Các “ông lớn” ồ ạt đầu tư vào thị trường TMĐT Việt Nam

VietTimes -- Cạnh tranh trên thị trường TMĐT Việt Nam đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với những cái tên như Lotte, Alibaba, VNG, Vingroup.. và gần đây nhất là Aeon và Thế giới di động.
Thị trường TMĐT Việt Nam đang nhộn nhịp người "đến và đi"
Thị trường TMĐT Việt Nam đang nhộn nhịp người "đến và đi"

Ngày 13/1, CTCP Thế giới di động đã chính thức ra nhập thị trường TMĐT với dự án Vuivui.com với cam kết “chỉ bán hàng chính hãng, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái sẽ đền bù 100% tiền”

Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Dự án thương mại điện tử Vuivui.com tự tin với kế hoạch “3 năm tới, vuivui.com sẽ đóng góp tối thiểu 10% vào doanh  thu chung của toàn Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động”.

TGDĐ tiết lộ, mục tiêu doanh thu của Vuivui sẽ là 5 tỷ cuối quý I sau đó nâng lên 20 tỷ đồng khi kết thúc năm 2017, đưa Vuivui.com từng bước trở thành trang thương mại điện tử số 1 tại Việt Nam.

Với sự xuất hiện của Vuivui.com, thị trường TMĐT Việt Nam đang là sân chơi của rất nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Lotte ra mắt sàn thương mại điện tử lotte.vn với tham vọng trở thành trang TMĐT mua sắm trực tuyến tốt nhất cho KH Việt Nam. Lotte cho biết , họ sẽ không tham lam như những tiền bối đi trước,  chỉ tập trung vào những ngành hàng chủ yếu như thời trang, sức khỏe, làm đẹp, điện tử… vốn là những sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Những “tiền bối” của Lotte.vn có thể kể đến Lazada – đơn vị nhận đầu tư từ Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc), hay Zalora Việt Nam của tỷ phú người Thái (Central Group thông qua Nguyễn Kim mua lại Zalora Việt Nam)…Bên cạnh đó, những cái tên đến từ các tập đoàn trong nước như Adayroi của Vingroup, Tiki của VNG cũng không thể không nhắc đến.

“Khách Việt vốn rất linh hoạt trong lựa chọn kênh mua sắm. Rẻ thì họ tới, đắt họ lại đi. Vậy tung tiền trợ giá để hút khách, chiếm thị phần rồi tới khi hết tiền thì sẽ làm gì?” – ông Nguyễn Hòa Bình, TGĐ Peacesoft

Hành vi thói quen và xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Người dùng internet đang ngày càng trở nên cởi mở hơn, chi nhiều tiền cho mua sắm trực tuyến hơn. Theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2030, khoảng 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia hoạt động mua sắm online, đạt 350USD/người và đạt 10 tỉ USD/năm, chiếm 5% tổng mức bán lẻ của cả nền kinh tế. Chính những dự báo lạc quan đó cho thấy, thương mại điện tử đang là xu hướng của tương lai. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo các chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những kênh thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng. Ghi nhận thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đổ vốn tìm kiếm cơ hội để phát triển kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên không ít trường hợp đã phải đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả, có thể kể đến dự án beyeu.com (IDG Ventures đầu tư vốn), Lingo (MAJ đầu tư) hay cdiscont.vn (Central Group) …Có ý kiến cho rằng, nhiều dự án thương mại điện tử “sinh ra để bán” sau thời gian ồ ạt “đốt tiền” của nhà đầu tư.

Trao đổi với VietTimes, cựu CEO của một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam trong giai đoạn 2010-2013 thừa nhận, cuộc chiến cạnh tranh không hề đơn giản. Các trang thương mại điện tử đều tương đồng về chủng loại hàng hóa, vận chuyển, thanh toán hay độ tin cậy… Chính vì không có sự khác biệt nên chiêu cuối cùng để hút người dùng và tăng thị phần là cạnh tranh về giá, mặc dù biết đây là là con đường đi tới sự diệt vong. Chỉ những ai trường vốn và chờ đối thủ suy sụp sẽ trở thành người chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có ai giành chiến thắng tuyệt đối cả. Bài học thành công vẫn chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp chịu khó tìm tòi những thị trường ngách, đầu tư cho chất lượng dịch vụ thay vì cạnh tranh về giá. “Đây là điều ngược trái ngược hoàn toàn với xu thế đầu tư ồ ạt, đánh nhanh thắng nhanh như hiện nay” – vị này kết luận.