Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói về Sơn Trà và công văn “yêu cầu xử lý“

VietTimes -- Sau một loạt các diễn biến liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lên tiếng bảo vệ Sơn Trà khỏi bê tông hóa, nhất là trong bối cảnh Đề án Quy hoạch Tổng thể Du lịch bán đảo Sơn Trà được thực thi. Ngày 8/6, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đã trải lòng cùng VietTimes về hoạt động “Giải cứu Sơn Trà” của mình.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã trãi lòng cùng VietTimes về hoạt động “Giải cứu Sơn Trà” của mình.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã trãi lòng cùng VietTimes về hoạt động “Giải cứu Sơn Trà” của mình.
Rất nhiều trở lực
- Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến hành động kiên quyết bảo vệ Sơn Trà khỏi bê tông hóa của ông. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau tất cả những gì đã diễn ra?
Ông Huỳnh Tấn Vinh: Trước hết, tôi xin cảm ơn các cơ quan báo chí, cộng đồng đã đồng tình, chung tay ủng hộ gìn giữ báu vật Sơn Trà.
Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến hoạt động bảo vệ Sơn Trà và đến nay đã có 13.188 người đồng ý ký tên vào việc giải cứu Sơn Trà khỏi bê tông hóa. Nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông bao gồm cả Đài Truyền hình quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin và ủng hộ cho chương trình này.
Từ khi gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghi xem xét lại bản Quy hoạch Du lịch tại Sơn Trà, chúng tôi hồi hộp theo dõi những động thái của các cơ quan liên quan, động thái của Tổng Cục Du lịch, Bộ VH-TT và DL, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cũng như của Ủy ban, Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,…
Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, hy vọng có, thất vọng cũng có, nhưng nói chung, đó là những cung bậc cảm xúc đầy kịch tính. Phải nói đó là cảm xúc rất lạ. Chúng tôi không nghĩ rằng lại có đông đảo quần chúng, những người yêu thiên nhiên ủng hộ quan điểm của tôi nhiệt tình, nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy.
ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ tham luận tại Hội thảo chuyên đề về bảo vệ đa dạng sinh học tại Sơn TràÔng Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội thảo chuyên đề về bảo vệ đa dạng sinh học tại Sơn Trà

- Ông có nghĩ rằng đây là hành động chưa từng có? Và trong quá trình phản biện, bảo vệ sự vẹn nguyên của bán đảo Sơn Trà, ông đã vấp phải những trở lực nào? Ông nghĩ sao về những trở lực đó?

Như bạn biết, chưa bao giờ có sự quan tâm, ủng hộ cho hành động bảo vệ Sơn Trà của các cơ quan báo chí của Nhà nước lại mạnh mẽ như vậy. Tôi nghĩ đây là sự kiện chưa từng có trong hoạt động bảo vệ thiên nhiên, mà cụ thể ở đây là Sơn Trà.
Cũng phải nói rằng chúng tôi gặp khá nhiều trở lực trong việc bảo vệ Sơn Trà của mình. Đầu tiên là của tác giả của bản Quy hoạch, từ Tổng Cục Du lịch, rồi một số cơ quan liên quan khác. Chúng tôi đã trải qua những những thời điểm hết sức nặng nề khi chúng tôi đưa tin về việc đó thì Sở Du lịch đã mời chúng tôi lên chất vấn các vấn đề liên quan như quy trình thế nào, đã thông qua ý kiến ai,… Rồi tiếp đến Tổng Cục Du lịch mời chúng tôi ra Hà Nội, rồi lại vào Đà Nẵng trực tiếp chất vấn này nọ,…những điều đó làm tôi cảm thấy rất nặng nề và lo lắng.
Thậm chí tại buổi tọa đàm ngày 30/5 tại Hà Nội vừa qua, chúng tôi tới dự trong tâm thế rất cô độc, cô đơn. Trong khi khách mời phần lớn là do Tổng cục Du lịch chỉ định. Thậm chí những nhà khoa học từng lên tiếng bảo vệ Sơn Trà cũng không được mời.
Và trong buổi tọa đàm đó, chúng tôi cảm thấy bị áp lực rất lớn, nhưng tôi vẫn cố gắng lên tiếng bảo vệ Sơn Trà được chừng nào hay chừng đó. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã gửi được thông điệp bảo vệ Sơn Trà đến cộng đồng, đến dư luận cả nước và tôi cho rằng điều đó đã thành công bước đầu.
 - Liên quan đến văn bản đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân ông, ông nghĩ như thế nào về văn bản này? Cũng như hành động thu hồi văn bản của Bộ VH-TT và DL?
Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên khi tôi biết văn bản đó vào 3h sáng ngày chủ nhật (4/6). Trước đó, một số báo mạng đã đưa tin từ 1h30 sáng về việc yêu cầu xử lý trách nhiệm tôi, liên quan đến những phát ngôn trong cuộc hội thảo. Tôi hết sức ngạc nhiên, bởi đây là một buổi tọa đàm khoa học được tổ chức theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên tinh thần hết sức cầu thị và khoa học.
Tất cả ý kiến mà chúng tôi đã báo cáo tại buổi tọa đàm, chúng tôi đã gửi bằng văn bản ý kiến của mình. Thậm chí gửi chi tiết những đường link về những phản biện đó, song tại buổi tọa đàm, các anh ấy không có ý kiến gì.
Buổi tọa đàm kết thúc ngày 30/5, nhưng đến ngày Thứ bảy (3/6) thì Tổng cục Du lịch đột nhiên có văn bản yêu cầu xử lý. Bản thân tôi thấy hết sức kỳ lạ! Bởi đã là hội thảo khoa học thì phải tôn trọng phản biện và ý kiến khác biệt, nếu không thì tổ chức tọa đàm, hội thảo để làm gì? Tôi cảm thấy hết sức thất vọng về cách hành xử và sự thiếu tinh thần cầu thị khoa học như vậy.
Nhưng sau đó mấy tiếng đồng hồ thì anh Ái (Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái - PV) có điện thoại cho tôi nói rằng rất áy náy về công văn đó. Trong hoàn cảnh đặc biệt và chịu nhiều sức ép nên anh Ái có nói mong tôi thông cảm và xin lỗi tôi về điều đó.
Tôi nghĩ khi người ta đã nhận ra điều đó, xin lỗi về việc đó thì mình cũng không nên suy nghĩ, hay để bụng về điều đó nữa. Tôi có nói với anh Ái, cũng như đưa lên facebook cá nhân, tôi ghi nhận lời xin lỗi đó và mong rằng anh Ái cùng ủng hộ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng như cá nhân tôi và cộng đồng xã hội trong hoạt động bảo vệ Sơn Trà và anh Ái cũng đã đồng tình về điều đó.
Bảo vệ đa dạng sinh học cho Sơn Trà là gìn giữ cho thế hệ sau!Bảo vệ đa dạng sinh học cho Sơn Trà là gìn giữ cho thế hệ sau?

