Chiến trường Việt Nam: Tàu chiến, máy bay Mỹ "quân ta bắn quân mình"

VietTimes -- Những sự cố "hỏa lực thân thiện" cũng không từ chối cả lực lượng không quân và hải quân Mỹ, trong đó có cả những tình huống khá kỳ lạ như pháo binh mặt đất bắn nhầm vào không quân, hoặc không quân liên tiếp tấn công nhầm hải quân... là những sự cố hi hữu của quân đội Mỹ ở Việt Nam.
Xác một chiếc F-4 Mỹ ở Việt Nam
Xác một chiếc F-4 Mỹ ở Việt Nam

"Hỏa lực thân thiện" trên không

Những sự cố hỏa lực thân thiện trong tác chiến đường không là những sự cố rất bất thường, và thực sự rất khó xảy ra. Nhưng sự cố năm 1961 đã chứng minh điều này là có thể, khi một quả tên lửa không đối không trên máy bay tiêm kích F-100 bất ngờ phóng đi ngoài tác động của phi công đã khiến một máy bay ném bom chiến lược B-52 nổ tung trên bầu trời Texas.

Có một số sự cố tương tự như vậy đã từng xảy ra đối với không quân nhiều nước khác nhau. Chính vì điều đó trong không chiến ở Việt Nam, phi công Mỹ đã từng bị cấm tấn công máy bay đối phương khi chưa xác định mục tiêu bằng mắt thường.

Quy định hạn chế này đã khiến phi công Mỹ không hài lòng, kể từ khi F-4 "Phantom" II, máy bay tiêm kích mang bom chủ lực của Mỹ trên chiến trường  Đông Nam Á, được trang bị tên lửa AIM-7 "Sparrow" dẫn đường radar, trên lý thuyết có khả năng tấn công máy bay đối phương từ tầm xa, ngoài phạm vi phát hiện hình ảnh mục tiêu.

Các phi công Mỹ cho rằng, do những hạn chế này mà tên lửa AIM-7 không có được đầy đủ tính năng kỹ chiến thuật khi chiến đấu với MiG -1 7, phi công Mỹ mất đi lợi thế trước phi công Việt Nam do sử dụng tên lửa có radar dẫn đường. Nhưng tổn thất từ "hỏa lực thân thiện" trong tác chiến đường thì không ai chắc chắn là không thể xảy ra.

Ngày 09.04.1965, theo các tài liệu từ phía Mỹ, dường như trên bầu trời đảo Hải Nam đã xảy cuộc không chiến giữa "Phantom" Hải quân Mỹ và máy bay tiêm kích của Trung Quốc. Không rõ không quân Trung Quốc có tổn thất gì, nhưng một chiếc F-4 không quay trở về tàu sân bay. Trung Quốc tuyên bố rằng không quân PLA đã bắn hạ chiếc máy bay này. Theo tuyên bố của Hải quân, chiếc F-4 mất tích vì các nguyên nhân không xác định

Nhà nghiên cứu Jacob Van Staaveren trong cuốn "Từng bước thất bại: Cuộc chiến đường không miền Bắc Việt Nam 1965-1966" đã nhận định rằng Hải quân Mỹ thông qua điều tra nội bộ đã xác định rằng, một tên lửa Mỹ đã bắn hạ chiếc "Phantom" xấu số. Những trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra sau đó, nhưng để để xác thông tin về các trường hợp này là vô cùng khó khăn.

Sự cố chính xác nhất được biết đến và công nhận là tình huống không chiến ngày 17.08.1968. Trong ngày này, một số phi đội F-4 "Phantom" của phi đoàn số 142 (Fighter Squadron 142) thuộc Không quân Hải quân Mỹ đã tham chiến với MiG-21 của Không quân Việt Nam.

Một chiếc F-4 phóng tên lửa không đối không AIM-9 vào MiG, nhưng chiếc MiG sử dụng kỹ năng thoát hiểm, tên lửa bay trượt đã chuyển hướng vào một F-4 "Phantom" đang bị truy đuổi và nổ tung. Phi hành đoàn chiếc máy bay rơi nhảy dù và bị bắt làm tù binh.

Máy bay F-4 Con Ma Mỹ trúng tên lửa

Những tình huống này có thể đã xảy ra nhiều hơn, đặc biệt trong các cuộc không chiến với MiG-17 giai đoạn đầu của chiến tranh đường không do khả năng đeo bám tầm gần của MiG -17 rất cao, các cuộc không chiến lại thường diễn ra ở tầm thấp, nhưng không có một thông tin nào lưu lại về một sự cố khác.

Trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, khá kỳ lạ là, các máy bay và trực thăng Mỹ, không phải đối đầu với không quân đối phương, nhưng lại bị một mối đe dọa khá khác thường: hỏa lực thân thiện từ pháo binh.

Nổi tiếng nhất trong số các trường hợp kỳ lạ là sự cố xảy ra ngày 03.08.1967, một máy bay vận tải C-7 "Caribou" của Không quân Mỹ trong khi hạ cánh xuống sân bay Phù Cát gần căn cứ của Lực lượng đặc biệt ở trại Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã bị  một quả đạn pháo 155-mm của Mỹ bắn trúng.

Vụ nổ giết chết cả ba thành viên phi hành đoàn. Trong bức ảnh ấn tượng tình cờ chụp đúng lúc trúng đạn cho thấy, chiếc máy bay đã rơi với phần đuôi tách rời khỏi thân. Bức ảnh này sau đó đã được treo trong phòng giao ban của phi đội bay "Caribou".

Chiếc máy bay vận tải C-7 "Caribou" trúng đạn pháo 155 mm của Mỹ

Ngày 02.01.1966, trong khi đang tiến hành chiến dịch càn quét trên vùng Đồng Tháp Mười, một khẩu pháo binh Mỹ vô tình bắn trúng máy bay trinh sát O-1 "Bird Dog", phi công thiệt mạng.

Ngày 11.06.1968 máy bay trực thăng CH-46 "Sea Knight" từ không đoàn trực thăng vận tải 164 thuộc quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ khi bay về Đà Nẵng đã bị trúng đạn pháo của chính lực lượng Lính thủy đánh bộ. Máy bay bị rơi xuống đất từ độ cao hơn 300 mét (1.200 feet), chỉ có một trong 4 thành viên phi hành đoàn sống sót.

Một sự cố kỳ lạ diễn ra vào tháng 11.1968 gần doanh trại Lực lượng đặc biệt Quảng Lợi (tỉnh Bình Long). Một quả đạn pháo 105mm của Mỹ đánh trúng chiếc trực thăng CH-47 "Chinook", đâm xuyên vào thùng nhiên liệu bên phải, xuyên luôn qua khoang hàng hóa, chọc thủng thành bên trái thân máy bay và bay đi, không phát nổ. Các lỗ thủng được sửa chữa, chiếc trực thăng bị hư hỏng trở lại hoạt động bình thường.

Hỏa lực thân thiện trên Biển Đông

Tàu chiến và tàu Mỹ có nhiều lần đã đấm lưng lực lượng bộ binh mặt đất, nhưng đôi khi chính các chiến hạm này lại trở thành nạn nhân.

Rạng sáng ngày 11.08.1966, tàu bảo vệ bờ biển Mỹ "Wellcome Point" (WPB 82.329) đang tiến hành các hoạt động tuần tra trên vùng nước ven biển miền Nam Việt Nam gần khu phi quân sự. Các máy bay trinh sát Mỹ đã phát hiện ra chiếc tàu này, thông báo cho máy bay trinh sát tuần biển C-130, bộ phận chỉ huy, dẫn đường đã đưa một tốp máy bay cường kích ném bom đến mục tiêu.

Máy bay ném bom B-57 "Canberra", đã tiến hành hai đợt không kích, xả toàn bộ đạn 20mm từ khẩu pháo tự động trên máy bay. Tiếp theo là một biên đội F-4, Phantom đã không kích mục tiêu bằng bom thường và bom cassets, rất may chiếc khinh hạm bảo vệ bờ biển sống sót do F-4 đã đánh trượt mục tiêu.

Một lúc sau, máy bay trinh sát tuần biển C-130 nhận được thông tin về danh tính chiếc khinh hạm bảo vệ bờ biển. Nhưng vụ “hỏa lực thân thiện đã làm chết hai quân nhân, 3 quân nhân khác bị thương, tất cả mọi thành viên có mặt trên tàu đều bị vết thương nào đó. Ngoài ra 1 sĩ quan quân đội Sài Gòn và một phóng viên ảnh người Anh - Tim Paige.

Tổn thất được cho là đáng kể nếu xét đến tình huống toàn bộ lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ mất có 7 người trong cuộc chiến. Chiếc khinh hạm tổn thất nặng nề, nhưng cố gắng lết được về đến Đà Nẵng. Sau này, chiếc tàu cũng được sửa chữa và lại tiếp tục hoạt động.

Vụ việc đã bị thanh tra, các quan chức cao cấp Mỹ phát hiện ra: Giữa Không quân và Hải quân Mỹ không có sự liên kết phối hợp tác chiến chặt chẽ, phi công không được thông báo sự hiện diện của các tàu bảo vệ bờ biển Mỹ hoạt động trên vùng biển miền Nam Việt Nam, cũng không được giới thiệu và hướng dẫn về kiểu dáng và đặc điểm nhận dạng bên ngoài của chiến hạm bảo vệ bờ biển Mỹ.  

