CEO Uber Việt Nam: Chưa có kế hoạch triển khai uberPOOL tại Việt Nam

VietTimes -- Trao đổi về việc UBND TP. Hà Nội có văn bản "tuýt còi" dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam cho biết dịch vụ đi chung xe uberPOOL hiện chưa có mặt tại Việt Nam và "chúng tôi hiện chưa có kế hoạch để triển khai dịch vụ này trong thời gian tới đây”.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản trả lời UBND TP. HN về dịch vụ đi chung xe do Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đăng ký với Bộ GTVT được viết tắt là GrabShare và UberPOOL. 

Sở GTVT Hà Nội đánh giá dịch vụ đi chung xe này ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình), do vậy, tối ưu hoá hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường.

Tuy nhiên, dịch vụ chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; không phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/01/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; không trong kế hoạch triển khai thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT và hiện cũng chưa có quy định quản lý đối với hình thức vận tải này.

Trao đổi về việc này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành, Uber Việt Nam cho biết: “uberPOOL là một trong những dịch vụ được nhiều quốc gia trên thế giới xem là giải pháp giảm thiểu kẹt xe hiệu quả và bổ trợ tích cực cho hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, uberPOOL hiện chưa có mặt tại Việt Nam, và chúng tôi hiện chưa có kế hoạch để triển khai dịch vụ này trong thời gian tới đây”.

Theo Báo cáo Điều chỉnh Chiến lược Phát triển Giao thông Vận tải đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Giao Thông Vận Tải, trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2011, số lượng xe hơi và xe gắn máy tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng gấp 5 lần.

TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố đang phát triển khác của Việt Nam đang đứng trước một xu thế toàn cầu - đô thị hoá. Từ con số 13% vào năm 1900, tỷ lệ dân số thế giới sống tại các thành thị được dự đoán sẽ tăng lên 70% vào năm 2050.

Việc lưu thông khi ấy sẽ không phải là một việc dễ dàng, và sẽ cần rất nhiều sự đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng. Chính phủ ước tính sẽ cần đến 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cấp hạ tầng cơ sở giao thông. Đây là một khoản tiền khổng lồ đối với bất kỳ chính phủ nào. Nhưng vấn đề có thể được giải quyết nhờ một lĩnh vực mà chính chính phủ cũng đang nỗ lực khuyến khích phát triển - đó là lĩnh vực công nghệ, và sử dụng những chiếc xe đang chạy trên đường. 

Được biết, việc đi chung xe (carpooling) sẽ không làm chính phủ tốn thêm chi phí, và có thể tạo nên những ảnh hưởng ngay lập tức. Việc giảm kẹt xe và tạo nên những môi trường lành mạnh, đáng sống sẽ là một trong những kết quả tích cực. 

Theo thông tin từ Uber, dịch vụ đi chung xe của Uber đã triển khai tại hơn 30 thành phố qua công nghệ uberPOOL. Dịch vụ này kết nối nhiều hành khách đi cùng hướng cùng một lúc. Tại San Fransisco, 40% chuyến xe sử dụng dịch vụ uberPOOL. UberPOOL đang phát triển rất nhanh tại Đông Nam Á, nơi tắc nghẽn giao thông đang là dần trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Tại Manila, hơn 120,000 người đi Metro Manila đã lựa chọn uberPOOL kể từ khi dịch vụ này chính thức ra mắt vào tháng 6 vừa qua. Kể từ đó đến nay, uberPOOL đã giúp tiết kiệm được hơn 75,000 lít nguyên liệu, 175 triệu tấn khí thải CO2. Dịch vụ này cũng đã được triển khai tại Singapore, Jakarta.

Và cũng chỉ trong vòng 3 năm, gần 70 bang và thành phố tại Mỹ đã thông qua các dịch vụ chia sẻ này, và hàng loạt bang tại Mexico và Australia cũng làm theo.