Chiến lược quân sự mới Mỹ đặt Trung Quốc, Nga vào "vòng ngắm"

VietTimes -- Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ tập trung vào triển khai quân sự và hợp tác quân sự với đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc và Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Cankao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Cankao.

Theo các nguồn tin, hôm nay (ngày 19/1/2018), Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ công bố chiến lược quốc phòng mới. Trước đây một tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan cho biết chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ coi trọng hòa bình và an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Nhật.

Chiến lược quốc phòng mới sẽ đưa ra các biện pháp quân sự mạnh hơn để ứng phó mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, xác định những nỗ lực này là trọng điểm.

Khi gặp gỡ quan chức Nhật Bản ở Lầu Năm Góc ngày 12/1, ông Patrick M. Shanahan cho biết chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ tập trung vào cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các đồng minh khu vực, đồng thời cam kết sẽ tiến hành hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Nhật.

Trước đó, các sĩ quan chỉ huy Mỹ cho biết năm 2018 quân đội Mỹ sẽ tăng cường khả năng chiến đấu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ưu tiên điều các vũ khí trang bị tiên tiến đến khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời coi hợp tác quân sự với các đồng minh là nhân tố quan trọng để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng nếu không có ngân sách quốc phòng tương ứng thì chiến lược quốc phòng chỉ là “bàn việc quân trên giấy”. Nhưng các quan chức Lầu Năm Góc cho biết chiến lược quốc phòng mới là nền tảng để đưa ra ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2020.

Lầu Năm Góc. Ảnh: FTchinese.
Lầu Năm Góc. Ảnh: FTchinese.

Bình luận về chiến lược quốc phòng mới do Mỹ sắp công bố, tờ Thời báo Tài chính Anh cho rằng nội dung cốt lõi của chiến lược này là áp dụng lập trường quân sự mang tính tấn công hơn đối với Trung Quốc và Nga.

Điều này có nghĩa là phương châm quốc phòng của Washington sẽ quay lại đặt đối đầu giữa Mỹ với các nước lớn chủ yếu khác lên vị trí quan trọng hàng đầu, thống nhất với đường lối chiến lược an ninh quốc gia do Mỹ công bố vào tháng 12/2017.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã đọc qua văn kiện bí mật này cho biết Mỹ lo ngại các đối thủ chủ yếu đang làm xói mòn ưu thế quân sự truyền thống của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ công bố một phần nội dung không thuộc bí mật của văn kiện này vào ngày 19/1.

Quan chức này nói: “Hãy xem Trung Quốc và Nga đều đã phát triển những gì. Mục đích của họ chính là có ý đồ muốn chống lại những ưu thế của chúng tôi”. “Trung Quốc phát triển những vũ khí siêu thanh là nhằm đối phó tàu sân bay Mỹ”.

Trung Quốc nghiên cứu chế tạo ra một loại tên lửa đạn đạo có tốc độ bay rất nhanh, về lý thuyết có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tên tàu sân bay tiên tiến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tiến hành một trong những công cuộc “xây dựng quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ” để bảo đảm “không ai sẽ gây phiền phức cho chúng ta”.

Binh sĩ quân đội Mỹ. Ảnh: Sohu.
Binh sĩ quân đội Mỹ. Ảnh: Sohu.

Các chính phủ khóa trước của Mỹ tập trung vào tiến hành đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, nhưng quan chức của chính quyền Donald Trump cho biết đối mặt với sự tiến bộ công nghệ không ngừng và tư thế ngày càng táo bạo của Trung Quốc và Nga, Mỹ hiện cần tập trung ứng phó với các cuộc xung đột thông thường có quy mô tương đối lớn, thúc đẩy hiện đại hóa quân đội. Trọng điểm quốc phòng mới của Lầu Năm Góc sẽ tập trung vào tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường xây dựng quân đội.

Theo một nguồn tin khác, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cho rằng Mỹ đang ở trong một thời đại cạnh tranh nước lớn, hai nước tạo ra thách thức lớn nhất cho Mỹ là Nga và Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ phải tìm cách để tăng cường khả năng cạnh tranh trên những lĩnh vực mà Trung Quốc và Nga đã nỗ lực trong thời gian qua như các biện pháp chiến tranh phi đối xứng.

Các chuyên gia cảnh cáo, mặc dù Mỹ sở hữu các trang bị quân sự tốt (Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay cỡ lớn, Trung Quốc chỉ có 2 chiếc), nhưng Lầu Năm Góc ngày càng dễ bị đối thủ tấn công bằng các khả năng cụ thể.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc David Ochmanek cho rằng: "Chúng ta có thể thua một cuộc chiến tranh". Năm 2017, ông từng làm chứng trước Quốc hội Mỹ về sự tiến bộ nhanh chóng về quân sự của Bắc Kinh và Moscow.

David Ochmanek nói: "Trung Quốc và Nga đã đạt được tiến bộ to lớn trên phương diện thực chiến. Đây là điều quân đội chúng ta chưa từng gặp phải trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh".

Mỹ vừa triển khai thêm 3 máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 ở Guam. Ảnh: VOA.
Mỹ vừa triển khai thêm 3 máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 ở Guam. Ảnh: VOA.

Theo David Ochmanek, Trung Quốc và Nga đã chế tạo ra hàng nghìn tên lửa tầm xa có độ chính xác cao có thể tấn công các căn cứ không quân của Mỹ, đồng thời còn có thể đe dọa các máy bay chiến đấu bảo đảm ưu thế trên không của Mỹ.

David Ochmanek cho rằng: "Thông qua tác chiến mạng và tác chiến điện tử, họ có khả năng đe dọa hệ thống không gian của Mỹ, gây nhiễu chỉ huy và kiểm soát của chúng ta. Đây là đại não của các hành động quân sự hiện đại phức tạp".

Các quan chức Mỹ cũng tính toán giảm tối đa thương vong khi xảy ra các cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn, đồng thời duy trì thế mạnh để răn đe đối thủ. Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng năm 2018 là 700 tỷ USD, nhưng điều này vẫn bị hạn chế bởi trần chi tiêu 549 tỷ USD.

Một số nhà phân tích cho rằng phát triển sức mạnh quân sự để chống lại các nước lớn khác có thể dẫn đến chạy đua vũ trang. Điều này sẽ chỉ làm tăng khả năng nổ ra chiến tranh giữa các nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mặc dù có nhiều lo ngại, nhưng chuyên gia Joe Cirincione của quỹ Ploughshares Fund lại đưa ra một quan điểm khác, cho rằng Mỹ vẫn duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối trước Trung Quốc và Nga, thể hiện ngay ở ngân sách quốc phòng. Mỹ còn có một lực lượng quân sự quy mô lớn nhất, năng lực mạnh nhất trên thế giới.

Theo Joe Cirincione, cho dù Trung Quốc có chế tạo thêm được tàu sân bay thứ ba thì cũng không thể so sánh với hạm đội tàu sân bay gồm 11 tàu sân bay cỡ lớn và 9 tàu sân bay cỡ nhỏ hơn của Mỹ.

Joe Cirincione nói: “Người Nga đang nghiên cứu một số vũ khí mới, nhưng bất kể là trình độ tiên tiến hay số lượng vũ khí thì họ đều không thể đuổi kịp Mỹ”.

Hải quân Mỹ ngày 7/1/2018 cho biết cụm chiến đấu tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường đến Tây Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ ngày 7/1/2018 cho biết cụm chiến đấu tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường đến Tây Thái Bình Dương.