Chuyên gia Nga: Việt Nam trở thành niềm hy vọng lớn nhất của Nhật Bản

Theo quan điểm của Nhật Bản, ở châu Á có hai đồng minh đáng tin cậy, đó là Việt Nam và Ấn Độ - hai quốc gia với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và quân đội quân mạnh mẽ... Nhật Bản muốn xây dựng một trục liên kết Tokyo-Hà Nội-Delhi, giáo sư Nga nhận định trên Sputnik.
Đức vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đang có chuyến thăm Việt Nam
Đức vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đang có chuyến thăm Việt Nam

Chuyến thăm Việt Nam là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Đức vua Nhật Bản 83 tuổi sau khi hồi tháng 8/2016 ông tỏ ý muốn thoái vị vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Đức vua và Hoàng hậu Nhật Bản có các hoạt động tại Hà Nội và Huế, thực hiện những cuộc gặp gỡ cấp cao, cũng như gặp vợ con của lính Nhật từng tham chiến ở Đông Dương và ở lại Việt Nam sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh vào năm 1945.

Trong số khoảng 600 binh sĩ Nhật ở lại Việt Nam, có nhiều  người tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp. Sau cuộc kháng chiến, chính quyền Nhật Bản đã yêu cầu họ về nước. Ước tính có khoảng vài trăm người là vợ, con cựu lính Nhật Bản đang ở Việt Nam. Và Đức vua Nhật Bản muốn gặp những người này.

Trước khi rời Tokyo, Đức vua Akihito nói: "Chúng tôi hy vọng rằng, chuyến thăm tới Việt Nam lần này sẽ giúp phát triển hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta".  Báo Nga chú ý đến việc vào tháng 1/2017, Hà Nội đã tiếp đón chính thức thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Trao đổi với Sputnik, giáo sư Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, nói:

"Đúng vậy. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến một trò chơi lớn ở Đông Nam Á. Mọi người đều thấy rõ rằng, Mỹ đã bước vào giai đoạn khá dài của cuộc xung đột nội bộ, họ không còn tập trung quan tâm đến các vấn đề châu Á và không thực hiện các cam kết nghiêm túc của mình. Mỹ không còn làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc về mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Kết quả là Tokyo đang tìm kiếm đồng minh để đối phó. Theo quan điểm của Nhật Bản, ở châu Á có hai đồng minh đáng tin cậy, đó là Việt Nam và Ấn Độ - hai quốc gia với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và quân đội quân mạnh mẽ... Nhật Bản muốn xây dựng một trục liên kết Tokyo-Hà Nội-Delhi".

Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), chỉ đứng sau Hàn Quốc về khối lượng đầu tư, là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, Tokyo đang thành lập ở Việt Nam những trung tâm đào tạo và phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, rất nhiều lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở Nhật Bản. Việc đảm bảo an ninh trên không và trên biển trong khu vực là một lĩnh vực quan trọng trong sự hợp tác giữa hai nước, Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra biển cho Việt Nam.

Tình hình hiện nay rõ ràng là một thắng lợi trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Hà Nội - giáo sư Mosyakov nhận xét - hiện nay các cầu thủ chủ chốt trên trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga đều muốn phát triển quan hệ toàn diện với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ sáng suốt, tài tình để duy trì sự cân bằng giữa các cầu thủ, tiếp tục thực thi chính sách "Ba không" và sử dụng tình hình hiện tại để đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và tiếp tục củng cố quốc phòng”.

Theo Sputnik