Cáp AAG tiếp tục gặp sự cố lần thứ 11 trong 4 năm qua

VietTimes -- Theo thông tin từ ISP của Việt Nam có sử dụng tuyến cáp AAG, tuyến cáp quang biển quốc tế này gặp sự cố trên nhánh cáp hướng kết nối Việt Nam - HongKong, gây mất liên lạc trên tuyến cáp này từ khoảng 17h15 chiều qua (18/2).

Internet đi quốc tế lại chậm do tyteesn cáp quang biển AAG gặp sự cố
Internet đi quốc tế lại chậm do tyteesn cáp quang biển AAG gặp sự cố

Hiện nguyên nhân của sự cố vừa xảy ra với tuyến cáp quang biển AAG vẫn chưa được xác định. Đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG vẫn chưa có thông tin chính thức về sự cố lần này cho các ISP tại Việt Nam.

Trước đó, vào 9h sáng ngày 8/1, tuyến cáp AAG được nhận định là đã gặp sự cố và và lý do được khoanh vùng là do cáp bị đứt hay lỗi nguồn điện. Theo đó, sự cố mất liên lạc vừa được phát hiện trên AAG là lần thứ hai tuyến cáp này gặp sự cố tính riêng trong năm 2017.

Kể từ khi được đưa vào khai thác đến  nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó tiến hành giao dịch. Trong năm 2016, đã có 4 lần cáp AAG gặp sự cố và được bảo trì, lần lượt vào các tháng 3,  6, 8 và đầu tháng 9/2016. Trước đó, năm 2014 là tuyến cáp này trục trặc 2 lần và năm 2015 là 3 lần.

Trong đó, vào tháng 8/2016, tuyến cáp này gặp sự cố “kép” khi liên tiếp trong 2 ngày mùng 2 và 3/8/2016 cáp AAG bị đứt tại 2 vị trí cáp nhánh S11 hướng Hong Kong và S1B hướng Singapore. Và lần gần đây nhất là vào ngày 1/9/2016 với cáp nhánh của tuyến AAG được xác định xảy ra sự cố là S1I core FP11 ở vị trí cách trạm cập bờ South Lantau, Hong Kong khoảng 235 km.

Tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG) có chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.