Bloomberg: Việt Nam vẫn chậm chạp trong cải cách doanh nghiệp nhà nước

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từng là những doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất, đạt doanh thu lớn nhất và là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam.
Bloomberg: Việt Nam vẫn chậm chạp trong cải cách doanh nghiệp nhà nước

Những lời phàn nàn về các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu nổi lên trong mấy năm gần đây, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính thế giới – khi các doanh nghiệp nhà nước được cho là nguồn cơn gây ra khối lượng nợ xấu khổng lồ. Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang cố gắng tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nhà làm luật đang thôi thúc việc nghĩ lại về vai trò của các DNNN và dành nhiều sự ủng hộ hơn cho khu vực tư nhân.

“Chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận về doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói. “Cần ngừng việc trao ưu đãi cho các DNNN và tạo các chính sách bình đẳng hơn cho tất cả các khu vực trong nền kinh tế”.

Năm ngoái, đóng góp của các DNNN vào GDP đã giảm từ mức 56% của thời kỳ trước năm 1986 xuống còn chưa đến 1/3, trong khi khu vực tư nhân đóng góp 43%. Các DNNN chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động trong năm 2014, trong khi tỷ lệ của khu vực tư nhân lên tới 86%.

Áp lực cải cách ngày càng tăng lên sau khi Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) – hiện đã được đổi tên thành Tổng công ty công nghiệp tàu thủy – không thể hoàn trả khoản nợ nước ngoài trị giá 600 triệu USD và trên bờ vực phá sản vào năm 2010, làm dấy lên lo ngại về hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Mặc dù số lượng các DNNN đã giảm hơn một nửa, từ con số 12.000 trong năm 1990 xuống còn 5.600, bộ phận này vẫn chiếm gần một nửa đầu tư công, 60% số tiền các ngân hàng cho vay và hơn một nửa tổng số nợ xấu của cả nền kinh tế.

“Các DNNN không còn đủ sức cạnh tranh để đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định. “Họ sử dụng quá nhiều nguồn lực nhưng tỷ lệ đóng góp không tương xứng. Vì lợi ích của cả nền kinh tế, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân”.

Nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân đã đạt được những kết quả trái chiều: mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép và hàng điện tử. Thành công ở đâu đó vẫn còn hạn chế, đối lập với các công ty Trung Quốc đã đạt được vị thế toàn cầu như nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi hay “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba. Những doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng lớn lên trong một hệ thống dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Dũng, phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam sự ủng hộ dành cho các công ty tư nhân là “không nhất quán và chưa nhiều”. Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thực trạng nguồn tài chính bị hạn chế vì hầu hết các ngân hàng ưa thích DNNN.

Christian Lewis – chuyên gia phân tích về châu Á tại Eurasia Group – nhận định có vẻ như Việt Nam vẫn chưa có quyết tâm trong việc cải cách DNNN.  Mặc dù số công ty được cổ phần hóa tăng lên, tỷ trọng sở hữu của nhà nước không giảm đáng kể.

Nhà nước vẫn đang sở hữu một phần đối với 6 trong số 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trong chỉ số VnIndex. Năm 2000, khi chỉ số này được thành lập với 5 cổ phiếu, có tới 4 công ty là DNNN.

“Kinh tế nhà nước vẫn được coi là chủ đạo đối với nền kinh tế. Quan điểm đó cần phải được thay đổi vì nó ảnh hưởng đến quá trình hoạch định, thực hiện chính sách và tạo nhiều bất lợi cho khu vực tư nhân”, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) – nói.

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg