Bị đem làm “chuột bạch“: Thêm ngư dân Quảng Nam trả lại tàu cá vỏ thép

VietTimes - Sau ngư dân Quảng Ngãi, đến ngư dân Đà Nẵng, nay lại thêm ngư dân Quảng Nam trả lại tàu cá vỏ thép cho "nhà sản xuất" do không phù hợp trong vận hành và thói quen đi biển
Tàu cá vỏ thép mang số hiệu QNa 95997TS có giá trị hơn 14 tỷ đồng của ông Phan Thu (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phải ngậm ngùi đưa chiếc tàu cá về nơi sản xuất chỉ sau 4 tháng hạ thủy.
Tàu cá vỏ thép mang số hiệu QNa 95997TS có giá trị hơn 14 tỷ đồng của ông Phan Thu (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phải ngậm ngùi đưa chiếc tàu cá về nơi sản xuất chỉ sau 4 tháng hạ thủy.

Thiết kế có vấn đề?

Tâm trạng không khác mấy chủ nhân 2 chiếc tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 của Đà Nẵng và Hoàng Anh 01 ở Quảng Ngãi, ông Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã trả lại chiếc tàu cá vỏ thép mang số hiệu QNa 95997TS có giá trị hơn 14 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (thuộc Tổng công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) chỉ sau 4 tháng hạ thủy.

Tàu cá QNa 95997TS được bàn giao ngày 17/11/2015, có chiều dài 25,2m; rộng 6,5m; chiều cao mạn tàu 3,1m; công suất 822CV, máy phát điện 20kW, trang bị đi biển hiện đại như rada có tầm quét 32 hải lý, máy định vị kết hợp hải đồ điện tử tích hợp thiết bị định dạng... 

"Hạ thủy vào tháng 11/2015, tàu thử chạy ngay chuyến biển dịp Tết vừa rồi. Nhưng tàu phải trở về cảng nhà máy đóng tàu Hải Sơn để sửa chữa tời lưới", ông Thu chia cho biết.

Nói về chất lượng con tàu, ông Thu nói: "Tàu sử dụng động cơ thủy mang nhãn hiệu Caterpillar của Mỹ mới 100%, thông số kỹ thuật hiện hẵn trên màn hình. Nhưng máy móc thôi không đủ, thiết kế con tàu này không phù hợp và xuất hiện nhiều bất cập khi vận hành". 

"Ca bin được thiết kế cao đến 1,9m. Lần trước về tôi đã hạ thấp xuống còn 1,7m nhưng ra khơi vẫn lắc. Với chiều cao đó, ra biển với gió cấp 4, cấp 5 đã lắc không thể chịu nổi, ngư dân không thể hoạt động được đừng nói là đánh bắt cá, nhất là mùa biển có sóng gió mạnh hơn. Tôi muốn hạ chiều cao ca bin xuống nữa để phù hợp với điều kiện hoạt động trên biển nhưng cơ quan đăng kiểm không duyệt. Chúng tôi đã làm việc với phía nhà máy đề nghị hạ thấp xuống cho phù hợp nhưng họ cũng không chịu. Biết làm sao, thiết kế thì phải phù hợp với ngư dân đi biển, phải hiệu quả, chứ sóng lắc như vậy, làm gì được" - ôngThu bức xúc nói

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân miền Trung, việc thiết kế ca bin tàu cao là không phù hợp, bởi sóng biển rất dữ, lắc quá thì ngư dân không thể thao tác, nhất là kéo lưới. Trong khi đó, bề rộng lường tàu lại quá hẹp không cân đối với chiều cao thân tàu nên càng ra khơi, càng lắc. Mà lắc thì ngư dân có nằm một chỗ chứ chẳng thể thả lưới hay kéo lưới" - ngư dân Võ Nghiêm (63 tuổi, trú Tam Quan, Bình Định) cho hay.

Nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuộc Tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) tại Đà Nẵng.
Nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuộc Tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng) tại Đà Nẵng.

Có nên nghe ý kiến ngư dân!

