Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: ai thua thiệt, ai hưởng lợi?

VietTimes -- Việc Mỹ tăng thuế suất 25% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ trị giá 34 tỷ USD đã chính thức có hiệu lực và Trung Quốc cũng đã có biện pháp trả đũa cùng quy mô, mức độ. Đến đây, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thực sự bùng nổ. Vấn đề được quan tâm giờ đây là, nó sẽ tác động như thế nào đến tình hình kinh tế thế giới và những quốc gia nào được hưởng lợi bởi tác động của nó?.... 
Một số quốc gia sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Một số quốc gia sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Bản đồ thương mại thế giới sẽ bị vẽ lại?

Đó là tiêu đề một bài báo đăng trên “Nhật báo Kinh tế” Trung Quốc hôm  8/7. Bài báo viết: vòng đầu tiên của cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã bắt đầu nổ ra; cộng thêm xung đột mậu dịch về nhôm và thép giữa Mỹ với châu Âu, Canada và Mexico, việc Mỹ siết chặt trừng phạt kinh tế với Iran và Venezuela…có thể sẽ xóa bỏ và vẽ lại bản đồ về tuyến đường mậu dịch nguyên vật liệu thế giới mỗi năm lên tới 1000 tỷ USD.

Tình hình thị trường cung ứng kim loại bị tác động đầu tiên. Do Mỹ áp đặt mức thuế “an ninh quốc gia” tới 25% đối với sản phẩm kim loại toàn cầu nên khiến giá nhôm, thép ở Mỹ tăng vọt, gây thành mối đe dọa đối với ngành chế tạo trong nước Mỹ. Giá đồng, thiếc trên thị trường quốc tế giảm rất mạnh do lo ngại nhu cầu ít đi.

Về dầu lửa, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia tiêu thụ lớn trong 3 tháng qua bình quân mỗi ngày nhập khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu thô của Iran, nhưng hiện nay do Mỹ đe dọa bắt xuất khẩu dầu của Iran lùi về con số “0” nên Trung Quốc và Ấn Độ ít lâu nữa sẽ phải quyết định hoặc chống lại yêu cầu của Mỹ hay cắn răng chịu đựng giá dầu cao hơn nữa.

Các nhà chăn nuôi bò Australia sẽ được hưởng lợi khi thịt bò Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế
Các nhà chăn nuôi bò Australia sẽ được hưởng lợi khi thịt bò Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế 

Mậu dịch khí đốt cũng sẽ chịu áp lực lớn do tình hình thương mại toàn cầu căng thẳng. Mỹ luôn mong muốn trở thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay giấc mơ đó đã bị phủ bóng mây. Châu Âu vốn có kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt liên kết Nga với châu Âu, nhưng hiện nay đã phá sản do Mỹ trừng phạt Nga. Qatar – nước xuất khẩu LNG lớn nhất hiện nay cũng đang bị Mỹ tiến hành điều tra về chống cạnh tranh.

Năm ngoái, kim ngạch mậu dịch khí đốt toàn cầu lên tới gần 300 tỷ USD, hiện nay do ảnh hưởng của va chạm mậu dịch khiến tình hình mua bán khí đót sẽ bị tác động mạnh, cũng làm cho kế hoạch đầu tư xuất khẩu mấy chục tỷ USD của Mỹ bị lung lay.

Hệ thống thương mại nông sản trong mấy năm tới cũng sẽ xây dựng lại. Mỹ và 2/3 thị trường xuất khẩu nông sản hiện phát sinh tranh chấp gay gắt về thương mại; Mexico và EU đã lập hàng rào mậu dịch đối với nông sản Mỹ; đậu tương của Mỹ cũng tất phải tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc; thịt lợn, bông và các loại hạt cũng sẽ tứ tán tìm thị trường khắp toàn cầu.

