Chuyên gia Nga bình luận việc chiến hạm Trung Quốc vào Cam Ranh

VietTimes -- Thông tin ba tàu hải quân Trung Quốc cập cảng cảng Cam Ranh lập tức thu hút sự chú ý của nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Ông Pyotr Tsvetov, Phó Giáo sư của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga bình luận về sự kiện này trên Sputnik.
Ba chiến hạm Trung Quốc vừa ghé thăm cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam
Ba chiến hạm Trung Quốc vừa ghé thăm cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam

Lý do không chỉ vì đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc ghé thăm cảng biển Việt Nam nổi tiếng, mà sự kiện diễn ra theo thỏa thuận giữa bộ quốc phòng hai nước. Trong chương trình, các thủy thủ Trung Quốc sẽ gặp gỡ ban lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, thăm Học viện Hải quân, có các hoạt động thể thao với thủy thủ Việt Nam. Nghĩa là một sự kiện thân thiện, mang tính đối tác.

Theo ông Tsvetov, cho tới gần đây, tin tức được cập nhật từ Biển Đông phản ánh bầu không khí căng thẳng liên quan các tranh chấp xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc với một loạt quốc gia Đông Nam Á, trong đó quan hệ Trung Quốc và Việt Nam đôi khi đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Dễ hiểu là vấn đề quan hệ của các nước láng giềng luôn phức tạp hơn so với các quốc gia xa cách nhau hàng chục nghìn cây số. Nhưng đẩy vấn đề biên giới chưa được giải quyết thành xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng đồng nghĩa là điều không ai mong muốn, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân chịu gánh nặng chi tiêu quân sự vì xung đột, phá hoại ổn định và hòa bình ở khu vực.

Một trong ba chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh
Một trong ba chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh

Vị chuyên gia Nga cho rằng kịch bản như vậy chỉ có lợi cho những thế lực chính trị nhất định. Ông Tsvetov cáo buộc thế lực hiện nay đó là Mỹ, quốc gia không ngừng nỗ lực gây mất ổn định ở các khu vực khác nhau trên thế giới nhằm tạo cơ hội thực hiện kế hoạch có lợi cho họ. Khu vực Trung Đông là một ví dụ sinh động, nơi các cuộc bạo động mùa xuân Ả Rập đã diễn ra không thể không có sự can thiệp của Mỹ. Hàng loạt chế độ bị lật đổ, bất ổn chính trị ở Iraq, Libya, Yemen và các nước khác, còn Mỹ được dịp can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.

Theo ông Tsvetov, biện pháp tốt nhất là các quốc gia trên bờ Biển Đông cùng tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp thông qua đoàn kết đối thoại, nỗ lực hướng tới hợp tác mở rộng trong mọi lĩnh vực, kể cả nghiên cứu thực hiện các dự án chung khai thác nguồn tài nguyên biển.