Bom hạt nhân: Giải mã thông điệp của lãnh đạo Triều Tiên

Truyền thông Triều Tiên công bố bức thư viết tay của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un, chứa đầu mối giúp hiểu được tư duy đằng sau tuyên bố bất ngờ và gây tranh cãi của Triều Tiên về việc thử nghiệm quả bom khinh khí (bom H) đầu tiên hôm 6/1.
Bức ảnh ông Kim Jong Un ký bức thư gửi quốc dân Triều Tiên
Bức ảnh ông Kim Jong Un ký bức thư gửi quốc dân Triều Tiên

Bức thư đề ngày 15/12 của ông Kim Jong Un kêu gọi khởi đầu một năm mới bằng những “âm thanh tuyệt vời của vụ nổ bom khinh khí đầu tiên của nước ta”. Tài liệu này kết thúc với chữ ký của ông Kim – gần giống như một ngôi sao nhạc rốc ký tặng người hâm mộ vậy.

Bốn năm sau khi lên nắm quyền sau cái chết đột ngột của cha mình, các nhà phân tích vẫn tranh cãi về việc liệu ông Kim có dễ dàng khẳng định vai trò lãnh đạo, tự tin cân bằng các nhóm lợi ích cạnh tranh nhau giữa các phe phái quân đội và chính trị hùng mạnh hay không, hay sẽ phải đấu tranh để áp đặt dấu ấn của mình lên cỗ máy kịch tính của những đấu đá và đổ máu chính trị vốn đầy rẫy bên dưới bề mặt êm đềm được tuyên truyền của nước này.

Bức thư đó cung cấp một cái nhìn về sự tính toán, sắp xếp cẩn thận đằng sau những tuyên truyền về vụ thử hạt nhân. Ngày trên văn bản, từ cách đây ba tuần, và giọng điệu gần như thơ của lá thư được thiết kế nhằm cho thấy cả sự thận trọng và niềm tự hào của một nhà lãnh đạo vốn đích thân phê chuẩn và điều phối vụ nổ.

Bức thư nói về việc “toàn bộ thế giới ngưỡng mộ” Bắc Triều Tiên và đảng cầm quyền, trong khi không hề nhắc tới sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế mà vụ thử hạt nhân nhất định sẽ tạo ra, bao gồm các phản đối từ Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên. Vụ nổ này không phải hướng tới các lực lượng bên ngoài, mà nhằm cho người dân thấy rằng ông Kim kiểm soát hoàn toàn một sự kiện quan trọng.

Ông John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên và Trung Quốc tại Đại học Yonsei, Seoul, mô tả thông điệp của bức thư như sau: “Đừng nhầm lẫn gì ở đây; không có cuộc đấu tranh phe phái nào cả; quân đội không có quyền nói cho ông Kim biết phải làm gì.”.

Đó có phải thực sự là những gì đang xảy ra tại một trong những chính phủ bí ẩn nhất của thế giới hay không lại là một vấn đề khác, đặc biệt là liên quan đến lực lượng quân đội mạnh mẽ của nước này.

Do có rất ít tiến bộ ngoại giao và đã gần ba năm kể từ sau vụ thử hạt nhân cuối cùng, ông Kim có thể đã tính toán rằng đã đến lúc đồng ý với đề xuất của quân đội phải tiến hành một vụ thử khác. Hoặc, như một số nhà phân tích dự đoán, có thể mệnh lệnh đã được đưa ra ngay sau khi các nhà khoa học đã sẵn sàng tiến hành vụ nổ.

Ông Kim có thể nhận về mình những gì mà truyền thông nhà nước gọi là “quả bom H của công lý” một phần vì một quả bom H sẽ là một bước tiến rõ ràng so với các vụ thử hạt nhân được tiến hành dưới sự lãnh đạo của cha ông. Và đối với người dân tại đất nước bị cô lập Triều Tiên, các nghi ngờ quốc tế về việc thiết bị này có thực sự là một quả bom H hay không sẽ không thành vấn đề.

“Vụ thử bom hydro của chúng tôi như một tiếng sấm vang vọng của một đất nước tuyệt vời, và nó thực sự làm cho tôi cảm thấy thật tuyệt vời và hạnh phúc”, ông Ri Chon Hyang, một người dân Bình Nhưỡng cho biết. “Không chỉ tôi, bạn bè tôi cũng đang rất hạnh phúc, chúng tôi không biết làm thế nào để diễn tả nên lời.”

Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên miêu tả vũ khí hạt nhân như là cách duy nhất để đứng lên chống lại kẻ thù không đội trời chung của đất nước là Mỹ. Quân đội cần tiến hành các vụ thử hạt nhân nhằm thúc đẩy quá trình tìm kiếm một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lặp đặt trên một tên lửa tầm xa.

Tuyên truyền luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với Triều Tiên, nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với ông Kim Jong Un. Mới ở độ tuổi ngoài 30, nhà lãnh đạo trẻ  đã chơi những lá bài rất khác so với cha mình, Kim Jong Il.

Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, khi vẫn còn trong độ tuổi 20. Mặc dù ông đã có một vài năm trong vai trò người kế nghiệm được lựa chọn, kinh nghiệm của ông ta vẫn không đáng kể mấy khi so với người cha của mình. Kim Jong Il đã được trao các trách nhiệm ngày càng quan trọng bởi chính người cha của mình, người sáng lập Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), trải qua một quá trình tập sự kéo dài và lên nắm quyền vào năm 1994 khi đã ở tuổi trung niên.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên qua truyền hình
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên qua truyền hình

Ngay từ đầu, Kim Jong Un đã nhanh chóng hành động khi nhận ra sự thách thức từ các tay chân của mình. Kim đã hạ bệ và sau đó hành quyết ông Jang Song Thaek, người cậu và là người nắm quyền lực số hai của đất nước, vì tội phản bội hồi tháng 12/2013. Một năm trước, có thông tin đã thanh trừng một người cố vấn khác, chỉ huy quân đội Triều Tiên Ri Yong Ho, người mà số phận đến nay vẫn còn bí ẩn.

Một viện nghiên cứu chính sách thuộc một cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết năm ngoái rằng Triều Tiên đã hành quyết hơn 100 quan chức cấp cao. Năm ngoái, có tin Triều Tiên đã ra lệnh xử tử vị bộ trưởng quốc phòng bằng một khẩu súng phòng không vì tội ngủ gật trong một cuộc họp, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã thông tin cho các nhà lập pháp trong một cuộc họp như vậy.

Gần đây cái chết vì tai nạn xe hơi của Kim Yang Gon, một quan chức cấp cao phụ trách quan hệ với Seoul, đã gây nên sự nghi ngờ ở Hàn Quốc vì các vụ tai nạn xe hơi trước đây là cách nhằm loại bỏ các quan chức không mong muốn.

Bức thư của ông Kim là một cách khác để giúp nhà lãnh đạo trẻ củng cố vị trí của mình tại Triều Tiên. Ông Kim đã biến mình thành một phần của lịch sử, dù nó được nhìn nhận bên ngoài biên giới của đất nước như thế nào. Ở một vùng đất ngập tràn những bức chân dung và tượng của cha và ông nội mình, bức thư là một phần nỗ lực của ông Kim để giành được một vị trí bên cạnh họ.

Theo QPAN