Cảm phục người thầy “chở chữ” trên đôi chân tật nguyền

VietTimes -- Câu chuyện vượt lên số phận tật nguyền nghiệt ngã và mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ của anh Phạm Thế Minh (An Dương, Hải Phòng) chẳng khác nào chuyện cổ tích giữa đời thường khiến nhiều người cảm phục.
Lớp học tiếng Anh của thầy giáo Minh
Lớp học tiếng Anh của thầy giáo Minh

Không gục ngã

Phạm Thế Minh, sinh năm 1975 trong một gia đình có bố mẹ đều công tác trong quân đội. Bố là sĩ quan thuộc đơn vị pháo phòng không không quân, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Mẹ là công nhân viên quốc phòng, đồng thời là nghệ sĩ văn công phục vụ tại các mặt trận.

Không may mắn như mọi đứa trẻ bình thường khác, ngay từ khi sinh ra, Minh đã bị khuyết tật, hai bàn chân teo lại và ngày càng yếu đi. Về sau đi khám anh mới biết mình bị di chứng của chất độc da cam lây nhiễm từ người bố.

Từ đó mọi sinh hoạt, đi lại đều được bố mẹ và người thân giúp đỡ. Con đường đến trường của anh gắn liền với tấm lưng người cha và chiếc nạng gỗ. Nhiều khi bị bạn bè trong lớp xa lánh vì mình là người khuyết tật, anh cũng không tránh khỏi những giây phút tuyệt vọng, chán nản. Bên cạnh đó cũng có không ít bạn đồng cảm với hoàn cảnh của Minh.Hàng ngày, trước giờ học, các bạn lại thay phiên nhau cõng anh đến lớp.

Được sự động viên, quan tâm của gia đình và nhà trường, anh hiểu chỉ có tập trung học tập mới có thể trở thành người có ích cho xã hội, cộng đồng.Nỗ lực của chàng trai tật nguyền đã được đền đáp bằng những kết quả xứng đáng.Trong nhiều năm liền, thành tích học tập của Minh luôn nằm trong top đầu của lớp. Năm lớp 11, Phạm Thế Minh đạt giải 3 môn Nga văn thành phố Hải Phòng.

Có niềm đam mê đặc biệt với ngoại ngữ, sau khi học hết phổ thông, Minh đăng ký dự thi vào trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, vào thời điểm đó trường không được phép tuyển thí sinh khuyết tật. Không nản lòng, anh tiếp tục tìm đến các trung tâm ngoại ngữ trong thành phố. Ban ngày đi làm, buổi tối đến lớp học.

Năm 1994, Minh đã thi đỗ vào hệ mở của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội(cơ sở Hải Phòng) với điểm số khá cao.Tốt nghiệp ra trường, với hi vọng trở thành một giáo viên tiếng Anh, Minh đã nộp hồ sơ xin việc ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, với ngoại hình và điều kiện sức khoẻ không cho phép nên anh chỉ nhận được cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. Khó khăn lắm anh mới được nhận vào dạy tại một cơ sở dạy nghề trong huyện. Sau đó, do hoạt động không hiệu quả nên cơ sở này đã giải thể.

Chở chữ trên đôi chân tật nguyền

Số phận không cản bước đôi chân của Phạm Thế Minh vươn tới ước mơ. Với khát khao truyền đạt kiến thức miễn phí, tạo điều kiện cho những người kém may mắn học tập, làm việc phù hợp với khả năng của mình, Minh đã mở một cơ sở giáo dục riêng đặt tên là Trung tâm tin học ngoại ngữ Hướng Dương.

Lý giải về cái tên này,anh bảo Hướng Dương là hướng tới mặt trời với mong muốn những người khuyết tật có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Minh cho biết, cơ sở của anh đào tạo các lĩnh vực: ngoại ngữ (Anh, Nhật, Hàn, Trung), tin học văn phòng, đồ hoạ, photoshop. Đặc biệt, trung tâm còn có những lớp học dạy về kỹ năng sống giúp các bạn học viên hoà nhập với xã hội, cộng đồng.

Các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật của thầy giáo Phạm Thế Minh không chỉ dừng lại ở đó mà còn lan ra cả ngoài nước và thu hút được nhiều người nước ngoài quan tâm. Năm 2009, anh là nhân chứng đại diện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tham dự Toà án lương tâm nhân dân quốc tế tại Pháp. Một năm sau đó, anh lại tiếp tục lên đường sang Mỹ tham gia vân động dư luận tại Hoa Kỳ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ, những người quan tâm đến vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, ở Mỹ và trên thế giới.

Người bình thường đi dạy để dạy tốt đã vất vả. Với người khuyết tật như anh, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Sau gần 3 năm hoạt động, trung tâm tin học ngoại ngữ Hướng Dương ngày càng có nhiều học viên tham gia. Tuy nhiên nhận thấy sức khoẻ không thể đảm bảo được nhiệm vụ vừa quản lý vừa giảng dạy nên Minh đã giải thể trung tâm và chuyển sang dạy học tại nhà.Nhờ sự yêu mến, tin tưởng của học trò và phụ huynh mà các lớp ngày càng tăng về số lượng.Năm 2015, Phạm Thế Minh vinh dự được là đại biểu của Hải Phòng dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII.

Thầy giáo Phạm Thế Minh trong giờ lên lớp

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, Minh cho hay, anh thường xuyên tham khảo các mô hình dạy học của nước ngoài. Bên cạnh việc học qua sách vở, thầy Minh còn kết hợp cho các em xem phim hoạt hình, chơi trò chơi bằng tiếng Anh. Trong lớp có đặt các giá sách ngoại văn vừa là tài liệu giảng dạy vừa để các em có thể tham khảo bên ngoài giờ học.

Sau gần 20 năm giảng dạy, nhiều thế hệ học trò của anh nay đã trưởng thành, nhiều em đang du học ở các nước phát triển và có được chỗ đứng trong xã hội.

Khi nhắc về người thầy của mình, em nào cũng dành cho thầy những tình cảm yêu thương, trân trọng. Nhiều em nhỏ hồn nhiên nhận xét, thầy Minh luôn nhẹ nhàng, dịu dàng, ân cần với học trò nên các em rất thích đến lớp.

Nói về dự định trong tương lai, người thầy giáo nghị lực mong muốn sẽ có điều kiện đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn cho lớp.Mời thêm các giáo viên nước ngoài về giảng dạy, nói chuyện với học sinh nhằm nâng cao khả năng nghe – nói. Và còn một mong ước nữa, đó là có thể khôi phục lại Trung tâm tin học, ngoại ngữ Hướng Dương để giúp đỡ những người cùng chung cảnh ngộ có công ăn việc làm, có cơ hội để tái hoà nhập cộng đồng.

Hồng Hạnh