Chính thức đề xuất 5 bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn

Cùng với Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức đề xuất 5 vị bộ trưởng để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 vị trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9.
Chính thức đề xuất 5 bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn

8 chất vấn dành cho Thủ tướng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến chiều ngày 1/6/2015 đã nhận được 46 văn bản chất vấn, với 61 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và 15 vị bộ trưởng, trưởng ngành. 

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được 8 chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được 9 chất vấn, số chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là 4.

Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính đều nhận được 3 chất vấn. Còn Bộ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Giao thông Vận tải, Tư pháp mỗi vị nhận 2 chất vấn…

Theo chương trình, kỳ họp này Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó 2 ngày để chất vấn 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành và ½ ngày để Thủ tướng (hoặc phó thủ tướng được Thủ tướng phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Tiêu chí lựa chọn người trả lời chất vấn vẫn như các kỳ họp gần đây. Đó là, người phụ trách lĩnh vực có nhiều vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm; hoặc có vấn đề đã được chất vấn nhưng trong thực tế chỉ đạo, điều hành, chuyển biến còn chậm hoặc trong lĩnh vực phụ trách chưa có nhiều nội dung bức xúc nổi lên nhưng những kỳ họp gần đây chưa có điều kiện giải trình trước Quốc hội. Đảm bảo hài hòa, phù hợp giữa các lĩnh vực.

Một người đăng đàn, nhiều người “chia lửa”

Các nhóm vấn đề cụ thể với từng vị bộ trưởng cũng đã được dự kiến. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trả lời về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng nằm trong nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Nhóm vấn đề tiếp theo là giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường. 

Các vị bộ trưởng, trưởng ngành: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan tại phiên chất vấn này.

Với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, các vị bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông sẽ được mời tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Nhóm vấn đề dành chất vấn Bộ trưởng Hoàng gồm: giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP);

Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Và thứ ba là thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Giải pháp nào chống suy thoái đạo đức

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nếu được chọn đăng đàn sẽ phải trả lời về giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Nhóm vấn đề tiếp theo là trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thứ ba là việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan tại phiên này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nếu được chọn thì nhóm vấn đề dành cho ông sẽ xoay quanh các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới cũng nằm trong dự kiến chất vấn Bộ trưởng Luận.

Danh sách “chia lửa” cho Bộ trưởng Luận chỉ có một mình Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh được dự kiến trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp tăng cường phổ biến, giáo dục, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng, chống các biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức gia đình; công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các vấn đề  tiếp theo là thực trạng và giải pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em; thực trạng và giải pháp khai thác và phát huy tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Bộ trưởng các Bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải được mời tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Theo Vneconomy