- Nhìn toàn cảnh, từ việc phê duyệt Đề án quy hoạch Du lịch Sơn Trà cho đến những việc làm của Bộ VHTT và DL, ông thấy chúng ta cần phải làm gì để bảo tồn, gìn giữ Sơn Trà?

Vấn đề này như tôi đã báo cáo tại hội thảo là việc đầu tiên cần rà soát lại toàn bộ giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học của Sơn Trà như thế nào từ rừng, vỉa san hô, mạch nước ngầm,… nó có giá trị ra sao đối với Đà Nẵng, thế nào là lá phổi xanh, thế nào là rừng nguyên sinh ở Sơn Trà,… Rồi đa dạng của động thực vật tại đây.
Sau khi rà soát lại toàn bộ những giá trị tài nguyên của bán đảo Sơn Trà, chúng ta phải tiếp tục rà soát, kiểm tra lại việc sử dụng đất đai như thế nào, đã giao cho ai, còn lại bao nhiêu,… Sau khi rà soát xong, kiểm tra xong thì cần có dự báo, biến đổi của Sơn Trà trong ngắn hạn và dài hạn. Từ đó có những ứng xử với Sơn Trà như thế nào thông qua các hội thảo khoa học mà hội thảo không phải để khai thác du lịch mà phải bảo tồn Sơn Trà như thế nào.
Sau khi có các ý kiến bảo tồn Sơn Trà thì có thể vận dụng những ý kiến đó, rồi xem xét có thể ở cao độ nào, vị trí nào, và mật độ bao nhiêu để có thể đưa hoạt động du lịch vào, và đặc biệt đó phải là hoạt động du lịch sinh thái. Đó là những bước đi mà chúng tôi đã kiến nghị với hội thảo đó, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội.
Bảo vệ Sơn Trà là lẽ phải!
- Theo thông tin trên mạng xã hội dường như ông từng bị đe dọa thì phải, ông có thể chia sẻ về việc này không?
Đây là việc riêng của gia đình tôi nên tôi xin phép không trả lời câu hỏi này. Bởi lẽ điều đó ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt và sự an toàn của gia đình tôi.
- Ngoài việc bị đe dọa, ông còn vấp phải những trở lực nào nữa thưa ông?
Đa phần anh em Hiệp hội Du lịch, các Hội trực thuộc như Hội Khách sạn, Hội Lữ hành, các câu lạc bộ Hướng dẫn viên,… đều động viên và ủng hộ tôi khi dũng cảm nêu lên vấn đề này. Hầu như mọi người đều đồng tình với tôi trong việc gìn giữ báu vật Sơn Trà cho du lịch.
Tuy nhiên, trước đó, tôi cũng gặp những trở lực lớn. Như năm 2016, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị gửi đến TP Đà Nẵng, HĐND TP Đà Nẵng về việc cảnh báo trong việc xây dựng Công viên Đại dương tại Sơn Trà sẽ làm ảnh hưởng đến rạn san hô, an toàn bờ biển từ Sơn Trà đến Non Nước,… nhưng đến nay chúng tôi vẫn nhận được hồi âm.
Và sau thư kiến nghị đó, tôi được Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng mời lên trao đổi, nói tôi không nên làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nữa vì có người đặt vấn đề là nên thay đổi. Tôi rất ngạc nhiên về điều đó và có hỏi các lãnh đạo TP Đà Nẵng nhưng không có ai nêu ý kiến như thế. Đó là một trong những trở lực ảnh hưởng đến các hoạt động của tôi.
Còn công việc hiện tại là điều hành tại Furama thì tôi đã hoàn thành chức trách của mình. Lúc đầu thì các thành viên trong HĐQT cũng e ngại việc bảo vệ Sơn Trà của tôi sẽ gây ảnh hưởng nào đó đến hoạt động, quan hệ của Furama  và cũng có yêu cầu tôi rút ra khỏi việc bảo vệ Sơn Trà. 
Tuy nhiên, tôi thẳng thắn nói nếu các anh chị thấy khó xử thì tôi sẽ nghỉ việc ở Furama, nhưng tôi sẽ vẫn bảo vệ Sơn Trà, vì tôi có niềm tin vào lẽ phải. Nếu chúng ta không bảo vệ Sơn Trà thì ai sẽ bảo vệ chúng ta, ai sẽ bảo vệ ngành du lịch, ai sẽ bảo vệ cho những tương lai của thế hệ tiếp theo? Sau khi thấy tôi cương quyết như vậy thì các anh chị trong HĐQT cũng không ý kiến gì thêm. Và cho đến nay các anh chị ấy cũng ủng hộ hành động này của tôi, vì đó là lẽ phải
Một góc bán đảo Sơn Trà nhìn ra biểnMột góc bán đảo Sơn Trà nhìn ra biển

