Bill Gates: “Tôi bị ám ảnh bởi phân bón”

Ít ai ngờ nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates - lại say mê lĩnh vực phân bón và dành cho nó một sự quan tâm đặc biệt. Các dự án về phân bón được quỹ của ông tài trợ đang chứng tỏ hiệu quả, không chỉ góp phần làm giảm đói nghèo mà còn khắc phục nạn đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng trong nông sản.
Bill Gates uống nước được xử lý từ nước thải - một dự án do quỹ của ông tài trợ. Ảnh: YTB
Bill Gates uống nước được xử lý từ nước thải - một dự án do quỹ của ông tài trợ. Ảnh: YTB
Phân bón được coi trọng như vắcxin
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS, Bill Gates được mời nói về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã bất ngờ chuyển sang một chủ đề mà Gates thấy hấp dẫn: Phân bón.
Theo tỷ phú Mỹ, các quốc gia đang phát triển tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Nhu cầu thực phẩm và giá lương thực liên tục tăng. Gates tin rằng những vấn đề xung quanh các mục tiêu sản xuất lương thực có thể giảm bớt nếu đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu nông nghiệp, bao gồm phân bón - thứ cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng thiết yếu để sinh trưởng và chống lại sâu bệnh.
Tuy nhiên, ngoài côn trùng và bệnh tật, một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây trồng là điều kiện đất bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết thay đổi. Phân bón làm giàu cho đất bằng cách giúp đất chứa nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn.
Trong một bài viết trên Wired năm 2013, Bill Gates tiếp tục thể hiện tình yêu của mình với phân bón. "Tôi bị ám ảnh bởi phân bón. Có nghĩa là tôi rất thích thú với vai trò của nó chứ không phải là cách sử dụng nó. Phân bón đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.Cụ thể, 40% thế giới hưởng lợi từ sản lượng cây trồng tăng lên nhờ phân bón” - Bill Gates nói. 

Bill Gates so sánh sự phát triển sáng tạo của phân bón với việc tạo ra các vắcxin tổng hợp amonia và polio.
Bởi vậy, không mấy khó hiểu khi Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho các nghiên cứu về phân bón, trong đó có dự án chung của Viện Nghiên cứu thủy sản Thụy Sỹ và Chương trình nước của Nam Phi, với mục đích tách nước tiểu từ hệ thống xử lý nước thải thông thường và hệ thống xử lý nước thải trung tâm để biến chúng thành các sản phẩm phân bón thương mại.
Phân bón lá - giải pháp cho an ninh dinh dưỡng
Mới đây, Quỹ Bill & Melinda Gates tiếp tục hỗ trợ chương trình HarvestPlus - dự án nghiên cứu và thử nghiệm sử dụng phân bón để cải thiện nồng độ kẽm của các loại lương thực chủ yếu, đặc biệt là lúa mì và gạo. Người đứng đầu dự án này là Ismail Cakmak - giáo sư sinh học phân tử, di truyền học và kỹ sư sinh học tại Đại học Sabanci ở Istanbul. Trong khi nhiều người dốc sức vào cuộc chiến chống nạn đói, ông Cakmak lại tập trung vào nỗ lực chấm dứt tình trạng thiếu dinh dưỡng của lương thực.
“Đói nghèo là do thiếu lương thực và có liên quan đến an ninh lương thực. Còn nạn đói tiềm ẩn là tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất trong một lượng thực phẩm nhất định. Vì vậy, chúng ta phải phân biệt an ninh lương thực với an ninh dinh dưỡng” - Cakmak cho biết.
Theo ông, cuộc cách mạng xanh đã làm tăng sản lượng lương thực nhưng cũng mang đến nhiều hậu quả. Do chú trọng các gene cho năng suất cao, giá trị dinh dưỡng ở các loại giống cây trồng này bị coi nhẹ. “Điều đó làm giảm lượng dinh dưỡng trong các loại ngũ cốc chủ yếu, chẳng hạn như lúa mỳ và ngô” - ông Cakmak nói.
Ở các nước giàu, nơi tiêu thụ lượng protein động vật khổng lồ, sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng không phải là vấn đề; nhưng ở các nước đang phát triển, nơi mà người dân ăn ít protein động vật, chế độ ăn không thể bù đắp sự thiếu hụt vi chất trong lúa mì, ngô và gạo.
“Khoảng 40% đất nông nghiệp trên thế giới thiếu một số vi chất nhất định, trong đó tình trạng thiếu kẽm và sắt rất phổ biến. Gần 50% diện tích đất trồng ngũ cốc thiếu kẽm. Khi trồng cây trên đất này, hạt giống tăng trưởng kém và cây ít có khả năng lấy kẽm. 5% sản lượng lương thực ở một số nước mất đi chỉ vì thiếu chất dinh dưỡng cho cây”- ông Cakmak nói.
Chương trình HarvestPlus - được tiến hành từ năm 2008 nhằm giải quyết thực trạng này - đang ở giai đoạn 3. Trái với giải pháp thông thường là bón phân dưới đất, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm bón phân trên lá để tăng lượng kẽm và iốt ở lúa mì, gạo và ngô tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Nam Phi và Brazil.
“Chúng tôi không bón kẽm vào đất mà vào lá. Giải pháp này có thể giúp nồng độ kẽm tăng từ 85-100%. Việc phun kẽm để bón lá sau khi cây ra hoa thực sự hiệu quả. Nên nhớ kẽm là vi chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể người, giúp xử lý 3.000 loại protein khác nhau” - nhóm nghiên cứu HarvestPlus cho biết.
Ông Cakmak cũng nhấn mạnh, dù giải quyết vấn đề thiếu hụt vi chất dinh dưỡng là nhiệm vụ chung của ngành y học và nông nghiệp, nhưng rõ ràng giải pháp căn cơ phải đến từ ngành nông nghiệp.