Lực lượng hải quân Mỹ cũng liên quan đến một trong những trường hợp kỳ lạ nhất của "Hỏa lực thân thiện" ở Việt Nam, xảy ra vào tháng 06.1968. Có rất ít thông tin về những gì đã xảy ra trong hai đêm liên tiếp. Theo những thông tin rời rạc, đêm 15 ngày 16.06, trên khu vực khu phi quân sự, radar Mỹ phát hiện những đối tượng không xác định, nhận định là máy bay trinh sát bay ở tầm thấp sát mặt đất.

Mỹ lập tức khẳng định đó là các máy bay trực thăng của miền Bắc Việt Nam, các máy bay tiêm kích được lệnh cất cánh. Đêm đó trên khu vực bờ biển thuộc vùng DMZ, tàu tuần tra Hải quân Mỹ PCF-19 bị đánh chìm, bốn trong số sáu thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Một tàu khác - PCF-12, bị máy bay trực thăng không xác định tấn công, một trong số những máy bay đó, theo lời kể của các thủy thủ Mỹ, nhân chứng trong sự kiện này - đã bị bắn rơi bằng hỏa lực phòng không.

Đêm tiếp theo, tối ngày 16 rạng ngày17.06.1968, những máy bay không xác định đã hai lần tấn công tàu khu trục mang tên lửa "Hobart" (D 39) của Úc. Ba quả tên lửa đánh trúng tàu làm chết 2 thủy thủ và bị thương 7 thủy thủ người Úc. Cùng thời gian đó, một cuộc tấn công tương tự đã nhằm vào tàu tuần dương hạng nặng Mỹ "Boston" (CA-69), may mắn là không có thương vong, tuần dương hạm bị hư hại nhẹ.

Thực tế điều gì đã xảy ra? Phi công Mỹ tuyên bố đã bắn hạ một số máy bay trực thăng của đối phương, báo Time dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết tất cả các hệ thống phòng không Mỹ đã bắn rơi hơn một chục máy bay đối phương. Nhưng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy máy bay đối phương bị bắn rơi, các máy bay trinh sát Mỹ cũng không tìm thấy xác những máy bay bị hạ.

Hóa ra hai chiến hạm "Hobart" và "Boston" bị F-4 "Phantom" của Không quân Mỹ tấn công nhầm, phi công các máy bay cho rằng đang tấn công mục tiêu trên không và sử dụng tên lửa phòng không AIM-7! Nhiều khả năng, tàu tuần tiễu PCF-19 cũng bị đánh chìm bởi “hỏa lực thân thiện” của máy bay Mỹ.

Sự cố này có thể là sai lầm do các phi công Mỹ thiếu kinh nghiệm khi thực hiện đánh chặn trong đêm tối và các "điều kiện thời tiết khí hậu kỳ lạ" đã khiến các phi công nhận nhầm mục tiêu. Nhưng cho đến nay vẫn không có lời giải thích cụ thể chính thức nào được đưa ra từ Lầu Năm Góc.

Khu trục hạm "Warrington" (DD-843) trong vịnh Subic Philipine, trúng 2 quả thủy lôi Mk 36 của Mỹ

Một trong tàu chiến lớn của Hải quân Mỹ, bị đánh hỏng hoàn toàn trong chiến tranh Việt Nam, do chính các thủy lôi của Mỹ. Ngày 17.07.1972 tàu khu trục "Warrington" (DD-843) đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ngoài khơi bờ biển miền Bắc Việt Nam, đột nhiên chấn động bởi hai vụ nổ dữ dội. Một thủy thủ bị thương, con tàu hư hỏng nặng. Thủy thủ đoàn cố hết sức để tàu không chìm và tàu được kéo về căn cứ Vịnh Subic (Philippines).

Các thanh tra đã nhận xét rằng việc sửa chữa hoàn toàn không thể. Khu trục hạm "Warrington" bị loại ngũ khỏi hải quân và bán cho Đài Loan làm sắt vụn. Theo nhận xét của Hải quân, tàu đã lao vào hai quả thủy lôi Mk 36, do máy bay Mỹ thả ở Vịnh Bắc Bộ để phong tỏa biển Miền Bắc Việt Nam, nhưng thủy lôi đã trôi dạt đến khu vực tàu "Warrington" (DD-843) hoạt động và sự cố đã xảy ra.

 Xem lại:  Chiến trường Việt Nam: Hỏa lực Mỹ “đấm lưng” quân Mỹ

TTB