“Cãi tòa”, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc nguy cơ mất hết uy tín

Trong lúc các giới chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc họp tại Bắc Kinh để tìm cách giải quyết những nguồn gây căng thẳng giữa hai nước, một cuộc tranh luận đã bùng ra về vấn đề nước nào chiếm thế thượng phong trong vụ tranh chấp ở Biển Đông hiện nay, đài VOA phân tích.
Hai khu trục hạm Lassen và Wilbur đã thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông
Hai khu trục hạm Lassen và Wilbur đã thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép nhiều đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, nơi có tuyến vận chuyển then chốt của thương mại thế giới. Bắc Kinh đòi chủ quyền phi pháp đối với hầu như toàn bộ vùng biển này,bất chấp sự phản đối của quốc tế.

Mỹ bày tỏ lập trường trung lập đối với những vụ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Washington thể hiện quan điểm phái máy bay và tàu chiến tiến vào khu vực gần những hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát và tuyên bố muốn bảo vệ tự do hàng hải ở hải phận quốc tế.

Trung Quốc cho rằng những hành động đó của Mỹ là có tính chất gây hấn và có mục đích hậu thuẫn cho các nước đồng minh như Philippines. Trong vài năm qua, Bắc Kinh cũng xây những hòn đảo nhân tạo trái phép trên 7 bãi đá mà họ kiểm soát trái phép và đã bố trí những khí tài quân sự trên một số đảo.

Ông Philip Reynolds là nhà nghiên cứu về những vụ xung đột toàn cầu và là nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Hawaii cho rằng Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong.Trung Quốc đang nói rằng ‘Chúng tôi đang có mặt ở đây và các ông chẳng làm gì được cả.’ Đó chính là cơ sở của lập luận của tôi là Trung Quốc đang thắng", ông này nhận xét.

Ông Reynolds cho rằng cách thức duy nhất mà Mỹ có thể đảo ngược những vụ cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là phát động một cuộc chiến tranh rất tốn kém mà người dân Mỹ không muốn. Ông nói rằng Bắc Kinh biết rõ điều đó và đó chính là lý do vì sao những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không khiến cho Trung Quốc phải làm điều gì khác hơn ngoài việc lớn tiếng phản đối.

Reynolds cho rằng Trung Quốc không nhất thiết phải tìm cách ngăn Mỹ hiện diện trong khu vực này. Mục tiêu của Trung Quốc là chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Mỹ không thể ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố họ muốn những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo được giải quyết thông qua đường lối ngoại giao. Tuy nhiên, ông Bill Hayton, một chuyên gia châu Á của Viện Chatam House ở London, lại có một cái nhìn khác về những hành động của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh giành Quyền lực ở châu Á”, tin rằng Bắc Kinh không “thắng” trong trận chiến với Mỹ, nhất là khi xét tới tình hình ở bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung Quốc và Philippines đều có yêu sách chủ quyền.

Tàu sân bay Stennis vẫn đang hiện diện ở Biển Đông gửi thông điệp tới Trung Quốc
Tàu sân bay Stennis vẫn đang hiện diện ở Biển Đông gửi thông điệp tới Trung Quốc

Trong những tuần lễ trước đó, có rất nhiều người bàn tán là Trung Quốc sẽ đưa nhiều tàu bè tới đó, họ chuẩn bị nạo vét để xây đảo nhân tạo hay xúc tiến những hoạt động tương tự như vậy. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Và dường như Mỹ đã làm cho Trung Quốc sợ mà không thực hiện hoạt động xây dựng ở Scarborough.

Ông Hayton cũng nêu rõ Bắc Kinh đã không chiếm đóng hay khai thác bất kỳ một hòn đảo nhỏ nào ở Biển Đông trong hơn 20 năm bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về những hậu quả.

Trung Quốc biết rõ sẽ có một hậu quả rất lớn về mặt ngoại giao, làm cho vị thế của một bên có trách nhiệm của họ bị hủy hoại hoàn toàn, và một hành động như vậy sẽ mâu thuẫn rất nhiều với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 1982, nhiều đến độ nó sẽ phá huỷ uy tín của Trung Quốc và gây bất mãn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Uy tín của Trung Quốc sắp đối mặt với một mối đe dọa khác trong những tháng sắp tới. Một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc ở La Haye sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, một yêu sách mà Manila cho là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bắc Kinh đã bác bỏ sự can dự của toà án La Haye vào vụ này và nói rằng vấn đề nên được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp với Manila. Ông Hayton dự kiến toà án Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines qua việc xác định là Trung Quốc không có đặc quyền kinh tế tại một số vùng ở Biển Đông. Nhưng ông nói rằng tác động của một phán quyết như vậy đối với lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng của họ.

Một sự thất bại tại toà án cũng sẽ củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc đang bị cô lập trên trường ngoại giao.

Phát biểu tuần trước tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể làm cho Trung Quốc dựng lên “Vạn lý Trường thành của tự cô lập”. Ông cũng cho biết các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực và các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ mối lo ngại của Washington về những mưu đồ của Trung Quốc.

Ông Reynolds cho biết Bắc Kinh cũng đang tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước đồng minh. Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để vận động Campuchia, ngõ hầu họ có thể có được một tấm chắn bên sườn để ứng phó với mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.

Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tại Bắc Kinh
Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tại Bắc Kinh

Ngày 6/6, hãng tin Tân Hoa Xã trích lời Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong nói với một giới chức Trung Quốc đang đi thăm Phnom Penh rằng ông ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tân Hoa Xã cũng cho biết Bắc Kinh đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước châu Phi như Tanzania, Uganda, Eritrea và Comoros.

Ông Reynolds cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một giải thưởng lớn hơn trên trường ngoại giao. Ông nói “Cần phải lưu ý xem Liên bang Nga làm những việc gì. Nga và Trung Quốc đã cùng nhau thực hiện những cuộc diễn tập hải quân. Và tôi nghĩ rằng đó là một khối thế lực mà chúng ta cần lưu ý".