Bầu Hiển, vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn chịu thua Vingroup ở Phú Quốc

Nóng, ồ ạt là những từ có thể dùng để mô tả về làn sóng lớn đang đổ bộ tới Phú Quốc- làn sóng đầu tư của những doanh nghiêp tư nhân vào hòn đảo lớn nhất Việt Nam.
Một resort tại Phú Quốc.
Một resort tại Phú Quốc.

Hàng loạt những ông lớn từ Vingroup, BIM, Sun Group, Sovico,… đều đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở Phú Quốc.

Không chỉ mặt đất tung bụi mù, bầu trời Phú Quốc cũng là điểm khát khao đầu tư khi Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo “Xây dựng ngay phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay cũng như liên doanh để đầu tư mới, hoàn thành phương án cổ phần hóa ACV trong tháng 4/2015…”.

T&T lên tiếng đầu tiên

Đầu tháng 3, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T vừa có đề nghị với Bộ GTVT được mua Cảng hàng không (CHK) quốc tế Phú Quốc.

Theo đó, T&T đề nghị mua theo hai phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.

T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp CHK Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Đây là tập đoàn vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, xuất nhập khẩu, công nghiệp, thể thao nên đầu tư cảng hàng không có thể xem là bước đi mới mẻ của bầu Hiển.

Người thứ hai xuất hiện

Sau khi T&T đánh tiếng muốn vào Phú Quốc, giữa tháng 4/2015, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPP cũng có đơn gửi lên bộ đề xuất “mua hay chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn cảng hàng không (CHK) Phú Quốc”.

Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu bước vào ngành hàng không khi trở thành thanh tra tài chính cho hãng Boeing. Với vai trò là Tổng đại diện của Philippines tại khu vực Đông Dương, Johnathan Hạnh Nguyễn là người đầu tiên mở đường bay chính thức hàng không Việt Nam và hàng không Philippines vào năm 1985.

Mặc dù trong 3 năm đầu đi vào hoạt động, mỗi chuyến bay trên đường bay Philippines lỗ lên tới 5 triệu USD nhưng đến nay tuyến đường hàng không này đã minh chứng cho sự quyết tâm của ông Hạnh Nguyễn là đúng đắn. Ông cũng được Hạ viện Philippines vinh danh cho những nỗ lực thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Philippines vào năm 2012.

Theo tạp chí Forbes, IPP hiện là công ty bán hàng miễn thuế lớn nhất Việt Nam với thị phần 80%. Công ty có hơn 25 năm cung cấp hàng hóa và điều hành kinh doanh các hệ thống cửa hàng miễn thuế, hệ thống chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng bán lẻ tại các sân bay quốc tế và quốc nội tại Việt Nam.

Cuối năm 2014, ba công ty con của tập đoàn IPP bỏ ra hơn 310 tỷ đồng để mua lại 23,6% vốn cổ phần của công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) đồng thời bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ một vị trí trong hội đồng quản trị. Động thái rót vốn vào Sasco càng khiến IPP vững chân trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại các sân bay, hoạt động kinh doanh của IPP gồm: Các cửa hàng miễn thuế bán hàng hiệu và các cửa hàng đồ ăn nhanh như Burger King, Dunkin’ Donuts,…

Tràng Tiền Plaza được IPP đầu tư 400 tỷ đồng để cải tạo.
Tràng Tiền Plaza được IPP đầu tư 400 tỷ đồng để cải tạo.

Phú Quốc quá hấp dẫn

Theo Đề án phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế trong đó có cả điểm vui chơi casino được đưa ra từ năm 2013 và sắp tới được trình lên Bộ Chính Trị. Theo đó, lĩnh vực Du lịch- thương mại chiếm tỷ trọng hơn 70% GDP của Phú Quốc.

Cả bầu Hiển và vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đều không muốn bỏ lỡ cơ hội để đầu tư vào sân bay Phú Quốc khi có sẵn lợi thế về vốn cũng như kinh nghiệm.

Phú Quốc có vị trí địa lý khá thuận lợi, gần trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam- thành phố Hồ Chí Minh. Hòn đảo này từng lọt top 3 điểm du lịch đẹp nhất mùa đông do National Geographic bình chọn. Với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và gần như còn khá hoang sơ, đây là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt nhóm khách có thu nhập khá trở lên.

Với sự định hướng phát triển và sự tham gia đầu tư của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn, trong vài năm tới hạ tầng Phú Quốc sẽ thay đổi đáng kể. Đóng góp của huyện đảo này vào ngân sách của Kiên Giang hiện đang đứng vị trí số 1. Và tiềm năng vẫn đang còn rất lớn.

Vingroup bất ngờ được xướng tên

Chưa đầy 1 tuần trước, cuộc đua mua cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới chỉ xuất hiện hai ông lớn gồm: Công ty cổ phần tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) và Tập đoàn xuất nhập khẩu Liên Thái bình dương IPP của ông vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn.

Tuy nhiên đến ngày 15/4, ông Huỳnh Vĩnh Lạc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết địa phương này vừa chỉ định công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc (thuộc Tập đoàn Vingroup) là nhà đầu tư cho dự án cảng hành khách quốc tế Phú Quốc theo hình thức BOT, với thời hạn chuyển giao sau 30 năm kể từ ngày hoàn thành đưa vào khai thác.

Việc có quyền đầu tư cảng hàng không Phú Quốc - cửa ngõ quan trọng để tiếp cận đảo ngọc này, sẽ là đầu mối trọng yếu đối với việc tiếp cận nguồn lực từ lượng du khách - đang ngày một nhiều lên - đến với Phú Quốc, đặc biệt là việc kinh doanh bán lẻ hàng miễn thuế trong sân bay.

Trong một báo cáo năm 2012 của Euromonitor, thị trường kinh doanh bán lẻ hàng miễn thuế mặc dù nhỏ nhưng là kênh bán hàng năng động. Trừ kênh tiêu dùng nhanh, đây là nguồn thu và lợi nhuận quan trọng đối với kinh doanh thuốc lá, rượu mạnh và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

Với mức tăng trưởng CAGR 7%, thị trường bán kẻ hàng miễn thuế phát triển mạnh mẽ ổn định từ năm 2000 bất chấp thế giới gặp phải những cuộc khủng bố lớn hay khủng hoảng kinh tế 2009. Euromonitor dự đoán nhiều dự án đầu tư cũng như lượng du khách gia tăng sẽ thúc đẩy ngành kinh doanh này tăng trưởng mạnh trong năm 2016.

Chi tiết việc đầu tư

Theo công bố từ tỉnh Kiên Giang, tổng mức đầu tư cho dự án cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là trên 1.644 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT hơn 493 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 30%), vốn ngân sách hơn 1.151 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 674 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương gần 477 tỷ đồng), chiếm 70% tổng mức đầu tư.

Chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Kiên Giang sẽ trực tiếp quản lý điều hành dự án phần vốn ngân sách nhà nước, nhà đầu tư trực tiếp quản lý điều hành dự án phần vốn BOT. 

Dự án được xây dựng với diện tích khoảng 180 ha, trong đó phần trên bờ quy hoạch 2,8 ha (gồm nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ) và phần mặt biển (bao gồm: khu vực bến, đê chắn sóng và luồng tàu, vũng quay tàu) với tổng diện tích 176,5 ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Sau khi đưa vào sử dụng, cảng sẽ có khả năng tiếp nhận các loại tàu khách trọng tải đến 225.000 GT và tàu hàng tổng hợp trọng tải từ 20.000 DWT.

Theo Trí Thức Trẻ