Chuyên gia Nga: “Việt-Mỹ phát triển quan hệ không có nghĩa Hà Nội từ bỏ Mátxcơva”

Đà xích gần của Washington và Hà Nội, bao gồm cả trong vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật, không có nghĩa là Việt Nam dự định tái trang bị quân đội hiện đang dùng đến 90% vũ khí Nga theo hướng chuyển sang nguồn cung cấp từ Mỹ, chuyên gia Nga nhận định.
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm hộ vệ tên lửa lớp Gepard của hải quân Việt Nam do Nga chế tạo
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm hộ vệ tên lửa lớp Gepard của hải quân Việt Nam do Nga chế tạo

Đó là nhận xét của các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

"Hoàn toàn rõ ràng là hiện nay đang phát triển định dạng quan hệ Việt-Mỹ không chỉ gồm các khía cạnh kinh tế-ngoại giao, mà còn cả về hợp tác quân sự-kỹ thuật. Theo lối có hệ thống, Washington đang gia tăng và củng cố vị thế của mình trong quan hệ với Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực thường có truyền thống gắn với Nga như là hợp tác quân sự-kỹ thuật", Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) Sergei Luzyanin tuyên bố như vậy tại cuộc họp báo chuyên gia ngày 26/6, nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga cho rằng véc-tơ chính sách của Washington với Hà Nội còn gắn với thực tế quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời theo đánh giá của chuyên gia Nga, Việt Nam đang duy trì lập trường cân bằng.

"Việt Nam có đối tác là Washington, nhưng vẫn có đối tác quan trọng là Matxcơva", ông Luzyanin lưu ý.

Còn nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN là ông Grigory Lokshin, người cũng tham gia buổi họp nêu ý kiến rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam gắn với chia sẻ lợi ích.

Đồng thời, theo quan điểm của ông Lokshin, trong phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật của Việt Nam với Mỹ có tác động nghiêm túc từ yếu tố Nga.

"Người Mỹ thời gian gần đây đã dỡ bỏ nhiều hạn chế với việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu rằng tái vũ trang quân đội là quá trình rất phức tạp, và chắc chắn ở Việt Nam không ai sửa soạn chuyển đổi theo định hướng Mỹ. 90% vũ khí mà quân đội Việt Nam đang sử dụng là do Nga sản xuất, còn tái vũ trang không có nghĩa là mua toàn thiết bị Mỹ, mức giá đã không rẻ lại còn cộng thêm phải thu hút các chuyên gia từ Mỹ. Vì thế ở đây có rào cản khá nghiêm túc", ông Grigory Lokshin nhận xét.