Biển Đông và “trận thế” hải quân của Mỹ chống Trung Quốc

Đánh giá sức mạnh hải quân Đông Nam Á, Australia, New Zealand, Ấn Độ - những đối tượng Mỹ đang lôi kéo để lập phòng tuyến trên biển chống Trung Quốc.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ

Hải quân Việt Nam
Dường như mới đây Việt Nam còn là địch thủ số 1 của Mỹ ở Đông Nam Á. Hiện nay, Washington đang làm tất cả để lôi kéo Hà Nội trở thành đồng minh, chủ yếu là trong lĩnh vực quân sự. Mới đây, Mỹ đã đề nghị tăng cường không quân hải quân của Việt Nam bằng các máy bay tuần biển P-3 Orion. Nhưng chẳng cần sự mách nước của Mỹ, Việt Nam vẫn đang củng cố hải quân của mình.

Hai chiến hạm uy lực nhất HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ của Hải quân Việt Nam hiện nay
Hai chiến hạm uy lực nhất HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ của Hải quân Việt Nam hiện nay

Việt Nam đang có những biện pháp tích cực nhằm hiện đại hóa hải quân. Trong mấy năm gần đây, Hải quân Việt Nam đã được tăng cường 2 frigate lớp Gepard-3.9 và một số tàu tên lửa lớp Projekt 12418 Molnya. Các tàu này có sức tấn công khá mạnh, được trang bị các hệ thống tên lửa chống hạm Uran-E (Gepard-3.9 mang mỗi tàu 8 quả Kh-35E, mỗi tàu Molnya mang được 16 quả).

Các tên lửa này tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 130 km. Kh-35E có thể được thay bằng biến thể tối tân nhất là Kh-35UE Super Uran với tầm bắn lên đến 260 km và hệ dẫn kết hợp, gồm hệ dẫn quán tính, khối dẫn đường vệ tinh và đầu tự dẫn radar chủ động/thụ động, bảo đảm độ chính xác cao và khả năng chống nhiễu trog điều kiện có đối kháng điện tử.

Tư lệnh quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear đang trao đổi ở Hà Nội với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân
Tư lệnh quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear đang trao đổi ở Hà Nội với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân

Cả các tàu hộ vệ lẫn tàu tên lửa đều làm hài lòng các thủy thủ Việt Nam. Hiện nay, tại Nhà máy mang tên A.M. Gorky ở Zelenodolsk, Nga đang đóng cặp thứ hai frigate lớp Gepard-3.9, còn tại Việt Nam đang triển khai lắp ráp hàng loạt theo giấy phép các tàu tên lửa lớp Projekt 12418.

Sắp tới, các xưởng đóng tàu của hãng Damen Shipyards Group ở Vlissingen (Hà Lan) sẽ khởi đóng cho Hải quân Việt Nam corvette lớp SIGMA 9814. Tàu hộ vệ này có chiều dài 98 m, chiều rộng 14 m, được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3, hệ thống lửa phòng không tầm ngắn MICA VL, 1 ụ pháo vạn năng 76 mm Oto Melara Super Rapid, 2 ụ pháo 30 mm Oto Melara MARLIN-WS và 1 trực thăng chống ngầm Kа-28. Tàu thứ hai lớp này sẽ được đóng tại Việt Nam.

Các frigate lớp Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam
Các frigate lớp Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam

Trong biên chế Hải quân Việt Nam hiện có các tàu tuần tra lớp Projekt 10412 Svetlyak. Tàu được trang bị các ụ pháo tự động 76 và 30 mm dùng để tiêu diệt mục tiêu trên biển, trên không và trên bờ. Nghĩa là đây là các tàu pháo không lớn, nhưng hiệu quả, có khả năng vừa tuần tra vùng ước ven bờ, vừa phản kích các cuộc tấn công của đối phương. Việt Nam hiện đang đóng hàng loạt các tàu tuần tra lớp TT 400 TP có hình dáng và kết cấu tương tự tàu Svetlyak của Nga. TT 400 TP cũng có thành phần vũ khí tương tự như ở các tàu Projekt 10412.

Tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi (Nga) đang đóng các tàu ngầm lớp Projekt 06361 cho Hải quân Việt Nam
Tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi (Nga) đang đóng các tàu ngầm lớp Projekt 06361 cho Hải quân Việt Nam

Tháng 1/2014, tại căn cứ hải quân Cam Ranh đã thượng cờ trên tàu ngầm điện-diesel Hà Nội, tàu đầu tiên thuộc lớp Projekt 06361, còn trong tháng 3/2014, tàu thứ hai mang tên Thành phố Hồ Chí Minh được đưa đến Cam Ranh. Sáu tàu ngầm điện-diesel lớp này do hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi (Nga) đóng sẽ mang lại một chất lượng hoàn toàn mới cho hải quân ВМС Việt Nam.

Các tàu ngầm độ ồn nhỏ này mang theo những vũ khí đáng sợ: các ngư lôi, thủy lôi và các tên lửa hành trình của hệ thống Club-S dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt nước và mặt đất ở tầm đến 300 km.

Hai tàu ngầm Kilo đầu tiên HQ-183 và HQ-182 trên bến cảng
Hai tàu ngầm Kilo đầu tiên HQ-183 và HQ-182 trên bến cảng

Hải quân Việt Nam cũng chăm lo cho lĩnh vực phòng thủ bờ biển. Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động K-300P Bastion với các tên lửa K-310 Yakhonr dùng để tiêu diệt tàu mặt nước thuộc tất cả các lớp và chủng loại, cũng như các mục tiêu mặt đất có tương phản radar trong điều kiện có đối kháng hỏa lực và điện tử mạnh. Tên lửa có tầm bắn đến 300 km. Tức là các tên lửa Yakhont có thể tiêu diệt các mục tiêu và công trình của căn cứ hải quân Tam Á thuộc hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam, ở Biển Đông.

Hạm đội Việt Nam không lớn, nhưng hiển nhiên là rất cân đối. Trong tương lai gần, nó sẽ có khả năng răn đe mọi mưu toan gây tổn hại các lợi ích của Việt nam ở Biển Đông.

Hệ thống tên lửa bờ biển K-300P Bastion của Hải quân Việt Nam
Hệ thống tên lửa bờ biển K-300P Bastion của Hải quân Việt Nam

Hải quân Philippines

Một pháo đài cũ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là Philippines. Quốc gia cực bắc Đông Nam Á này sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898 đã trở thành thuộc địa của Mỹ và đến năm 1946 mới giành được độc lập, nhưng trên thực tế trong một thời gian dài vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Washing ton.

Philippines là mắt xích yếu nhất trong phòng tuyến chống Trung Quốc mà Mỹ đang dàn dựng. Trong biên chế của Hải quân Philippines đại bộ phận là đồ rác thải của Mỹ đã hết hạn sử dụng từ lâu. Ví dụ, frigate Datu Sikatuna lớp Cannon và 6 corvette lớp PCE 827 được đóng từ thời Thế chiến II. Các tàu mới nhất là 2 frigate lớp Hamilton vốn là tàu tuần duyên Mỹ, được đưa vào sử dụng vào nửa cuối thập niên 1960.

Rõ ràng là Philippines không đủ nguồn lực để củng cố hạm đội. Nhưng tháng 9/2013, họ đã mở thầu mua các frigate hiện đại mới. Đã có 11 công ty đóng tàu nước ngoài tuyên bố sẵn sàng tham dự cuộc đấu thầu này. Tuy nhiên, cơn bão Hải Yến (Haiyan), mà Philippines gọi là bão Yolanda đổ vào nước này vào tháng 11/2013 đã gây tổn thất kinh tế nặng nề cho Philippines, nên họ đã buộc phải đình hoãn cuộc đấu thầu.

Mỹ lại ra tay giúp đỡ khi hứa cấp tín dụng 40 triệu USD để dùng để trả một phần cho 2 tàu lớp Hamilton nữa nếu Manila quyết định mua chúng. Nhưng rõ ràng là các tàu này sẽ chẳng ảnh hưởng gì lớn đến khả năng chiến đấu của Hải quân Philippines.

Hải quân Malaysia

Hải quân Hoàng gia Malaysia cũng cân đối không kém, có nhiệm vụ bảo vệ các đường tiếp cận các eo biển có tầm quan trọng chiến lược nối Biển Đông với Ấn Độ Dương. Hai frigate lớp Lekiu và 6 corvette lớp Kasturi và Laksamana là các tàu chiến có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tiến công và phòng thủ. Sáu tàu tuần tra lớp Kedah mỗi tàu trang bị 1 pháo tự động 76 và 1 pháo tự động 30 mm, 2 súng máy và 1 trực thăng.