Theo các chủ nhân tàu vỏ thép, việc các nhà sản xuất đã bỏ qua ý kiến ngư dân nên mới xảy ra cơ sự trả về nơi sản xuất như vậy. "Bề rộng lường con tàu đã được họ thiết kế xong rồi nên mình rất khó phát hiện để góp ý chỉnh sửa. Bề rộng lường tàu vỏ thép của tôi như trái dưa gang bổ đôi nên sóng gió lắc rất dữ. Không giống như tàu vỏ gỗ với bề rộng lường tàu rất bằng nên tàu rất vững. Đơn cử như tàu gỗ có bề rộng mặt cắt ngang là 6m, thì bề rộng lường tàu đã 5,5m", ông Thu chủ tàu QNa 95997TS chia sẻ.

Cũng theo ông Thu, trước khi đóng tàu, cơ quan thiết kế không hề tham khảo ý kiến của ngư dân cho nên khi tàu vỏ thép hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác đã xảy ra sự cố như chuyện đã rồi. Sửa chữa tới lui cuối cùng con tàu như một mớ chắp vá.

Tàu vỏ thép của ông Thu nằm tại nhà máy đóng tàu là để sửa chữa khắc phục lại tời lưới bị hư. Và chuyện tời lưới bị hư cũng cho thấy những bất cập trong thiết kế. Theo đó, tời lưới trong bản vẽ thiết chưa tính đến thực tế ra khơi của ngư dân về sóng, dòng chảy, độ sâu thra lưới,... nên khi ấn định công suất mà không tính đến các yếu tố này khiến tời bị quá tải, hư hỏng, thậm chí không thể kéo được lưới trong một số trường hợp.

"Ví dụ như áp lực của máy theo thiết kế là 75m3/h thì nhà máy làm như vậy. Trong khi đó, thực tế sóng lớn, gió, kèm dòng chảy mạnh thì phải đến hơn 100m3/h mới kéo nổi nhưng thiết kế chỉ 75m3/h thì đứng nhìn chứ sao kéo được lưới. Đó chỉ là một điển hình cho việ không tham khảo ý kiến sóng biển của ngư dân, rồi bất cập xảy ra và tàu lại về lại nhà máy", ông Thu nói.

"Chưa hết, việc nhà máy thiết kế theo bản vẽ, ngư dân là người sử dụng tàu, nhưng ngư dân không đọc được bản vẽ thiết kế nên khi nhận thì rất vui vì tàu to, mới, đẹp. Và khi ra khơi, gặp phải bất hợp lý thì ngư dân lãnh đủ", ông Thu chia sẻ.

Đem những chia sẻ này với một số kỹ sư cơ khí máy thủy thì được biết, việc tàu Sang Fish 01 cũng như Hoàng Anh 01 bị trả lại đã được dự lượng từ trước. "Bởi tàu được thiết kế đi biển, nhưng lại lắp máy tàu sông với hệ máy không đủ mạnh để giữ cân bằng cho tàu khi ra khơi, khi có sóng. Rồi công suất tời lưới phụ thuộc rất nhiều vào chiều sâu lưới thả, dòng chảy, cấp sóng... nên cứ áng áng rồi ấn định sẽ khiến ngư dân dở khóc dỡ cười vì lưới thả nhưng không kéo nổi, kéo ép quá thì tời cháy, không cháy thì gãy trục. Tệ hại nữa là phá lưới để giữ tàu", một kỹ sư đóng tàu cho biết.

Chưa nói là thiết kết tàu biển cần chú ý đến cấp chịu đựng được sóng, độ ổn định của tàu. Nhất là khi thiết kế hệ chân máy, hệ thống cấp nhiên liệu, đường ống, máy bơm... phải đủ lớn để tàu có thể chủ động tự cân bằng. Chứ không thể cứ lấy tỷ trọng mã lực trên trọng tải mà lắp lên tàu cá đi biển, vị kỹ sư này cho biết thêm.

"Và nếu không xem xét giữa thiết kế điển hình với yêu cầu thực tế đi biển, tập quán của ngư dân thì cả ngàn con tàu nữa hạ thủy thì cũng vừa chạy vừa run và kết cục là trả về nơi sản xuất mà thôi. Đó là chưa kể theo quy định đăng kiểm tàu thì mới nhưng máy cũ là một vấn đề nữa", một kỹ sư đóng tàu cho biết.