Bộ trưởng Tư pháp: Chẳng nước nào luật hóa lấy phiếu tín nhiệm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, không nên luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm vì “chả giống nước nào cả”. Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ lấy phiếu, bỏ phiếu đối với các cơ quan tư pháp và hành pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Không luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm

Theo Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo Luật đã được thể hiện theo hướng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhưng không đưa hết nội dung của Nghị quyết này vào Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên thu hút các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Nghị quyết số 85/2014/QH13 vào dự thảo Luật này để thể hiện cho thống nhất, tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân lại quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.

Cho ý kiến vào nội dung trên, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm theo hướng chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp; còn các chức danh thuộc khối lập pháp như Quốc hội, HĐND thì không nên lấy. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì tha thiết đề nghị không nên luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm vì “chả giống nước nào cả”.

Giám sát của Quốc hội còn hình thức

Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhiều đại biểu (ĐB) thẳng thắn “chê” rằng, giám sát còn chung chung, hình thức, không hiệu quả. “Thực tế việc đi giám sát của Quốc hội, HĐND hiện nay còn quá chung chung, hình thức. Sáng đi một đơn vị, chiều đi một đơn vị và chủ yếu là nghe, hỏi một vài câu sau đó về ra văn bản, không biết người ta có tiếp thu hay không”, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) phản ánh.

ĐB Nguyễn Đăng Quang (Quảng Bình) cũng cho rằng, có những cuộc giám sát đi về địa phương, sau đó cuối cùng cũng chỉ chuyển báo cáo của địa phương thành báo cáo của đoàn giám sát. Do đó, ông Quang đề nghị cần quy định cụ thể về cách thức giám sát, chế tài xử lý thực hiện giám sát. Nếu không xử lý theo kiến nghị của đoàn giám sát thì sẽ bị trách nhiệm như thế nào. Có như thế thì mới đầy đủ, hiệu quả.

“Sau khi giám sát có kiến nghị thì phải quy định quy định rõ xem có bắt buộc người ta phải trả lời hay không? Nếu không trả lời thì xử lý thế nào”, ĐB Trường kiến nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cái yếu nhất của nước ta hiện nay chính câu chuyện thực thi pháp luật. Thế nhưng giám sát của chúng ta lại chưa có trọng tâm về vấn đề đó. Cái này cần phải nghiên để bảo đảm tổ chức thực thi pháp luật thế nào, bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh.

Theo Tiền Phong