Chính phủ yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết

VietTimes -- Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, quán triệt tinh thần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khẩn trương rà soát, kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh…
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Internet
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Internet

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.

Đáng chú ý, trong nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, quán triệt tinh thần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khẩn trương rà soát, kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2017.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, khẩn trương triển khai việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư, trình Chính phủ trong quý IV năm 2017.

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề các bộ, ngành đang được yêu cầu rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cơ hội chư từng có để hoàn thiện môi trường, đầu tư, kinh doanh sao cho thuận lợi, mình bạch đối với tất cả người dân và doanh nghiệp.

Ông Dũng nhấn mạnh, đây là cơ hội để đánh giá lại quan hệ Nhà nước và thị trường, để xem Nhà nước cần làm gì và quản lý thế nào. Nhà nước sẽ không đưa ra các điều kiện kinh doanh hạn chế người dân gia nhập thị trường, thay vào đó, Nhà nước sẽ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát. “Chúng ta đang chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro.” – Ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, đây cũng là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Việt Nam đã và sẽ gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại tư do và mấu chốt của vấn đề hiện thực hóa các cơ hội này phần lớn phụ thuộc vào cải cách thể chế trong nước.