Bộ GTVT trình 5 phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy

VietTimes – Thông tin này được ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT – cho biết tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ngày 12/4. Theo đó, Bộ GTVT đã trình và chờ quyết định của Thủ tướng chọn 5 phương án thu giá dịch vụ tại dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy.
Trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Tiền Phong
Trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Tiền Phong

Trong đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, phương án đề xuất thứ nhất của Bộ GTVT là giữ nguyên vị trí trạm thu phí BOT hiện tại. Nhưng giảm khoảng 30% giá phí qua trạm so với phương án ban đầu.

Cụ thể, giá phí qua trạm đối với phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng/lượt, thấp nhất trong các dự án BOT trên quốc lộ 1.

Đồng thời, mở rộng diện miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận theo hướng miễn phí các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh, giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.

Bộ GTVT cho biết, áp dụng phương án 1 thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư dự án bị kéo dài, vào khoảng 15 năm 9 tháng.

Phương án 2 do Bộ GTVT đề xuất là lập thêm trạm thu phí BOT trên tuyến tránh, và thu giá với phương tiện nhóm 1 tại trạm hiện nay với mức 15.000 đồng/lượt, thu tại trạm mới trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt.

Phương án này đòi hỏi vốn đầu tư phát sinh khoảng 90 tỷ đồng và phải có thêm diện tích đất để xây trạm, đồng thời có thể sẽ khiến ùn tắc trên Quốc lộ 1 do phương tiện chọn đi hướng này để hưởng mức phí thấp.

Phương án 3 là giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện nay và mức giá 25.000 đồng/lượt (với phương tiện nhóm 1). Phương án này có thời gian hoàn vốn ngắn, khoảng 7 năm 7 tháng.

Tuy nhiên, phương án này cần được tuyên truyền tốt về nội dung vị trí đặt trạm là đúng quy định, và cơ quan Công an cùng địa phương phải có phương án, biện pháp đảm bảo tiếp tục tổ chức thu phí tại trạm BOT hiện nay.

Trạm BOT Cai Lậy đã bắt đầu ùn tắc từ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2017 và phải tạm dừng thu phí. Sau khi bình ổn tình hình, đầu tháng 12/2017, trạm này thu phí trở lại và tiếp tục ùn tắc, phải dừng thu phí cho đến nay.

Phương án 4 là chuyển hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy về tuyến tránh. Theo Bộ GTVT,  phương án này sẽ cho kết quả thu không đảm bảo cho chủ đầu tư và nhà nước phải hỗ trợ khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019.

Phương án 5 là xóa hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện nay, dùng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký.

Phương án này có thời gian hoàn trả vốn đầu tư 7 năm 7 tháng, số tiền thanh toán hàng năm ước tính khoảng 2.026 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, việc thủ tướng chọn phương án xử lý nào đối với trạm Cai Lậy sẽ có ảnh hưởng đến các dự án tương tự. Do đó, việc chọn phương án nào cần xem xét thận trong, trong tương quan với các dự án BOT khác đã hoàn thành hoặc sắp triển khai.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, các địa phương quản lý 14 trạm.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, trong số này có 9 dự án BOT được triển khai trên nền đường cũ và tuyến tránh tượng tự như dự án BOT Cai Lậy.