Nhưng chúng có thể lắp thêm nhanh chóng các tên lửa chống hạm Exocet và hệ thống tên lửa phòng không tầm gần RAM. Bằng cách đó, chúng biến thành các corvette thực sự. Nhân đây, cũng phải nói rằng, đây có lẽ là ví dụ duy nhất trong thực tiễn thế giới khi mà ngay trong thiết kế của tàu tuần tra ngoài khơi OPV đã trù tính sẵn phương án cải hoán thành tàu chiến.

Tàu tuần tra KD Terengganu lớp Kedah của Hải quân Hoàng gia Malaysia
Tàu tuần tra KD Terengganu lớp Kedah của Hải quân Hoàng gia Malaysia

Hiện nay, tại xưởng đóng tàu Bousted Holdings Berhad ở Malaysia đang tiến hành đóng 6 corvette lớp Gowind. Tàu có chiều dài 111 m, lượng giãn nước gần 3.000 tấn, tức là thực tế gần như là tàu frigate (khinh hạm), tốc độ tối đa 28 hải lý/h, cự ly hành trình ở tốc độ 15 hải lý/h là 5.000 hải lý.

Các tàu lớp Gowind sẽ bắt đầu đưa vào biên chế Hải quân Malaysia vào năm 2018 và sẽ được trang bị 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block III (các tên lửa này còn có khả năng tiến công các mục tiêu bờ), các tên lửa phòng không VL-MICA trong 16 bệ phóng thẳng đứng, 1 ụ pháo tự động 57 mm và 2 ụ pháo tự động 30 mm, 2 cụm x 3 ống phóng lôi chống ngầm 324 mm và 1 trực thăng Super Lynx 300.

Tàu ngầm KD Tun Abdul Razak - một trong 2 tàu ngầm lớp Scorpène của Malaysia
Tàu ngầm KD Tun Abdul Razak - một trong 2 tàu ngầm lớp Scorpène của Malaysia

Hải quân Malaysia còn có các tàu tên lửa nhỏ: 4 tàu lớp Perdana và 4 tàu lớp Handalan. Chúng được đóng trong những năm 1970 ở Pháp và Thụy Điển. Hiện nay, các tàu lạc hậu này không đáp ứng các yêu cầu hiện nay.

Nhưng hai tàu ngầm điện-diesel lớp Scorpène của họ là rất hiện đại. Chúng được trang bị ngư lôi và tên lửa chống hạm. Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Malaysia có điểm yếu cơ bản là số lượng tàu ngầm ít. Hai tàu ngầm dù là hiện đại cũng không đủ làm thay đổi thời tiết. Có lẽ, chúng chủ yếu được dùng để huấn luyện các thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm tương lai.

Hải quân Singapore

Ở ý nghĩa này, hải quân của một quốc gia nhỏ - Singapore - tiến bộ hơn. Ban đầu, họ mua từ Thụy Điển 4 tàu ngầm điện-diesel lớp А-11В vốn đang làm nhiệm vụ “học cụ” huấn luyện lính tàu ngầm Singapore. Sau đó, họ mua 2 tàu ngầm lớp A-17 ở Thụy Điển. Tại xưởng đóng tàu Kokums đã tiến hành hiện đại hóa sâu cho 2 tàu ngầm này.

Trên các tàu này, không chỉ có các kết cấu đã mòn hỏng bị thay thế, mà còn đổi mới trang bị điện tử, và quan trọng nhất là các tàu được lắp động cơ phụ trợ không cần không khí (AIP) Stirling, cho phép tàu lặn dưới nước hơn hai tuần mà không cần nổi lên mặt nước. Đó là các tàu ngầm có tính năng cao.

Frigate Steadfast của Singapore đóng theo công nghệ tàng hình
Frigate Steadfast của Singapore đóng theo công nghệ tàng hình

Tháng 12/2013, Singapore đã ký hợp đồng với tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems mua 2 tàu ngầm lớp 218SG. Hiện người ta có ít thông tin về các tàu này, ngoại trừ việc chúng cũng sẽ được trang bị động cơ AIP và thiết bị điện tử của các công ty ST Electronics và Atlas Elektronik. Thương vụ này ước trị giá 2,8 tỷ euro. Hoàn toàn có khả năng Singapore sẽ tiếp tục đóng các tàu ngầm này tại các xưởng đóng tàu của mình. Chúng sẽ thay thế cho 4 tàu ngầm lớp Challenger (А-11В).

Hải quân Singapore còn có các tàu chiến mặt nước đáng gờm. Trước hết, đó là 6 frigate lớp Formidable và 6 tàu corvette tên lửa lớp Victory. Các tàu lớp Victory mới đây đã được hiện đại hóa. Hệ thống chỉ huy chiến đấu của chúng được đổi mới, được tích hợp với các sensor của các máy bay không người lái ScanEagle.

Tuy nhiên, các tàu 550 tấn này đã phải từ bỏ vũ khí chống ngầm. Chức năng nhiệm vụ chống ngầm hiện do 11 tàu 500 tấn lớp Fearless tự đóng đảm nhiệm. Hiện Singapore đang đóng 8 tàu hiện đại hơn có lượng giãn nước 1.200 tấn để thay cho chúng.

Singapore đang đóng các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng không chỉ cho hải quân của mình mà cả các nước khác trong khu vực. Đây là các tàu khá nhỏ gọn với lượng giãn nước đầy đủ khoảng 8.500 tấn, chở được hơn 350 lính thủy đánh bộ, 18 xe tăng, 20 xe bánh lốp và có cự ly hành trình đến 10.400 hải lý ở tốc độ 12 hải lý/h.

Hải quân Indonesia

Indonesia, đất nước vạn đảo (với 17.508 hòn đảo, trong đó có gần 6.000 đảo có người ở) có dân số 245,6 triệu người (đứng thứ tư thế giới), đường bờ biển dài 54.716 km (thứ hai thế giới), đơn giản là phải trở thành một đại cường quốc biển. Biên chế số lượng của Hải quân Indonesia khá ấn tượng, nhưng chất lượng thì không ổn, giống như cái chăn đầy chắp vá.

Hạm đội gồm các tàu do Hà Lan, Đức, Nam Tư, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô đóng và tự đóng. Tất cả các tàu cơ bản là tàu đồ cũ, tức là đã khá cũ kỹ. Cơ cấu tàu thập cẩm như vậy gây khó khăn cho công tác bảo dưỡng vật chất-kỹ thuật cho hạm đội và không giúp duy trì khả năng chiến đấu cao cho Hải quân Indonesia.

Hiện nay, Jakarta đang có những nỗ lực tích cực để cải thiện tình hình bằng cách đóng mới các tàu tại các xưởng đóng tàu nội địa. Các tàu tên lửa các lớp KCR-40 và KCR-60 đã được tăng cường hoặc đang đóng cho hạm đội. Với sự hỗ trợ của Hàn Quốc, họ đã làm chủ công nghệ sản xuất tàu đổ bộ.

Một trong 2 frigate lớp SIGMA 10514 dự đoán được đóng ở Indonesia. Xét về tính năng, các tàu này sẽ gần với các corvette SIGMA 9814 của Việt Nam. Có thể cả 3 tàu ngầm điện-diesel lớp Type 209/1400 sẽ được đóng ở Indonesia bằng linh kiện do Hàn Quốc cung cấp.

Frigate tiên tiến lớp SIGMA 9814 của Hải quân Indonesia
Frigate tiên tiến lớp SIGMA 9814 của Hải quân Indonesia

Nhưng tất cả những điều đó rõ ràng là chưa đủ. Bởi vậy, Jakarta tiếp tục mua sắm vũ khí trang bị hải quân ở nước ngoài. Mới đây, Indonesia đã mua với giá chỉ bằng 1/5 giá ban đầu (tức là 40 triệu bảng Anh/chiếc) 3 corvette lớp F2000 mà hãng BAE Systems đóng và Hải quân Hoàng gia Brunei đã từ chối tiếp nhận vào năm 2006 vì không đáp ứng các yêu cầu tính năng. Hiện nay, sau khi được giải niêm, chúng đang được chuẩn bị hành quân về Indonesia.

Hải quân Thái Lan

Hải quân Thái Lan cũng khá màu sắc. Nền tảng của hạm đội nước này là tàu sân bay hạng nhẹ Chakri Naruebet do Tây Ban Nha đóng, 2 frigate cũ kỹ lớp Knox, 4 frigate các lớp 025T và 053HT đóng tại Trung Quốc, 4 corvette do Mỹ chuyển giao vào đầu những năm 1970 và giữa những năm 1980, cũng như 3 tàu corvette tự đóng.

Trong biên chế hải quân Thái Lan có 9 tàu tên lửa. Mới đây, họ đã quyết định mua tàu ngầm, nhưng chưa hề xác định được nhà cung cấp, lẫn số lượng tàu mua sắm. Trong khi đó, sẽ có 2 tàu hộ vệ mới lớp DW 3000F sẽ được đóng ở Hàn Quốc.

Frigate Naresuan của Hải quân Hoàng gia Thái Lan được đóng ở Trung Quốc
Frigate Naresuan của Hải quân Hoàng gia Thái Lan được đóng ở Trung Quốc

Giống như trên toàn thế giới, hải quân các nước Đông Nam Á cũng không bỏ qua mốt ưa chuộng tàu tuần tra ngoài khơi (OPV). Nhưng ngoài các OPV lớp Kedah của Malaysia, tất cả các tàu này không thể liệt vào loại tàu chiến. Đánh nhau đối với các tàu này cũng giống như mang vỉ ruồi đi săn voi.

Dĩ nhiên là các nước Đông Nam Á lo ngại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc. Nhưng điều đó còn chưa có nghĩa là các nước khu vực sẽ sẵn sàng chết để bảo vệ các lợi ích của Washington. Đặc biệt là khi nhiều nước trong số đó có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh. Vì thế, họ xây dựng quân đội không phải là để đối kháng Trung Quốc mà là để cho khả năng đối kháng lẫn nhau bởi lẽ giữa họ vẫn tồn tại những tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết được vì những hòn đảo hoang vắng mà bên dưới chúng có “vàng đen” và khí đốt. Bởi vậy, Mỹ sẽ khó có thể xây dựng được chiến lũy chống Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Trên biên giới xa: Australia, New Zealand và Ấn Độ

Mỹ muốn mở rộng sự hậu thuẫn cho ảnh hưởng của họ đển cả những vùng biển ở xa Trung Quốc, trước hết là Ấn Độ Dương và vùng biển Nam Cực. Vì thế ta hay ghé xuống phía nam để đến với Australia và New Zealand. Hai quốc gia này nằm trong khối chính trị-quân sự ANZUS mà 3 năm trước đã kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Trong những thập niên gần đây, hoạt động của liên minh này đã trở nên trầm lắng, nhất là về mặt quân sự. Nay Washington đang nỗ lực phục hồi nó.

Hải quân New Zealand

Tháng 2/2014, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã đến thăm Wellington. Ông đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, ông Jonathan Coleman các vấn đề hợp tác quân sự vốn đã bị ngừng trệ trong gần 30 năm sau khi New Zealand tuyên bố lãnh thổ của họ và vùng biển lân cận là khu vực phi hạt nhân vào năm 1984. Đáp lại, Mỹ đã cấm các tàu của New Zealand ghé vào các căn cứ hải quân Mỹ. Lệnh cấm này chỉ bị gỡ bỏ vào năm 2012.

Việc sử dụng các cảng của New Zealand là đặc biệt quan trọng đối với Mỹ. Bởi lẽ, thời Thế chiến II, các cảng này đã là căn cứ hậu cần tiền tiêu cho hạm đội Mỹ. Ngày nay, khi Trung Quốc đang mở rộng “chu vi” phòng ngự của họ, Mỹ lại cần các căn cứ này.

Bản thân hạm đội New Zealand lại cực yếu với chỉ 2 tàu chiến là các frigate lớp Anzac nhận vào biên chế vào năm 1997 và 1999. Các tàu còn khá mới này có khả năng làm các nhiệm vụ chống ngầm và chức năng hộ tống. Do quân số quá ít, các tàu này chẳng thể củng cố được “phòng tuyến” nào cả. Hải quân đảo quốc này còn có các tàu tuần tra ngoài khơi (2 chiếc) và các xuồng tuần tra (4 chiếc) được lắp các ụ pháo cỡ nòng nhỏ và súng mày. Nói cách khác, giá trị chiến đấu của chúng là bằng không.

Hải quân Australia

Tháng 11/2011, khi đến thăm Canberra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Australia. Một hiệp định liên quan đã được ký kết. Hại bên không hề che giấu việc hiệp định này có mục đích chống Trung Quốc. Mỹ đã được quyền triển khai tại cảng Darwin 2.500 lính thủy đánh bộ. Hiệp định cũng trù tính việc tăng số lượng máy bay chiến đấu Mỹ triển khai tại các sân bay ở miền bắc Australia.

Tàu ngầm điện-diesel Rankin lớp Collins của Australia ở độ sâu kính tiềm vọng
Tàu ngầm điện-diesel Rankin lớp Collins của Australia ở độ sâu kính tiềm vọng

Cần phải nói rằng, khác với New Zealand, Australia luôn luôn tham gia ít nhiều vào các hoạt động chiến tranh của Mỹ ở châu Á. Tại đây đã diễn ra các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Đông Dương, cả hai cuộc xâm lược chống Iraq, cũng như chiến dịch chống Taliban sắp chấm dứt chẳng có gì vẻ vang ở Afghanistan.

Xem ra, đối diện với mối đe dọa Trung Quốc, Canberra đã đưa ra một số cam kết hiện đại hóa hải quân của mình. Hiện trạng của Hải quân Hoàng gia Australia dĩ nhiên là mạnh hơn nhiều New Zealand, nhưng còn lâu mới hoàn thiện. Hạt nhân của hạm đội là 6 tàu ngầm điện-diesel không thành công lắm lớp Collins, hơn một nửa trong số đó ở trạng thái sửa chữa bất tận, 8 frigate lớp Anzac và 4 frigate lớp Oliver Hazard Perry, vốn đã cần thay thế vì tuổi cao.

Các kế hoạch hiện đại hóa Hải quân Australia xác định thực hiện nhiều chương trình. Ví dụ, theo “Dự án JP 2048” ở các giai đoạn 4A và 4B, người ta dự tính đóng 2 tàu đổ bộ vạn năng lớp Canberra có lượng giãn nước đầy đủ 27.500 tấn theo thiết kế lớp tàu đổ bộ vạn năng Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Các tàu này có thể đảm nhiệm không chỉ chức năng tàu sân bay trực thăng mà cả tàu sân bay hạng nhẹ nếu Australia sẽ mua các t

Thân các tàu này được đóng tại xưởng đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha. Việc lắp ráp hoàn thiện chúng đang được thực hiện tại nhà máy của hãng BAE Systems Australia tại bang Victoria. Tàu đầu tiên là HMAS Canberra đang chạy thử trên biển, tàu thứ hai là HMAS Adelaide đang được hoàn thiện.

Tàu sân bay trực thăng Canberra chạy thử
Tàu sân bay trực thăng Canberra chạy thử

“Dự án SEA 4000” xác định đóng 3 tàu khu trục phòng không lớp Hobart có lượng giãn nước đầy đủ 6.250 tấn và trang bị hệ thống Aegis. Chúng đang được lắp ráp tại xưởng đóng tàu của công ty ASC với sự tham gia cũng của hãng Navantia (Tây Ban Nha) vì các tàu chiến này của Australia là biến thể cải tiến của frigate lớp F-100 của Hải quân Tây Ban Nha.

Mỗi tàu lớp Hobart sẽ được lắp 1 bệ phóng Mk 41 với 48 ngăn phóng thẳng đứng tên lửa phòng không có điều khiển SM-2IIIA và SM-6 hay 64 tên lửa phòng không có điều khiển ESSM, 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm Harpoon, 1 ụ pháo 127 mm, 2 pháo tự động 25 mm và 2 pháo tự động 20 mm, 2 cụm x 3 ống phóng lôi chống ngầm 324 mm và 1 trực thăng. Dự kiến, tàu Hobart đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2016.

Trong tương lai xa hơn, dự định đóng 8 frigate có lượng giãn nước mỗi tàu 7.000 tấn để thay thế các tàu lớp Anzac. Chúng sẽ được trang bị tên lửa hành trình có khả năng tấn công cả mục tiêu trên biển, lẫn trên bộ.

Tàu khu trục tương lai lớp Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia
Tàu khu trục tương lai lớp Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia

Các dự án khác của Hải quân Hoàng gia Australia trù tính hiện đại hóa các bộ phận riêng lẻ của các tàu ngầm lớp Collins, các frigate lớp Anzac và các tàu chiến đấu và bảo trợ khác nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của chúng. Nhưng có lẽ tham vọng nhất là “Dự án SEA 1000” đóng 12 tàu ngầm thông thường trị giá 36 tỷ AUD (33,89 USD). Các tàu ngầm này sẽ được chuyển giao cho Hải quân Australia từ năm 2025 để thay thế các tàu ngầm lớp Collins.

Australia cũng chú trọng phát triển không quân hải quân. Ngày 21/2/2014, chính phủ Australia đã công bố ý định mua 8 máy bay tuần biển tối tân P-8A Poseidon của Mỹ. Chúng sẽ tăng cường khả năng kiểm soát tình hình trên các vùng biển bao quanh Australia.

Tất cả các dự án này có thời gian thực hiện kéo dài và đến lúc chúng được thực hiện, hải quân Trung Quốc sẽ tiến lên trình độ mới về số và chất lượng. Và lúc đó, các nỗ lực của Canberra liên minh với Washington nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc sẽ có vẻ là ngây thơ.

Hải quân Ấn Độ

Cuối cùng, cần nói đến Ấn Độ. Hải quân nước này đang phát triển nhanh và cần có một câu chuyện riêng. Nên ở đây chỉ dừng ở những nhận xét chung.

Washington cực kỳ quan tâm đến không chỉ quan hệ thân thiện mà là quan hệ đồng minh với Delhi. Mỹ sẵn sàng chuyển giao cho nước này bất kỳ vũ khí nào, ngoại trừ tên lửa hạt nhân. Nhưng xét đến quan hệ chẳng mấy êm ái với Mỹ, cũng như yếu tố vũ khí Mỹ rất đắt, Delhi tỏ ra thận trọng khi chỉ mua của Mỹ những thứ cực kỳ cần thiết cho quân đội của họ. Ví dụ, họ đã mua 8 máy bay tuần biển P-8I Poseidon trị giá 2,1 tỷ USD, sau đó mua thêm 4 chiếc trị giá 1 tỷ USD. Theo các nguồn tin Ấn Độ, không quân hải quân Ấn Độ sẽ được bổ sung tổng cộng 24 máy bay này.



Quan hệ Mỹ-Ấn đột nhiên mất đi tính mạnh mẽ ngày 12/12/2013 sau khi Mỹ đưa ra cáo buộc vô căn cứ về hành xử “bạo lực” với cô giúp việc đối với Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York, bà Deviyani Khobragade. Cảnh sát Mỹ đã vi phạm Công ước Viên khi tống nhà nữ ngoại giao Ấn Độ vào nhà giam cùng với các tội phạm và những kẻ nghiện hút. Đáp lại, làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên ở Ấn Độ. Tại Quốc hội Ấn Độ vang lên các yêu cầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington. Hai bộ ngoại giao đã dập được vụ bê bối này, nhưng dư âm của nó vẫn còn.

Hiện nay, Delhi đang đặt trọng tâm vào phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa và đa dạng hòa nguồn nhập khẩu vũ khí. Và ở đây, họ có những thành công. Với sự giúp đỡ của Nga, họ đã chế tạo được và đưa vào trang bị tên lửa BrahMos dùng để tiêu diệt mục tiêu trên biển và trên bộ. Họ cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa đường đạn K-15  phóng từ tàu ngầm. Chúng sẽ được trang bị cho tàu ngầm nguyên tử nội địa lớp Arihant. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác.

Tuy nhiên, nhịp độ đóng tàu chiến của Ấn Độ thua xa Trung Quốc. Việc bàn giao các tàu chiến bị kéo dài nhiều năm. Việc thử nghiệm tàu khu trục Kolkata, tàu đầu tiên của lớp Project 15А diễn ra không thuận lợi. Việc bàn giao tàu ngầm Arihant và các corvette lớp Kamorta bị chậm trễ. Thời hạn bàn giao cho hạm đội tàu sân bay Vikrant bị lùi 2-3 năm. Chương trình đóng các tàu ngầm thông thường lớp Scorpène bị trễ gần 3 năm.

Nhưng Hải quân Ấn Độ đang chậm mà chắc chắn trở thành thế lực thống trị ở Ấn Độ Dương.

Theo VND