Kỳ họp lần thứ 8 - Quốc hội khóa XIV

Các mạng xã hội Việt cần một chính sách như thế nào để có thể tồn tại song song với mạng xã hội nước ngoài?

VietTimes – Trả lời chất vấn của một số đại biểu quốc hội về việc khuyến khích xây dựng một hệ sinh thái số, một mạng xã hội riêng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng chính phủ cần có các chính sách phù hợp, xóa bỏ tình trạng bảo hộ ngược các doanh nghiệp nước ngoài.    
ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/11
ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/11

Xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) về việc Việt Nam có nên xây dựng một hệ sinh thái số (mạng xã hội Việt Nam) hay không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

“Thực ra nếu mà nhìn trên 200 nước và vùng lãnh thổ thì gần như ít nước họ đặt ra vấn đề này, chỉ có Trung Quốc, Nga, Việt Nam là đặt ra. Có thể là do người Việt Nam mình muốn làm chủ. Nếu sau này kinh tế số chúng ta không làm chủ không gian số thì rất khó nói mức độ tự chủ nền kinh tế”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp: “Khi tôi nhận chức Bộ trưởng thì chưa đầy một tháng, chính xác là 15 ngày, việc đầu tiên là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam. Việt Nam mình có thuận lợi là có rất nhiều công ty công nghệ thông tin. Nếu nói về công nghiệp phần mềm thì đứng thứ 6 thế giới. 

Năm tôi nhận chức Bộ trưởng, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng gần 50 triệu người dùng, kể cả những mạng xã hội nhỏ. Sau khi chúng ta tập trung thúc đẩy, sau một năm hiện nay là mạng xã hội Việt Nam đã có 65 triệu người dùng, tăng 30%. Trong đó có 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ. Nếu chúng ta tiếp tục đẩy mạnh, cùng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, với tốc độ này thì đến năm 2020 mạng xã hội Việt Nam sẽ có 90 triệu người dùng, cũng tương đương các mạng xã hội nước ngoài. Hiện nay, Facebook, Google có khoảng 80 triệu người dùng cộng với Instagram cỡ khoảng 90 triệu”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về việc khuyến khích mạng xã hội Việt Nam phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích vì sao lại đặt vấn đề người dùng mạng xã hội Việt tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Đó là vì mạng xã hội là nơi mọi người thể hiện suy nghĩ; họ mua gì, yêu ai cũng đưa lên đó. Điều này có nghĩa là não người Việt Nam đều tập trung trên mạng xã hội, nhưng toàn bộ dữ liệu này lại trên máy chủ nước ngoài, vì vậy rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Bộ trưởng cho rằng nếu chúng ta sử dụng nhiều mạng xã hội khác nhau, dữ liệu phân tán ở nhiều nơi thì sẽ tạo ra sự an toàn hơn. “Trước diễn đàn Quốc hội tôi xin nói là rất ít nước làm được việc này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không đặt vấn đề thay thế mạng xã hội nước ngoài

Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) về việc chúng ta có đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài không. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chúng ta sẽ không đặt vấn đề thay thế. “Mỗi mạng xã hội có không gian riêng, có chức năng riêng, khách hàng riêng. Đất nước mở thì chúng ta phải mời gọi mọi người vào đây làm ăn. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn đi động viên kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nhưng chúng ta chỉ có mỗi một điều kiện thôi: ai vào đây làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt, nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam”.

“Họ vào đây làm ăn thịnh vượng nhưng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng, không thể vào đây thịnh vượng mà lại làm cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lụn bại. Mạng xã hội Việt Nam song song tồn tại với điều kiện mạng xã hội nước ngoài ngoài tuân thủ luật pháp Việt Nam như các mạng xã hội Việt Nam”, Bộ trưởng kết luận.

Khuyến khích mạng xã hội Việt Nam phát triển bằng một chính sách công bằng

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đặt vấn đề Bộ Thông tin Truyền thông có cách gì để mạng xã hội Lotus của Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ. Theo bà Nga, hiện nay nhiều cán bộ, công chức muốn sử dụng mạng Lotus cho việc tuyên truyền chính sách, nhưng quá trình đăng ký sử dụng ở mạng này tương đối phức tạp.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội Lotus hiện nay có 1 triệu người dùng thường xuyên. Công ty (VCCorp) phát triển mạng xã hội này đang muốn tạm dừng việc phát triển người dùng để rà soát, chỉnh sửa lại các tính năng. Khi thấy ổn mới tiếp tục thực hiện các chiến dịch truyền thông để tăng số người dùng. Khi Lotus đạt số người dùng khoảng 5 triệu thì có thể đánh giá hoạt động của nó (giai đoạn đầu) là tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về mạng xã hội Lotus


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng chính phủ vẫn mong muốn có một mạng xã hội trong nước mạnh. Để giúp các mạng xã hội Việt Nam thu hút người dùng, nhà nước cần có chính sách công bằng giữa mạng xã hội Việt Nam với mạng xã hội nước ngoài. Các doanh nghiệp phát triển mạng xã hội Việt Nam không cần Nhà nước đổ tiền đầu tư, mà họ chỉ mong một việc là tránh bảo hộ ngược. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động mạng xã hội phải tuân thủ các chính sách kiểm duyệt, phải đóng thuế, trong khi doanh nghiệp nước ngoài hầu như chưa bị áp dụng các quy chế này.  

“Đây là trách nhiệm của của cơ quan quản lý nhà nước mà đúng là trách nhiệm của Bộ Thông tin truyền thông. Chúng tôi sẽ làm tốt việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.