Bộ trưởng Thăng:'Không thể thay nhà thầu Trung Quốc do ràng buộc vay vốn'

"Nhà thầu Trung Quốc trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn", Bộ trưởng Giao thông nói.
Mô hình tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Mô hình tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Trao đổi với báo chí sáng 9/6, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng chia sẻ, nhiều người dân đã nhắn tin, gọi điện hỏi tại sao phải mua tàu điện Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Theo Bộ trưởng Thăng, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của Trung Quốc, theo hiệp định ký giữa Chính phủ hai nước từ năm 2008. Với phương thức tổng thầu EPC nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng tương tự như các dự án sử dụng ODA của Nhật Bản hay Hàn Quốc khác đều sử dụng nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cung cấp thiết bị từ nước cho vay vốn. 

"Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn. Do đó, rất mong mọi người chia sẻ", Bộ trưởng Thăng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, lãnh đạo Bộ chưa xem xét mẫu thiết kế đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Ban quản lý dự án đường sắt trình mới đây. 

Đầu tháng 6, Ban Quản lý dự án đường sắt có Tờ trình gửi Bộ Giao thông lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, Ban quản lý sẽ tiến hành mua 13 đoàn tàu theo hợp đồng đã được ký kết với phía Trung Quốc với chi phí hơn 63,2 triệu USD.

Đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất. Theo kế hoạch, 13 đoàn tàu sẽ được đưa về Việt Nam đầu quý 1/2016.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011, có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD; Vốn vay ưu đãi là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu

Theo Vnexpress