Bộ Tài chính không can thiệp vào việc chuyển nợ của Vinaxuki

Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính giúp đỡ, cho chuyển các khoản vay nợ lãi suất cao từ hai ngân hàng thương mại cổ phần về Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là nơi có lãi suất thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vinaxuki đã sản xuất và lắp ráp thành công dòng xe tải nhẹ với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Ảnh: TL
Vinaxuki đã sản xuất và lắp ráp thành công dòng xe tải nhẹ với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Ảnh: TL

 Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng phía doanh nghiệp phải chủ động trong vấn đề này.

Trong hai năm 2014, 2015, Vinaxuki đã nhiều lần gửi đơn lên Chính phủ đề nghị giúp đỡ để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Vinaxuki nhiều năm qua đi theo con đường phát triển dòng xe tải nhỏ, xe 4 chỗ ngồi dung tích xi lanh dưới 1300 cc. Doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp xe tải ở Thanh Hóa, xưởng chế tạo khuôn, xưởng lắp ráp xe con và xe tải nhẹ bán tự động. Tỷ lệ nội địa hóa với dòng xe tải nhẹ của Vinaxuki được Bộ Công Thương công bố năm 2015 là 50%.

Để đầu tư vào giai đoạn sản xuất này, Vinaxuki đã vay nợ tổng gốc và lãi tại hai ngân hàng Vietcombank và BIDV lên đến 630 tỉ đồng, nhưng do lãi suất vay tại thời điểm những năm 2010 cao, sản xuất khó khăn nên doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ đến hạn. Đồng thời doanh nghiệp cũng không còn tiền để tiếp tục đầu tư do các ngân hàng không tiếp tục cho vay dẫn đến tình trạng nhà máy ngừng hoạt động, bỏ hoang, càng mất khả năng chi trả nợ.

Trước tình hình đó, Vinaxuki nhiều lần gửi đơn lên Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị có các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô (là những ngành nghề được Chính phủ khuyến khích đầu tư và có chính sách hỗ trợ) để Vinaxuki tiếp tục tồn tại.

Cụ thể, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, đề xuất Bộ Tài chính cho phép chuyển các khoản nợ của Vinaxuki tại hai ngân hàng nói trên về VDB trong thời hạn 8 năm để giảm lãi suất và cơ cấu lại khoản nợ. Đổi lại, Vinaxuki sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất một số chi tiết và phụ tùng ô tô được đầu tư trong dây chuyển cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước với giá thành thấp để cùng nhau phát triển.

Ông cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá tính thuế cho loại xe 4 chỗ dung tích xi lanh dưới 1300 cc từ 45% về 25%, xe 7 chỗ từ 45% xuống còn 15%...

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời các kiến nghị của Vinaxuki. Về chính sách tín dụng, bộ này cho rằng không thể can thiệp mà Vinaxuki phải chủ động liên hệ với VDB và Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chứ bộ không can thiệp để chuyển nợ giữa các ngân hàng như đề xuất.

Về chính sách thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính giải thích, thuế nhập khẩu hiện đang được cắt giảm theo đúng lộ trình cam kết WTO và cam kết ASEAN - Trung Quốc. Mặt khác để hỗ trợ sản xuất lắp ráp trong nước, tháng 11-2015, Bộ Tài chính đã có văn bản sửa đổi thuế nhập khẩu theo hướng tăng thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc dưới 45 tấn bằng mức trần cam kết (từ 25% đến 70% tùy theo tải trọng xe) và tăng thuế nhập khẩu một số loại xe tải chuyên dùng (xe tải đông lạnh, xe thu gom phế thải..) từ 15% lên 20% để hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính cho rằng với chính sách như vậy, nhiều nhà sản xuất, lắp rắp trong đó có Vinaxuki đã được hỗ trợ hoạt động.

Theo TBKTSG