“Bí thư Đinh La Thăng đang chứng minh tư duy mới của Chính phủ”

Theo Trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh, bài viết mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về TPP có một ý rất quan trọng lần đầu tiên được khẳng định, là từ đây cũng phải đặt Chính phủ vào môi trường cạnh tranh về chất lượng thể chế và chất lượng điều hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Chính phủ đang thay đổi mạnh mẽ tư duy điều hành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Chính phủ đang thay đổi mạnh mẽ tư duy điều hành.

“Nên việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đang làm đã chứng minh tư duy mới của Chính phủ, là tăng cường tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp (DN)”, ông Trần Quốc Khánh, người cũng đang giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ tại hội thảo “Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho DN tại Việt Nam?” vừa diễn ra tại TPHCM.

“Tôi không biết trả lời thế nào”

Ông Khánh khẳng định hội nhập cũng như tham gia TPP không phải việc riêng của Chính phủ mà là sự nghiệp của chính các DN. Cơ hội không tự thân đến, mà tùy thuộc vào nỗ lực nắm bắt của từng DN.

“Nhiều DN hỏi tôi, làm thế nào để nắm bắt cơ hội trong TPP, tôi trả lời tôi không biết. Bởi họ phải cho tôi thấy họ hoạt động thế nào, họ mạnh ra sao, họ đang làm gì thì tôi mới có thể giúp họ tìm cơ hội”, ông Khánh nói. Với TPP, thách thức với DN là sức ép cạnh tranh, thay đổi tâm thế của chính mình, dám chấp nhận cạnh tranh và và chủ động đổi mới sáng tạo. Các DN nhà nước cũng sẽ phải tự thân vận động theo đúng cơ chế  thị trường, chừng nào họ chấp nhận cạnh tranh họ mới có thể tồn tại.

Ông Trần Quốc Khánh chia sẻ, khác với các lần trước, ở lần đàm phán TPP, các DN đã đi theo song hành với đoàn đàm phán và tham gia góp ý rất sâu. Sự chủ động của họ là khác hẳn và lớn hơn các lần trước và khi đàm phán kết thúc rất nhiều người trong số họ đã sơ bộ nhận định vấn đề và lên kế hoạch cho mình.

Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam vẫn hỏi Nhà nước đã làm gì để hỗ trợ DN, trong khi ông chưa thấy DN trong AmCham (Phòng Thương mại Mỹ), EuroCham (Phòng Thương mại Châu Âu), AusCham (Phòng Thương mại Australia) hỏi câu này với Chính phủ của họ.

“Đây là điểm khác biệt. Tôi khuyên DN nên chủ động nắm cơ hội, bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động. Rất nhiều DN nói với tôi họ rất yếu. Hơn 90% là DN nhỏ và vừa làm sao cạnh tranh với người khổng lồ?. Nhưng tôi xin nói rõ, người khổng lồ có việc riêng của họ, người tí hon sẽ có việc của người tí hon. Không ai có thể ăn hết miếng bánh to thị trường. Người khổng lồ cũng rất cần người tí hon để cùng song hành phát triển”, ông Khánh nói.

Chính phủ cũng phải cạnh tranh

Khẳng định vai trò chủ động của DN, ông Trần Quốc Khánh đồng thời nhấn mạnh vai trò của Nhà nước, của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho DN nắm bắt tốt những cơ hội mà TPP mang lại. Theo ông Khánh, Thủ tướng Chính phủ mới đây thông qua bài viết về TPP đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ và Quốc hội sẽ có chương trình hành động cụ thể.

Cụ thể, Nhà nước sẽ coi trọng ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công và ngân sách. Việc thứ hai, Chính phủ sẽ liên tục hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia và có tư duy mới, tức là thực hiện vai trò của nhà nước kiến tạo.