- Trước những khó khăn và trở lực đó, người thân của ông suy nghĩ gì? Họ có ý kiến phản đối hay chia sẻ gì với ông không? Và đâu là động lực để ông tiếp tục hành trình bảo vệ Sơn Trà?

Ban đầu những người thân trong gia đình, là ba má tôi, vợ, em gái,…cũng rất lo vì sự an toàn của cá nhân tôi. Thấy tôi khá đơn độc nên họ cũng lo lắng. Nhưng tôi tin rằng việc bảo vệ Sơn Trà của tôi là đúng đắn và sẽ thành công, nên khi thấy sự kiên quyết của tôi, thay vì e ngại trước đây, mọi người cũng bắt đầu động viên, theo sát tôi trong việc bảo vệ Sơn Trà.
Tất cả điều đó là động lực, thôi thúc và động viên để tôi an tâm đấu tranh bảo vệ Sơn Trà cho đến cùng.

- Như ông đã tuyên bố là sẽ bảo vệ Sơn Trà đến cùng. Vậy ông sẽ tiếp tục bảo vệ bằng cách nào thưa ông?
Tôi xin khẳng định tôi sẽ đấu tranh để bảo vệ Sơn Trà đến cùng. Bởi bảo vệ gìn giữ Sơn Trà là bảo vệ, đấu tranh cho cái tốt, cái đẹp và lẽ phải. Mục tiêu bảo vệ cho ngành du lịch Đà Nẵng, cho môi trường sinh thái bền vững của Việt Nam, cũng như bảo vệ cho thế hệ tương lai vì Sơn Trà như một báu vật về đa dạng sinh học, động thực vật, rừng nguyên sinh quý hiếm….
Đó là lẽ phải, là việc phải làm và tôi sẽ bảo vệ cho đến khi thành công.
Các chuyên gia khuyến cáo khai thác du lịch tại Sơn Trà dưới hình thức du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiênCác chuyên gia khuyến cáo khai thác du lịch tại Sơn Trà dưới hình thức du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên

Còn bằng cách nào ư? Chúng tôi sẽ cùng công luận kiên trì tổ chức các diễn đàn để thuyết phục các cơ quan quản lý liên quan đồng thuận với chúng tôi, khi đó chúng tôi mới chấm dứt việc này.

Sắp tới, sẽ có một số Viện nghiên cứu khoa học phối hợp với Hiệp hội Du lịch để tổ chức các hội thảo khoa học, phản viện đa chiều trong việc để làm rõ vấn đề giá trị trong bảo tồn tự nhiên của Sơn Trà. Tôi hy vọng những ý kiến về bảo vệ tự nhiên, bảo tồn thiện nhiên Sơn Trà một cách vô tư sẽ thay đổi những ý kiến muốn khai thác và bê tông hóa Sơn Trà để phục vụ lợi ích một số doanh nghiệp mà bỏ quên lợi ích cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!