Giá cả vận chuyển đường biển và bốc dỡ có liên quan mật thiết đến buôn bán hàng hóa tuy hiện chưa bị ảnh hưởng; nhưng trong tương lai không loại trừ chi phí vận chuyển trên thị trường cũng sẽ xuất hiện sự thay đổi lớn.

Cơ hội nào phía sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, nhiều ý kiến phân tích nặng về thăm dò xem ai là kẻ thua thiệt? Nhưng tờ Financial Times đã đăng bài phân tích về cuộc chiến tranh thương mại này sẽ đem lại cơ hội cho những ai? Và chỉ ra rằng: khi mà Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế đánh vào các nông sản của Mỹ như đậu tương, ngô, bông, thịt lợn, thịt bò; thì những nhà sản xuất sợi bông Việt Nam, các hộ nuôi lợn của Đức và nuôi bò của Australia đều có thể được lợi nhân cơ hội này.

Trung Quốc lựa chọn đậu tương là một trong những sản phẩm chủ yếu của Mỹ để áp thuế tăng 25% nhằm đánh vào khu vực dồn phiếu và nông dân, những người bỏ biếu bầu ông Donald Trump; các hộ trồng đậu Mỹ sẽ trở thành những người bị thua thiệt nhất, đồng thời thị trường các nông sản lớn cũng bị bố cục lại. Các nhà nhập khẩu đậu tương lớn như Tập đoàn lương thực Trung Quốc (COFCO) đã chuyển hướng sang Brazil, lựa chọn họ làm nguồn cung cấp mới thay cho Mỹ.

Ngoài ra, những người trồng trọt một số loại hạt ép dầu dùng làm thức ăn cho gia súc cũng trở thành những người chiến thắng, Trước khi bùng nổ chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã thu mua rất nhiều loại hạt ép dầu, tăng thêm 1/3 đối với năm 2016; trong đó phần lớn nhập từ Canada; một số nhà đầu tư đã hưởng lợi từ động thái đó.

Các nhà sản xuất sợi Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi giá bông ở Mỹ xuống đến đáy.
Các nhà sản xuất sợi Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi giá bông ở Mỹ xuống đến đáy. 

Giá bông giảm nhiều, Việt Nam được lợi

Bông là một mặt hàng chính khác của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế trả đũa. Do Trung Quốc là nước nhập khẩu bông của Mỹ lớn thứ hai nên khi cục diện mậu dịch hai nước căng thẳng thì giá bông trên thị trường Chicago đã giảm rất mạnh.

Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc sẽ tìm nhập bông từ Australia, Tây Phi và Brazil; nước sản xuất bông lớn khác là Ấn Độ cũng rất có thể giành được thị phần lớn. Các nhà sản xuất sợi bông Việt Nam có thể sẽ trở thành những người được hưởng lợi lớn. Họ có thể nhập khẩu bông từ Mỹ và bán sợi cho Trung Quốc và các khách hàng khác. Các nhà sản xuất sợi Việt Nam đã hưởng lợi từ việc giá bông giảm vì lợi nhuận của họ sẽ gia tăng. Tới đây, họ sẽ còn hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc giá bông Mỹ chạm đáy.

Tương tự, Financial Times cho rằng, các nhà chăn nuôi lợn của Đức sẽ được hưởng lợi khi hôm 6/7 vừa qua, Trung Quốc đã nâng mức thuế nhập khẩu thịt lợn Mỹ từ 12% lên tới 37% vào tháng 4 và sẽ tăng tiếp thêm 25% nữa kể từ ngày 6/7.

Đối với thịt bò Mỹ, mãi năm 2017 mới có được giấy phép nhập vào Trung Quốc. Cũng như thịt bò Australia, giá bán thịt bò Mỹ ở Trung Quốc rất cao; sắp tới khi giá thịt bò Mỹ nhập khẩu sẽ khó có thể cạnh tranh được trên thị trường Trung Quốc thì thịt bò Australia và Brazil sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên đấy mới là những dự báo. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ còn có những diễn biến phức tạp, hết sức khó lường.