“Điều đó có ý nghĩa rất lớn, thay vì suy nghĩ làm thế nào quản lý thật chặt, tư duy điều hành của Chính phủ chuyển sang hướng làm thế nào để kiến tạo. Thay vì đưa ra quy định đảm bảo an toàn nhất cho nhà quản lý thì đưa ra quy định làm sao để tạo thuận lợi nhiều nhất cho DN. Từ tư duy đó sẽ thay đổi cách làm của Chính phủ”, ông Khánh nhận định.

Cùng với đó, phải bảo đảm công khai minh bạch, hành xử vô tư khách quan không phân biệt DN quốc doanh và ngoài quốc doanh, DN Việt Nam và nước ngoài. Đồng thời, “khi người dân và DN phản hồi lại dứt khoát anh phải trả lời chứ không phải nhận câu hỏi đó là để yên trong ngăn bàn”.

Ông Khánh nhận định, bên cạnh các cơ hội về thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu, cơ hội lớn khác từ TPP là sự đúc rút kinh nghiệm quản lý trên thế giới thông qua các thành tựu tốt nhất, trong rất nhiều lĩnh vực, được tổng kết thành các bộ quy tắc của TPP. Nếu Việt Nam có thể tuân thủ các bộ quy tắc này thì ta sẽ có điều kiện cải thiện vị thế quản trị quốc gia và đặc biệt là môi trường chính sách.

Vẫn theo vị Trưởng đoàn đàm phán, trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về TPP có một ý rất quan trọng lần đầu tiên được Chính phủ khẳng định. Đó là nếu đặt hàng hóa dịch vụ, DN vào môi trường cạnh tranh thì từ đây trở đi cũng phải đặt Chính phủ vào môi trường cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam phải cạnh tranh với chính phủ của các nước trong khu vực về chất lượng thể chế và chất lượng điều hành.

“Nên việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đang làm là chứng minh tư duy mới của Chính phủ, là tăng cường tương tác giữa chính phủ với DN. Chính phủ đang thay đổi tư duy, vậy nếu cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe thì chúng ta hãy lên tiếng”, ông Khánh nhắn nhủ với hàng trăm DN dự hội thảo. Được biết, Bộ Giao thông vận tải dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong những nỗ lực cải cách theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Trần Quốc Khánh cũng lưu ý các DN, cần tỉnh táo nhận thức rằng cơ hội TPP chỉ là dựa trên các giả định, với điều kiện nền kinh tế ổn định, đồng tiền của các quốc gia ổn định, một số nền kinh tế lớn không chậm tốc. Nếu các yếu tố này thay đổi đi thì cơ hội của ta cũng sẽ thay đổi theo.

“Đồng thời, cơ hội tự thân nó không biến thành lợi ích. Cơ hội chỉ đến với ai dậy sớm, nỗ lực. Và cơ hội luôn đi kèm với thách thức”, vị Trưởng đoàn đàm phán nhấn mạnh.

Vì sao họ mời Việt Nam?

Vị thế của Việt Nam đã khác từ trước khi đàm phán TPP và sau khi đàm phán tôi xin khẳng định vị thế của Việt Nam còncao hơn. Việt Nam được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ đầu với tám nước đầu tiên.

Đầu tiên, họ tin vào Việt Nam nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế.

Thứ hai Việt Nam là đất nước có dân số lớn, thời điểm đó có hơn 80 triệu dân hứa hẹn một thị trường có sức mua lớn, đem lại giá trị gia tăng lớn cho các nước khác.

Thứ ba Việt Nam là nước duy nhất hiện nay trên thế giới có quan hệ thương mại tự do với tất cả các thị trường lớn nhất thế giới từ thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Canada, Úc và đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Nga. Việt Nam là nước duy nhất kết nối với tất cả thị trường lớn đó bằng quan hệ thương mại tự do. Nếu như có một người nào đó đầu tư vào Việt Nam người đó sẽ có cơ hội kết nối với tất cả các thị trường đó.

Điều đó giải thích sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đặt Việt Nam vào vị thế rất khác sau khi kết thúc đàm phán TPP.

Ông Trần Quốc Khánh

Theo VGP