Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm việc tại tỉnh Ninh Bình

Chiều ngày 28/8/2017, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình. Tham gia Đoàn công tác của Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng và các doanh nghiệp thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đánh giá công tác thông tin truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Việc đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương đến với người dân hiệu quả; đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện cho ngành TT&TT tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững trước yêu cầu mới.
20170828-l1.jpg
 Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, trong 8 tháng đầu năm 2017, kinh tế tiếp tục phát triển khá; công nghiệp tăng mạnh; sản xuất nông nghiệp ổn định; phong trào xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh; dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển khá; văn hóa – xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, công tác đối ngoại được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, có chuyển biến tích cực. Cũng theo báo cáo, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 71,8% dự toán, tăng 32,4% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 28.187 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 684 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 14.622,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 11 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm trước…
Công tác quản lý nhà nước về TT&TT được tỉnh Ninh Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đảm bảo công tác TT&TT của tỉnh phát triển đồng bộ, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý về báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng và quy định của pháp luật. Đồng thời, Tỉnh đã ban hành Quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí in và Quy hoạch phát triển Đài PTTH tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo hiệu quả và mang tính khoa học; chỉ đạo Sở TT&TT hàng ngày tổng hợp tin tức nổi bật trên báo chí Trung ương và địa phương, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh; chỉ đạo triển khai Luật Báo chí năm 2016…
Đối với công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành đảm bảo các cơ sở in hoạt động đúng quy định của pháp luật. Hiện trên địa bàn có 86 cơ sở in. Hàng năm thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Tỉnh đã triển khai có hiệu quả Ngày sách Việt Nam, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
Với công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả, trong đó trọng tâm là đưa hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đi vào nền nếp, đúng quy định; chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở; triển khai thực hiện dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng vào việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Tỉnh đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Về lĩnh vực CNTT, Tỉnh đã chú trọng xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế về CNTT, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp, từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình. Hiện Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP, Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020; Quyết định phê duyệt Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình.
Hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình được quan tâm và cải thiện rõ rệt. Tỉnh đang triển khai cung cấp các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng dịch vụ công của Tỉnh (tính đến 31/7/2017 trên hệ thống Cổng dịch vụ công Tỉnh đã cung cấp hơn 1.500 thủ tục hành chính từ mức độ 2 đến mức độ 4); hoàn thiện việc triển khai sử dụng phần mềm quản lý VNPT-iOfffice cho tất cả các cơ quan, đơn vị trong Tỉnh và thực hiện kết nối liên thông hệ thống 4 cấp.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được tăng cường. Tỉnh đã ban hành Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thuộc tỉnh; các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc phòng ngừa, khắc phục các lỗ hổng trên hệ thống nên chưa để xảy ra tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin đáng tiếc nào trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc triển khai xây dựng thành phố thông minh Tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để tiến hành các bước xây dựng thành phố thông minh tỉnh Ninh Bình.
Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Tỉnh đã ban hành 2 quy hoạch phát triển ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Quản lý các đại lý internet và các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đảm bảo các đại lý hoạt động đúng quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, trò chơi điện tử; công tác quản lý tần số vô tuyến điện đã phát huy hiệu quả, trên địa bàn tỉnh cơ bản không để xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tần số vô tuyến điện và không có hiện tượng nhiễu tần số; chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đảm bảo đúng thời gian và tiến độ.
Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ và lắp đặt 34.188 đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đã phủ sóng truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T2 trên địa bàn toàn tỉnh và tắt toàn bộ sóng analog theo đúng thời gian quy định của Bộ TT&TT.
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh và một số Sở, ngành thuộc tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Bộ TT&TT xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo công tác TT&TT của tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc giải đáp, trả lời những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh và Sở TT&TT nhằm giúp công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển ổn định trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về TT&TT trên địa bàn tỉnh thời gian qua  cụ thể như:
Các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhìn chung đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng định hướng và quy định của pháp luật; kịp thời phản ánh các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế,... Công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông đáp ứng được yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc, giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Doanh thu Bưu chính 6 tháng đầu năm 2017 đạt 69.3 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh 1,2 tỷ đồng. Doanh thu viễn thông 6 tháng đầu năm 2017 đạt 360,1 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh 10,7 tỷ đồng, đây là kết quả đáng khích lệ.
Hoạt động ứng dụng CNTT  trong các cơ quan nhà nước tỉnh đã có nhiều cải thiện rõ rệt (100% cơ quan Nhà nước tỉnh Ninh Bình có mạng nội bộ LAN và internet kết nối băng thông rộng; 27/27 đơn vị đã có trang thông tin điện tử)Ban hành được các chính sách, cơ chế về công nghệ thông tin và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo. Công tác phòng ngừa và khắc phục các lỗ hổng trên hệ thống được thực hiện tốt nên chưa để xảy ra tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin đáng tiếc nào trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện tiêu chí TT&TT trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ tại dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được chú trọng; nhân dân và các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực (đã có 1 huyện và 64/119 xã về đích nông thôn mới).
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả mà ngành TT&TT Ninh Bình đã đạt được trong thời gian vừa qua Tỉnh vẫn còn có một số mặt cần lưu ý như: Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2016 đứng ở mức giữa trong bảng xếp hạng với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: Về xếp hạng chung, tỉnh Ninh Bình đứng thứ 42/63 tỉnh/thành phố; hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin đứng thứ 35/63 tỉnh/thành phố; Việc truy cập sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được người dân và doanh nghiệp sử dụng thường xuyên.
20170828-l4.jpg
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao tặng bức tranh tem Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc cho tỉnh Ninh Bình
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị ngành TT&TT Ninh Bình phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ thực hiện một số nội dung trọng tâm: Chỉ đạo và định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chính sách pháp luật của Nhà nước; giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo điều hành, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, các hoạt động của Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thông tin đầy đủ về các vấn đề được dư luận quan tâm, những ngày lễ lớn của đất nước.
Đẩy mạnh triển khai Luật Báo chí, Chỉ thị về công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới. Xây dựng kế hoạch và triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để quản lý tốt hoạt động của văn phòng đại diện các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú trên địa bàn.
Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan để quản lý thông tin trên Internet, nhất là thông tin trên các blog, mạng xã hội theo hướng lan truyền những thông tin tốt, tích cực, hạn chế những thông tin xấu, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh rà soát hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử tổng hợp.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản. Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ưu tiên đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc tại địa phương nhất là cho đối tượng học sinh, sinh viên. Phối hợp kiểm tra, thu hồi và xử lý xuất bản phẩm có nội dung vi phạm.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và Thông tư hướng dẫn thi hành các Quyết định này. Đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện kế hoạch duy trì bền vững kết quả dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam ở các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã và thư viện công cộng.
Chỉ đạo đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định; thực hiện hiệu quả các nội dung Tỉnh tham gia trong Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020; Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển. Thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tích cực triển khai việc thu hồi sim trả trước, ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thực hiện hoạt động kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm và can nhiễu về tần số.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn liền với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh theo các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Hướng dẫn thực hiện tiêu chí TT&TT trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiệm vụ tại dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Xây dựng, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TT&TT, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.
Theo MIC
http://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/135485/Bo-truong-Truong-Minh-Tuan-lam-viec-tai-tinh-Ninh-Binh.html