Chưa đầy 1% dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4

VietTimes -- Hiện có khoảng 125.000 dịch vụ công cho người dân nhưng mới có gần 1.200 dịch vụ, chưa đầy 1%, được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4. Đây là một con số hiểu theo nghĩa lạc quan thì thị trường còn rất lớn nhưng cũng là con số rất đáng suy nghĩ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại VEPF 2016
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại VEPF 2016

Đó là băn khoẳn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử lần thứ 2 (VEPF 2016), vừa diễn ra ngày 24/11.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá những cam kết của Diễn đàn trong năm 2015 đã được thực hiện rất nghiêm túc qua các bước tiến trong lĩnh vực thuế, khi 96% số DN đăng ký khai thuế qua mạng cùng rất nhiều hộ kinh doanh, người dân; kết nối hơn 10.000 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước từ tuyến xã đến tỉnh, huyện, Trung ương.

“Mặc dù đây mới là kết quả ban đầu nhưng rất quan trọng. Điểm lại từ năm ngoái đến nay chúng ta đã có những bước tiến đúng hướng, đạt được kết quả rõ nét trong ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tài chính, ngân hàng. Điều đó cho thấy Diễn đàn không chỉ có sức sống mà còn có hứa hẹn tiếp tục phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản, chính sách đặt nền móng cho phát triển thanh toán điện tử như phát triển thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng của cả nền kinh tế. Cùng với đó là nỗ lực của cả cộng đồng công nghệ thông tin đã tạo ra những cải thiện về Chính phủ điện tử được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tăng 10 bậc so với trước, đặc biệt là về cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng.

Chưa đầy 1% dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4 ảnh 1
Toàn cảnh diễn đàn.

Tuy nhiên, so với những gì đã đặt ra tại VEPF 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá tiến độ thực hiện còn rất chậm. Nhiều chương trình về ứng dụng thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công qua mạng dù đã được khởi động nhưng còn rất vướng mắc từ quy định pháp luật, thói quen và hạn chế trong tiếp cận thị trường của các DN, nhà cung cấp giải pháp dịch vụ.

“Đến giờ phút này có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp cung cấp cho người dân nhưng mới có chưa đầy 1.200 dịch vụ, chưa đầy 1%, được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4. Đây là một con số hiểu theo nghĩa lạc quan thì thị trường còn rất lớn nhưng cũng là con số rất đáng suy nghĩ", Phó Thủ tướng nêu vấn đề và đồng tình với cách tiếp cận của Diễn đàn về việc chọn một vài lĩnh vực như thanh toán điện tử trong giao thông, cải cách thuế, phát triển, ứng dụng công nghệ tài chính… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN, Chính phủ, tăng cường tính tương tác của Chính phủ với DN, người dân.

Các phiên thảo luận tại VEPF 2016 đã tập trung vào 2 chủ đề chính: Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông và khả năng liên thông các dịch vụ thanh toán khác tại Việt Nam và Cơ hội - thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng Fintech, và dành thời gian đánh giá kết quả phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc thúc đẩy thu, nộp thuế trực tuyến, mở rộng và phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và bán lẻ... theo kiến nghị của VEPF 2015.