Bộ máy tốt sẽ không còn nền hành chính ách tắc, phiền hà

VietTimes -- Nhiều ĐBQH đề nghị giám sát chặt bộ máy công quyền để “chỉ ra nguyên nhân sự yếu kém của đất nước làm nhân dân ai oán. Đã không có chuyện cán bộ “bán không trừ thứ gì” và “ăn không trừ thứ gì”, nếu bộ máy công quyền chuẩn mực” (như lời ĐB Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH).
ĐB Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH.
ĐB Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH.

Vì sao phải giám sát cán bộ công chức?

Còn nhớ, trước đây ông Nguyễn Bá Thuyền, ĐBQH khóa XIII từng kể một câu chuyện vui trên diễn đàn QH: “Tôi có thằng cháu. Nó phạm tội và chạy thế nào cũng có nguy cơ bị bắt. Nó về hỏi tôi: “Tại sao cháu trốn ở đâu cũng có thể bị bắt”. Tôi bảo nó là cháu cứ trốn vào “tập thể” là không ai bắt được”. Câu chuyện cho thấy thực trạng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của chúng ta hiện nay đã yếu kém, lại còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc vi phạm pháp luật thì không ai chịu trách nhiệm, viện dẫn “đúng quy trình”.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ xây dựng Chính phủ thành một bộ máy kiến tạo, hành động và liêm chính. Đây là sự thể hiện tinh thần của một Chính phủ mới. Tuy nhiên để Chính phủ làm được việc này thì rất cần vai trò giám sát của QH.

Bởi vì, nói như ĐB Nguyễn Sĩ Cường (Ninh Thuận) thì: “Chúng ta ai cũng nhận thấy nếu một bộ máy tốt, một đội ngũ CBCC, viên chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì sẽ không có một nền hành chính còn nhiều ách tắc và phiền hà, không có đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, để hàng triệu, hàng tỷ đô la lãng phí mỗi năm được cộng thêm vào gánh nợ công vốn đã quá sức chịu đựng, không có việc xả thải làm ô nhiễm và hủy diệt môi trường khủng khiếp như ở một số tỉnh Bắc miền Trung vừa qua, không có tình trạng phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi và không có nạn cấp khống giấy chứng nhận hợp chuẩn phân bón, cấp khống giấy chứng nhận chất lượng thủy sản và thức ăn chăn nuôi làm cho người nông dân khốn đốn,  không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, cũng không đến nỗi hàng chục vạn dân nghèo phải khốn khổ vì đa cấp, hàng ngàn người rơi vào cảnh cùng quẫn vì vỡ nợ của tín dụng đen”.

Đã thế, nhiều khi, đến chính kiến cũng không dám thể hiện, như người ta hay nói “ngậm miệng ăn tiền”. Luật sư Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Vì sao cho đến nay chưa thấy các ĐBQH các tỉnh miền Trung và các ủy ban của QH có ý kiến gì về thảm họa môi trường ở các tỉnh này do Formosa gây ra?”. Luật sư Nghĩa bức xúc: “Chí ít là có thông tin, chí ít là có ý kiến dự kiến sẽ làm gì chứ”.

 Hoạt động giám sát: vẫn còn yếu kém

Bộ máy công quyền hoạt động không những kém hiệu quả, mà còn “nhũng nhiễu, nhiều ách tắc và phiền hà” (như ông Bùi Sĩ Cường đã chỉ ra) là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có một nguyên nhân quan trọng là do khâu giám sát của QH chưa hiệu quả, nếu không muốn nói là còn yếu kém.

“Tôi có cảm tưởng khi đi giám sát thực tế các ĐBQH chúng ta chê nhiều, thấy nhiều tồn tại, nhưng đến khi làm báo cáo gửi cho QH thì lại thấy khen nhiều, chê ít. Cách đây nhiều khóa tôi nói là nếu chúng ta khen nhiều, không rút ra được gì thì thà rằng ở trên này gọi điện xuống chúc mừng nhau và khen nhau thì tốt hơn, chứ thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát làm gì cho tốn kém tiền thuế của dân”- ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) nói.

Còn ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì đề nghị: “Khi QH thành lập đoàn giám sát thì chí ít cũng nên giao cho một Phó chủ tịch QH, thậm chí là Chủ tịch QH phải tham gia đoàn, chứ đừng để tình trạng Chủ nhiệm một ủy ban làm trưởng đoàn, đi được một hai hôm thì giao lại cho Phó chủ nhiệm kéo theo lèo tèo vài ba ĐBQH khác. Đi xuống đến đâu cũng băng rôn, có nhiều tỉnh còn trang trọng “Nhiệt liệt chào mừng đoàn giám sát Ủy ban thường vụ QH về làm việc”. Khi đoàn đến nơi thì chỉ có 2 - 3 đồng chí ĐB”.

Đã thế, “khi giám sát một vụ việc lại rất ít khi chỉ ra được khuyết điểm, không chỉ ra việc sai phạm đó thuộc cơ quan nào, cá nhân nào. Đặc biệt là kết quả tiếp thu, xử lý chúng ta lại không đeo bám đến cùng, không báo cáo lại xem đạt được đến đâu, thực hiện được đến đâu”- ông Bùi Sĩ Lợi nói thêm.

Vì vậy, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) yêu cầu: “chúng ta phải đánh giá một cách nghiêm túc, đầy đủ về hoạt động giám sát của QH, Ủy ban thường vụ QH, các cơ quan của QH trong nhiệm kỳ QH khóa XIII để rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác hoạt động giám sát của QH Khóa IV, mà gần nhất là cho năm 2017. Có thể hoạt động giám sát mới có hiệu quả”.

“Cuối cùng, đó là thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong kết luận giám sát. Khi có kết luận giám sát rồi thì các cơ quan có liên quan phải được thực hiện. QH phải giám sát việc thực hiện này. Nhiều khi chúng ta chú trọng đến quá trình giám sát, nhưng lại chưa chú trọng đến việc thực hiện kết luận giám sát của QH được thực hiện ra sao. Vì vậy, điều quan trọng là cần nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật trong kết luận giám sát”- ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị.