Biển Đông: Anh sẽ triển khai 2 tàu sân bay vào năm 2020

VietTimes -- Trong tương lai, Anh muốn phát huy vai trò "cần thiết" ở châu Á - Thái Bình Dương, sau năm 2020 sẽ triển khai 2 tàu sân bay lớp Queen Elizabeth chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B ở Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth Hải quân hoàng gia Ạnh. Ảnh: Portsmouth News.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth Hải quân hoàng gia Ạnh. Ảnh: Portsmouth News.

Tờ Thời báo Đài Loan ngày 10/1 cho hay tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson lớp Nimitz của Hải quân Mỹ đang chạy đến Biển Đông, có thể “chạm chán” với tàu sân bay động cơ thông thường Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc đang huấn luyện ở Biển Đông.

Ngoài ra, gần đây, Anh cũng có kế hoạch quay trở lại châu Á, dự kiến đến năm 2020 sẽ triển khai 2 tàu sân bay ở Biển Đông. Trong khi đó truyền thông Mỹ vừa có bài viết nói về động cơ của tuyên bố từ London.

Cuối năm 2016, Đại sứ Mỹ tại Anh Kim Darroch cho biết, cùng với việc Anh hạ thủy 2 tàu sân bay, trong tương lai tàu sân bay chắc chắn sẽ xuất hiện ở các vùng biển Thái Bình Dương, khi đó Anh sẽ "tìm cách đóng vai trò tích cực" ở khu vực này.

Ông Kim Darroch còn cho rằng mặc dù trọng tâm quốc phòng của Anh là ở Trung Đông, nhưng Anh sẽ phát huy vai trò cần thiết ở khu vực Thái Bình Dương.

Tờ National Interest Mỹ ngày 7/1 cho rằng sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Anh muốn quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương, tiến vào khu vực Đông Á.

Máy bay chiến đấu F-35B đầu tiên của Anh, do Mỹ sản xuất (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-35B đầu tiên của Anh, do Mỹ sản xuất (ảnh tư liệu)

Sau năm 2020, Anh sẽ triển khai 2 tàu sân bay mới lớp Queen Elizabeth ở châu Á, 2 tàu sân bay này mỗi chiếc sẽ có thể chở 50 máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng F-35B, máy bay săn ngầm, máy bay trực thăng và các máy bay chiến đấu khác.

Việc Anh triển khai 2 tàu sân bay ở Đông Á là một thông tin rất "lạ". Bởi vì, nước Anh ở mãi tận châu Âu xa xôi, hầu như không có nhu cầu để đối đầu với bất cứ thế lực nào ở châu Á. Hơn nữa, thực lực và ưu thế địa lý của Anh cũng không thể so sánh được với nước lớn nhất châu lục khi "đối đầu" ở Đông Á nhưng, theo các nhà phân tích, có lý do giải thích cho điều này bởi Anh là đồng minh của Mỹ.

Trong tương lai, tình hình quốc tế biến đổi thế nào, môi trường hòa bình ở khu vực Đông Á có được bảo vệ hay xảy ra bất ổn và dẫn tới sự can dự của các cường quốc... thì hiện chưa thể dự đoán.

Theo đài truyền hình TVBS Đài Loan, ngoài tàu sân bay USS Ronald Reagan vốn triển khai ở Nhật Bản, Mỹ cũng điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Nhật Bản có thể điều các tàu sân bay trực thăng Hyuga và Izumo nam tiến. Nga gần đây cũng tiến hành tập trận ở Biển Đông. Tàu chiến Ấn Độ tích cực hưởng ứng chính sách "hướng Đông". Do đó, trong tương lai, Biển Đông có thể trở thành điểm nóng cấp độ thế giới.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Yết Trọng từ Quỹ nghiên cứu chính sách Đài Loan cho rằng tình hình Biển Đông trở nên rất nóng và tương đối phức tạp, nhưng khả năng nổ ra chiến tranh không cao. Bởi vì, nếu nổ ra chiến tranh ở đây thì bất cứ nước nào tham gia cũng bị tổn thất.