Chỉnh sửa, bổ sung nhiều chi tiết trên đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông

Theo phương án vừa được thống nhất, nội thất của đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ được bổ sung 3 tay nắm ở mỗi hàng dọc thuộc khoang hành khách, đảm bảo ít nhất 6 người ngồi ghế và 9 người đứng bám gần ghế.
Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu chỉnh sửa nhiều chi tiết trên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông.(Ảnh: Vạn Xuân)
Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu chỉnh sửa nhiều chi tiết trên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông.(Ảnh: Vạn Xuân)

Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất với Tổng thầu Trung Quốc về phương án thiết kế nội, ngoại thất của đoàn tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân với đoàn tàu mẫu đã được trưng bầy lấy ý kiến và được các cơ quan liên quan gồm: Hội đồng nghiệm thu nhà nước, UBND TP Hà Nội, Vụ Khoa học - công nghệ (Bộ GTVT), Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt, Trường đại học GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro)… cho ý kiến.

Theo phương án vừa được thống nhất, nội thất của đoàn tàu sẽ được bổ sung 3 tay nắm ở mỗi hàng dọc thuộc khoang hành khách, đảm bảo ít nhất 6 người ngồi ghế và 9 người đứng bám gần ghế.

Nhà sản xuất cũng sẽ lắp đặt các mấu chờ, tay nắm để dễ dàng điều chỉnh thiết kế khi hành khách gia tăng, số chỗ ngồi ưu tiên (màu cam vàng) tăng từ một lên hai chỗ ở mỗi hàng ghế. Bản đồ LED ở cửa ra vào được điều chỉnh cho sáng và rõ hơn; tăng số chỗ ngồi ưu tiên (màu cam vàng) từ 1 lên 2 chỗ ở mỗi ghế. Nội dung phát thanh trên tàu sử dụng giọng đọc nữ, giọng chuẩn tiếng Việt với tốc độ vừa phải để hành khách dễ nghe.

Đặc biệt, các chữ tiếng Trung Quốc trên tàu cũng được yêu cầu chuẩn hóa lại toàn bộ nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên biển báo, chỉ dẫn hành khách trên tàu và toàn bộ tên nút bấm điều khiển của lái tàu trong buồng lái.

Về phương án thiết kế ngoại thất sẽ tăng kích thước, độ dày nét chữ của biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ Cát Linh - Hà Đông để đảm bảo nổi bật, dễ nhìn, dễ đọc.

Người Hà Nội tham quan đoàn tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Vạn Xuân)
Người Hà Nội tham quan đoàn tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Vạn Xuân)

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu nhà sản xuất có biện pháp làm giảm, mờ các vết hàn trên thân, vỏ tàu để tăng tính thẩm mỹ, độ tinh xảo nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cùng với việc điều chỉnh các chi tiết trên, Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tổng thầu rà soát lại hợp đồng và làm rõ nội dung hạng mục vật tư cung cấp kèm vật liệu dự phòng; công cụ phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa trước mắt cũng như sau này; đảm bảo tàu vận hành ổn định, liên tục.

Để đảm bảo đoàn tàu trước khi vận chuyển sang Việt Nam đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt làm việc với tổng thầu, tham mưu Bộ GTVT thành lập đoàn công tác gồm các chuyên gia của các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong nước sang Trung Quốc kiểm tra, nghiệm thu các bộ phận chi tiết quan trọng của khung, gầm, giá chuyển… của đoàn tàu trước khi tiến hành lắp đặt tổng thể đoàn tàu và chạy thử tại cơ sở sản xuất. 

Dự kiến, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ mua sắm, trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu 4 toa phục vụ vận chuyển hành khách đô thị với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

Theo Infonet