BOT thì “nóng”, còn nông sản vì sao phải “giải cứu”

VietTimes-- Thừa nhận BOT là vấn đề nóng nhất trong năm 2017, nhưng Bộ trưởng Giao thông Vận tải  Nguyễn Văn Thể lại cho rằng “đây là sản phẩm của nhiệm kỳ trước”, còn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh giải trình có một số mặt hàng vì sao thường xuyên phải "giải cứu". 
Người dân phản đối việc thu phí qua trạm BOT Cai Lậy trong năm 2017 (Ảnh: Quỳnh Trần)
Người dân phản đối việc thu phí qua trạm BOT Cai Lậy trong năm 2017 (Ảnh: Quỳnh Trần)

BOT nóng nhất, nhưng là “sản phẩm của nhiệm kỳ trước”

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội sáng 22/5, tuy thừa nhận BOT là vấn đề nóng nhất trong năm 2017, nhưng Bộ trưởng Giao thông Vận tải  Nguyễn Văn Thể lại cho rằng “đây là sản phẩm của nhiệm kỳ trước”. Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cho rằng, trước mắt, Bộ này sẽ tập trung giải quyết những bất cập với từng trạm thu phí cụ thể. 

Về lâu dài, Bộ chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo; duy tu, sửa chữa các tuyến đường hiện có để đường nào còn dùng được sẽ phát huy hiệu quả; nếu quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc.

Ông Thể nhấn mạn: “chúng tôi có niềm tin vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa”.

BOT thì “nóng”, còn nông sản vì sao phải “giải cứu” ảnh 1
Bộ trưởng Thể: "chúng tôi có niềm tin vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn thỏa”.

Về dự án sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Thể cho hay, hiện một số công việc như thu hồi đất, thẩm định giữa các bộ, ngành... đang chậm, trong khi đây là những phần việc mà Quốc hội, Chính phủ đã giao các đơn vị phải thực hiện đúng tiến độ.

Với trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành, ông Thể khẳng định: "chúng tôi bám đúng kế hoạch".

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam

Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lại đề cập đến xuất khẩu nông, thủy sản, trong đó có một số mặt hàng vì sao thường xuyên phải "giải cứu". 

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, xuất khẩu nông, thủy sản năm 2017 chưa có thống kê cuối cùng nhưng ước tính vào khoảng 35-37 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cho hay, sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa thực sự tham gia vào chuỗi nông thủy sản thế giới; một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, ví dụ cá tra, lâu nay chưa có thương hiệu nên vẫn gặp rào cản kỹ thuật.

BOT thì “nóng”, còn nông sản vì sao phải “giải cứu” ảnh 2
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa"

"Câu chuyện về thị trường xuất khẩu nông, thủy sản còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt là tìm kiếm thị trường bền vững", ông Trần Tuấn Anh nói.

Cụ thể, năm 2017, các thị trường xuất khẩu lớn đều có tăng trưởng, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, tăng tới 60%. Nhưng trong đà tăng xuất khẩu của hàng hóa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, vẫn còn đó lo ngại về việc giải cứu dưa hấu ở Quảng Nam, ớt ở Quảng Trị... 

“Cả ớt hay dưa hấu không nằm trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Đây chỉ là sản phẩm mùa vụ, phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại, xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, chứ không phải chính ngạch”, Bộ trưởng Công thương lý giải vì sao nhiều mặt hàng nông sản thường xuyên phải giải cứu.

Lãnh đạo ngành Công Thương nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với Việt Nam nữa, bởi giờ họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Ông Tuấn Anh lấy ví dụ, trong 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước đây, hiện Trung Quốc chỉ cấp phép cho 27 doanh nghiệp. “Nếu chúng ta cứ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà không phát triển thị trường mới thì hệ lụy sẽ rất lớn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo.

"Phải tập trung khơi thông mọi thị trường, nhất là thị trường tiềm năng. Trong đó lưu ý có chính sách kịp thời để tháo gỡ rào cản", ông nhấn mạnh.