Chi 1.300 tỉ đồng/năm nhưng nhiều công trình xếp ngăn kéo

Trước chất vấn của đại biểu QH về việc mỗi năm chi 1.300 tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học song nhiều công trình "xếp ngăn kéo", Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân thừa nhận có tình trạng này.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường: Bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài khoa học xếp ngăn kéo?
ĐB Nguyễn Mạnh Cường: Bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài khoa học xếp ngăn kéo?

Chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân sáng nay 12-6, đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường hỏi: Nhà nước bình quân chi khoảng 1.300 tỉ/năm cho nghiên cứu KH-CN nhưng tình trạng đề tài nghiên cứu xong rồi xếp ngăn kéo là khá nhiều. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng? Bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài khoa học xếp ngăn kéo?

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm ngân sách nhà nước chi chonghiên cứu khoa học công nghệ từ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh là khoảng trên dưới 3.000 tỉ đồng.

Giải thích thuật ngữ “đề đài xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng có 3 loại. Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản, “về cơ bản là xếp ngăn kéo” - ông Quân nói và giải thích là do những đề tài này “đi trước thời đại”. Và những đề tài này phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được.

“Báo cáo với QH là chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải nằm ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60, khi người Nhật mua sáng chế đó thì nó mới trở thành một sản phẩm hàng hóa và ngày nay nó đóng góp cho thế giới mỗi năm hơn 20 ngàn tỉ USD. Vì thế những đề tài nghiên cứu cơ bản chúng ta phải chấp nhận có một giai đoạn chờ đợi”- Bộ trưởng Quân lý giải.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ khoảng 3.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ khoảng 3.000 tỉ đồng.

Loại thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng. Có 1 số đề tài để trở thành sản phẩm hàng hóa ứng dụng thì cần phải có điều kiện theo nó về đầu tư. Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, còn ngân sách thì chỉ hỗ trợ giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, vì thế muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có đầu tư từ DN, nhưng nước ta chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên những đề tài nghiên cứu tốt vẫn phải để chờ cơ hội hoặc chờ có 1 tập đoàn lớn đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận có một số loại đề tài để xếp ngăn kéo thực sự, tức là nghiên cứu xong không ứng dụng được. “Lý do là đề tài nghiên cứu không theo nhu cầu của doanh nghiệp hay nền kinh tế mà theo sở thích của những người làm khoa học. tất nhiên việc này không phải là việc tốt bởi nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn”- ông Quân nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Luật Khoa học Công nghệ 2013 đã có chế tài để khắc phục, theo đó từ nay những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước phải là những nhiệm vụ theo đơn đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống chứ không phải theo ý thích của những nhà khoa học.

Bộ cũng đã có quy định rằng mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng nhưng các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào nhu cầu, chiến lược phát triển để xem xét,đặt hàng.

“Đại biểu hỏi bao giờ chấm dứt tình trạng xếp ngăn kéo, tôi nghĩ chúng ta thực hiện nghiêm Luật 2013 thì sẽ hết tình trạng lãng phí, tốn ngân sách nhà nước trong nghiên cứu khoa học. Vấn đề là ta có thực hiện nghiêm túc Luật hay không thôi”.

Chủ tịch QH nói: “Chúng ta sẽ thực hiện nghiêm túc đồng chí bộ trưởng à”.

Theo NLĐ