Cần chủ động đặt vấn đề phản biện xã hội

VietTimes -- Các tổ chức xã hội cần chủ động đặt vấn đề phản biện liên quan đến quy hoạch, chính sách đầu tư, quản lý nhà nước, môi trường, đến các dự án lớn của đất nước để giúp các cơ quan có thẩm quyền thẩm định tốt hơn trước khi triển khai thực hiện.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ.

Theo ông trong thời gian vừa qua vai trò của VUSTA trong vận động chính sách đã làm tốt chưa?

- Đi đôi với việc phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và quá trình dân chủ hóa xã hội thì vai trò phản biện chính sách của các tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội và các tổ chức xã hội dân sự khác là hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt chức năng phản biện của các tổ chức hội, đoàn thể, Bộ Chính trị đã có chỉ thị 42, rồi chỉ thị 45.

Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Quyết định 22, mở ra một không gian mới cho công tác tư vấn phản biện, giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức…, trong đó, chức năng quan trọng nhất là tư vấn chính sách, tư vấn về pháp luật.

Tuy nhiên, điều cần phải nói là, chưa có những quy định cụ thể là các chính sách trước khi được ban hành phải qua phản biện. Việc này dẫn đến là các công trình, chính sách được ban hành, cơ quan ban hành thấy cần thì đưa ra lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các tổ chức đoàn thể, không cần thì thôi. Vì vậy, nói phản biện có vai trò quan trọng trong việc ban hành chính sách nhưng trên thực tế hiệu quả pháp lý của công việc này rất thấp.

Vậy, theo ý ông thì công tác phản biện phải được đặt ra như thế nào để nó thực sự có hiệu quả?

- Để công tác phản biện thực sự có hiệu quả thì phải có những cơ chế ràng buộc loại chính sách nào, công trình nào thì nhất thiết phải qua phản biện của hội, đoàn thể, mà cụ thể ở đây là Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) và các thành viên của hiệp hội.

Hiện nay, do còn nhiều khó khăn về điều kiện, về cơ chế, nên việc đặt hàng của Nhà nước cho VUSTA nói chung và các thành viên của VUSTA nói riêng còn hạn chế. Vì vậy, theo tôi, VUSTA, các thành viên của VUSTA, cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác phải chủ động trong việc đặt vấn đề tư vấn phản biện liên quan đến quy hoạch, đến chính sách đầu tư, quản lý nhà nước, đến môi trường, rồi liên quan đến các dự án lớn, quan trọng của đất nước như dự án Bôxit, đường sắt cao tốc...  để giúp các cơ quan có thẩm quyền thẩm định tốt hơn các chính sách, dự án trước khi triển khai thực hiện.

Đồng thời chủ động kiến nghị với Nhà nước những trường hợp nào thì bắt buộc phải có ý kiến phản biện. Ví dụ, những dự án, công trình liên quan đến môi trường, liên quan đến di dân… bắt buộc phải có ý kiến của các tổ chức xã hội.

Trong thực tế đã có những công trình, những dự án nào mà Tổng hội Xây dựng chủ động có ý kiến phản biện chưa và các cơ quan chức năng có lắng nghe không?

- Có lần tôi đã trực tiếp nói với đồng chí Nguyễn Minh Triết (khi đang ở cương vị Chủ tịch nước) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, trong điều kiện một đảng cầm quyền như ở nước ta hiện nay, nếu không phát huy tốt những ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội thì sẽ dễ dẫn tới những chủ trương không sát với thực tế, thậm chí là sai lầm. Phản biện không có nghĩa phản đối, mà là nó giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tốt hơn. Các đồng chí ấy đều hoan nghênh.

Trên thực tế có nhiều vấn đề chúng tôi chủ động phản biện thì đều có kết quả rất tốt. Ví dụ, về chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc- Nam, chúng tôi chủ động đặt vấn đề là không nên làm. Khi đưa ra trình thì Quốc hội đã bác dự án này. Hay như việc quyết định xây dựng hơn 150 sân golf, chúng tôi tổ chức hội thảo phản biện, đưa văn bản lên Quốc hội hội. Cuối cùng Chính phủ rút xuống còn 70 sân golf.

Thưa ông, như ông nói, VUSTA hoặc Tổng Hội xây dựng Việt Nam hàng năm chỉ nên chọn và tập trung vào một vấn đề để làm cho thật tốt. Vậy, trong vụ Formosa VUSTA có đứng ngoài cuộc không?

- Về vụ Formosa thì VUSTA đã có cuộc họp và tọa đàm. Bản thân tôi cũng phát biểu rất mạnh về vấn đề môi trường của formosa trong tọa đàm. Hiệp hội cũng phản ứng gay gắt, bản kiến nghị được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không có cơ chế nào bắt buộc các cơ quan chức năng này phải nghe theo cả.

Như ông nói, để vận động chính sách, một giải pháp quan trọng là gặp Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, gặp các đồng chí lãnh đạo nhà nước khác để vận động... Vậy đã có bao giờ ông gặp Thủ tướng và có kết quả chưa?

- Tôi đã gặp Thủ tướng rồi, nhưng do chưa có một chuyên đề cụ thể nên chưa đặt vấn đề cụ thể được. Cái này sẽ làm. Tôi là Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng nên tôi đã làm một chuyên đề với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Đó là đổi mới toàn bộ cơ chế đầu tư xây dựng cơ bản. Chủ tịch nghe nên có bất cứ luật nào liên quan đến đầu tư xây dựng là ông ấy gọi tôi sang ngay làm từ tư vấn, phản biện cho đến đặt hàng.

Xin cám ơn ông!