ có lập trường rất gần nhau. Những nhân vật chủ chốt như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hay Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lại có quan điểm tương đối khác.
Nếu đạt được kết quả tích cực trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên, ông Trump sẽ giành được một thắng lợi lớn về mặt chính trị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
 Nếu đạt được kết quả tích cực trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên, ông Trump sẽ giành được một thắng lợi lớn về mặt chính trị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Việc báo chí nói họ không muốn cuộc gặp diễn ra thì cũng không hẳn. Điều quan trọng là ông Trump có muốn cuộc gặp này diễn ra không? Ông Trump muốn biến cuộc gặp này thành một thành tích trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và nếu thành công sẽ là màn biểu diễn chính trị trong cuộc tranh cử để làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Mỹ đang đạt mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Ông Trump cũng đang hóa giải dần vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử. Vì thế, xử lý vấn đề Triều Tiên có kết quả tích cực sẽ rất có lợi cho ông Trump.
Tất cả quyền quyết định đặt ở ông Trump và tất cả phải quay vào để cổ vũ tổng thống. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ muốn cuộc gặp này như thế nào? Một màn biểu diễn hay một kết quả thực chất. Để biết được cuộc họp này sẽ diễn ra như thế nào thì phải tập trung vào ông Trump.
Nếu Triều Tiên thật sự giải trừ hạt nhân thì theo ông kịch bản Libya liệu có lặp lại trên đất Triều Tiên như một vài quan chức Mỹ đã nói tới? Và nếu có việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thì tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Tình hình ở Libya có những điểm then chốt như sau: ông Gaddafi phải chuyển toàn bộ vũ khí hóa học, tên lửa ra khỏi lãnh thổ. Ông phải đưa lực lượng quốc tế vào Libya kiểm chứng (Tổ chức chống sử dụng vũ khí hóa học OPCW). Lực lượng này phải được phép đi bất cứ đâu, kiểm tra bất kỳ cơ sở nào. Tuy nhiên, không may cho Libya là ngay sau đó không lâu đã diễn ra Mùa xuân Ả rập, bạo lực tràn lan dẫn tới chính phủ Libya bị lật đổ, Gaddafi bị bắt và hành hình. 
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Tiến sĩ Vivian Balakrishnan chào đón ông Kim Jong-un tại sân bay quốc tế Changi.
 Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Tiến sĩ Vivian Balakrishnan chào đón ông Kim Jong-un tại sân bay quốc tế Changi.
Tuy nhiên trường hợp Triều Tiên lại khác. Để giải trừ vũ khí hạt nhân chỉ có 2 cách. Hoặc là hủy tại chỗ có kiểm chứng hoặc chuyển toàn bộ ra ngoài. Triều Tiên cũng phải đưa lực lượng quốc tế vào quan sát vì Mỹ không tin ai. Nhưng Triều Tiên không muốn chế độ bị nguy hiểm. Bởi vậy phi hạt nhân hóa phải gắn với ổn định chế độ. Nếu tách hai điều này ra thì Triều Tiên không bao giờ chấp thuận. Mỹ ưu tiên phi hạt nhân hóa, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Trong khi Triều Tiên ưu tiên ổn định, bảo vệ chế độ và cải cách mở cửa. Kể cả hai bên nhượng bộ như thế nào thì những điểm mấu chốt ở phía trên sẽ không bao giờ từ bỏ. Vì vậy, mô hình Libya không bao giờ diễn ra ở Triều Tiên. Triều Tiên sẽ muốn một chính sách có bảo đảm. Cuộc đàm phán Mỹ - Triều là cuộc đàm phán duy nhất cho tới nay không có gì chắc chắn, nhưng vẫn đang tiến triển. Vì nếu không tiến triển thì Mỹ sẽ không cử Ngoại trưởng đến Triều Tiên 2 lần. Nếu không có tiến triển thì không bao giờ ông Trump phát biểu như vậy trên Twitter.
Tổng thống Trump tại sân bay Singapore.
 Tổng thống Trump tại sân bay Singapore.
Tôi cho rằng cả hai bên trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới đều sẽ nhượng bộ. Nhưng nhượng bộ cái gì và như thế nào thì phải chờ khi có kết quả. Và kết quả này gói gọn lại trong những điểm quan trọng sau: 
1. Sẽ ra lộ trình phi hạt nhân hóa. Cuộc họp này dự đoán sẽ bắt đầu cho một tiến trình dự đoán khoảng 5-10 năm. 
2. Lộ trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều. Hai lộ trình trên phải diễn ra song song. Mỹ một bước – Triều Tiên một bước, bởi hai bên đã mất lòng tin sâu sắc về nhau.
3. Hai bên có thể sẽ ký hiệp ước hòa bình hoặc thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. 
Tình hình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được giải quyết theo 4 bước. Bước 1: Đình chiến về mặt kỹ thuật. Bước 2: Đình chiến về chính trị. Bước 3: Hai bên cam kết hòa bình lâu dài. Bước 4: Ký kết hiệp ước hoặc thỏa ước về mặt hòa bình.
Nhiều khả năng sắp tới, sẽ có cuộc gặp 3 bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc để dàn xếp một thỏa ước chấm dứt chiến tranh và lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Với tình hình tiến triển như hiện nay, theo ông khả năng thống nhất hai miền Nam – Bắc Triều Tiên sẽ ra sao?
Hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên chưa thể thống nhất nhưng hai bên sẽ có hòa bình ổn định. Hàn Quốc cần hòa bình, ổn định. Còn Triều Tiên đang từng bước thiết lập hòa bình với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng sẽ từng bước dùng những tiến trình hòa bình đó để gỡ bỏ lệnh cấm vận, thiết lập hòa bình, mở cửa và hội nhập quốc tế giống Việt Nam đã làm.
Triều Tiên sẽ đi theo con đường Việt Nam đã làm những năm 1980. Khi cải cách mở cửa, Triều Tiên sẽ giảm quân số để lấy tiền đầu tư. Đương nhiên chi phí giảm thì có tiền để đầu tư vào phát triển kinh tế.
Nhưng hai thể chế khác nhau, hai quan điểm chính trị khác nhau sẽ rất khó gặp nhau. Bởi vậy việc thống nhất sẽ cực kỳ khó khăn. Nhưng sẽ có hòa bình ổn định, mỗi bên sẽ tự quyết định vận mệnh của mình. Nếu có sự thống nhất thì với bài học của nước Đức, Hàn Quốc sẽ không vội thống nhất ngay. Họ sẽ đợi Triều Tiên phát triển tới một mức nào đó thì cái giá của việc thống nhất sẽ thấp nhất.