Bát nháo tác quyền nhạc Việt

Hoạt động biểu diễn âm nhạc, in sao, phát hành các ca khúc Việt đang “loạn” về vấn đề tác quyền và chưa được giải quyết. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chuyên ngành pháp luật lại có những hoạt động thiếu minh bạch, gây thêm rắc rối...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỳ 1: Bất thường từ một buổi tập huấn...

Tại TPHCM, Thanh tra Bộ VHTTDL vừa tổ chức buổi tập huấn nhằm phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đối tượng tham dự là tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, môi trường kỹ thuật số. Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, buổi tập huấn này được thực hiện với sự phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV)…

Tập huấn thành diễn đàn công kích nhà sản xuất?

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL - cho biết: Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) tổ chức khóa tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về tác quyền. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến tại buổi tập huấn này đều đổ dồn, công kích các nhà sản xuất máy karaoke. Trong đó, Cty CP dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) nhận nhiều ý kiến đả phá nhất. 

Bà Trương Thị Thu Dung - PCT trường trực RIAV - cho rằng hiện có những đầu máy của Maseco có tem dán lên ổ cứng, ghi 1.000 bài nhưng trong đó có trên 10.000 bài, kể cả những bài hát về người lính VN cộng hòa (trước 1975). Theo bà Dung, Maseco đã cung cấp code (mã) cho người sử dụng để tải nhạc (download) về dùng, tựa như có nhà mà trao chìa khóa cho người dùng vào chứa đồ nhưng khi bị phát hiện thì trả lời né tránh. 

Còn ông Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch RIAV - thì "cáo buộc": Trên mạng của Maseco có kho hướng dẫn cách tải bản ghi. Người sử dụng được Maseco cho quyền được tải mà đó lại là quyền không được chủ sở hữu đồng ý. Rồi ông ví von Maseco muốn làm từ thiện, cho ai gói mì thì trước hết phải có thẩm quyền về gói mì đó. Đại diện hãng băng đĩa nhạc Bến Thành, Phương Nam Phim cũng lên tiếng công kích việc sử dụng một số bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, Vũ Thành An do các hãng này đang độc quyền phát hành.

Ảnh chụp tại đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM. Đĩa những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An (ảnh minh họa).
Ảnh chụp tại đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TPHCM. Đĩa những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An (ảnh minh họa).

Ngoài sự lạc đề về nội dung, việc tổ chức buổi công kích DN núp bóng tập huấn này còn có dấu hiệu... bất hợp pháp. Theo Nghị định 71/2009/NĐ-CP (28.8.2009), về “tổ chức và hoạt động của Thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch”, Thanh tra Bộ và chánh Thanh tra Bộ có nhiệm vụ đi thanh tra, xử phạt và thêm một số nhiệm vụ khác, nhưng tuyệt nhiên không quy định nhiệm vụ tập huấn pháp luật. 

Mặt khác, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL - Vũ Xuân Thành - cho rằng Thanh tra bộ đã phối hợp với RIAV để tổ chức tập huấn; tuy nhiên bà Trương Thị Thu Dung - Phó chủ tịch (PCT) RIAV - khẳng định RIAV không phối hợp với Thanh tra bộ mà chỉ là… cấp dưới, là khách mời tham gia. Khi được chất vấn, ông Vũ Xuân Thành giải thích là căn cứ quyết định số 3778/QĐ-BVHTTDL ngày 13.11.2014 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2015 để tổ chức. Thế nhưng, tại quyết định nói trên không hề có nội dung tập huấn pháp luật.

Trò "ném đá giấu tay"?

"Chống chọi" trước những công kích trên, ông Trịnh Ngọc Minh - Phó TGĐ Cty CP dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) - cho biết: “Khi Maseco tung ra dòng sản phẩm mới là karaoke thông minh (Smart K), ngoài tính năng của máy karaoke, còn có các chức năng như máy vi tính, điện thoại di động, máy tính bảng… tức là khả năng download (tải), lưu trữ các dữ liệu theo sở thích của người dùng như nhạc, phim, sách, tranh, ảnh … Ý kiến cáo buộc Maseco cho người dùng mã code để sao chép bài hát karaoke VOD là sự quy chụp. Việc cho hay không cho download dữ liệu là quyền, trách nhiệm của các nhà quản lý trang web”.

Được biết, Maseco còn là nhà sản xuất bản ghi karaoke lớn nhất Việt Nam, với hơn 10.000 bài karaoke có đủ giấy phép sản xuất, phát hành, bản quyền tác giả và là chủ sở hữu bản ghi trên đĩa VCD, DVD và ổ đĩa cứng máy karaoke thông minh. “Như vậy việc Maseco bán hoặc cho người dùng được phép sử dụng miễn phí tài sản của mình (bản ghi karaoke) là quyền của chủ sở hữu mà không ai được phép can thiệp. Ngoài ra người dùng có thể mua, sưu tầm thêm những tác phẩm khác theo sở thích của mình và họ tự chịu trách nhiệm với chủ sở hữu” - ông Trịnh Ngọc Minh khẳng định.

Ông Võ Thế Tuấn - đại diện hãng sản xuất đầu karaoke Hanet HD - lý giải, việc mua đầu máy karaoke cũng giống như mua một cái máy vi tính, khi mua xong người sử dụng cài thêm gì thì hãng sản xuất không biết và không chịu trách nhiệm. Một nhà sản xuất đầu máy karaoke đã ví von rằng: “Chúng tôi bán cái đầu máy karaoke cũng giống như bán cái thùng phuy, người sử dụng mua cái thùng phuy đó về để chứa gạo hay chứa nước uống hoặc nước mắm là chuyện của họ, sao lại bắt nhà sản xuất phải chịu những điều liên quan hoặc bắt chúng tôi buộc phải đậy cái nắp thùng phuy đó lại không cho họ chứa đồ hay sao?”.

Buổi tập huấn pháp luật đã lộ rõ ý đồ chỉ đả kích vào các nhà sản xuất đầu máy karaoke. Điều này khiến mọi nghi ngờ liệu đổ dồn lên RIAV - đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn. Liệu có phải RIAV “mượn tay” cơ quan quản lý nhà nước tạo áp lực để đòi tiền bản quyền từ phía các nhà sản xuất đầu máy karaoke? Thanh tra Bộ VHTTDL tổ chức tập huấn trái chức năng, vậy ngân sách nhà nước có trả chi phí cho buổi tập huấn hoành tráng tại khách sạn Continental (TPHCM) hay không? Nếu trả thì có đúng quyết định của bộ trưởng phê duyệt hay không? Còn nếu ngân sách nhà nước không chi trả vì không có trong kế hoạch, vậy thì tổ chức, cá nhân nào đứng ra “đài thọ” cho cuộc “tập huấn pháp luật” trái khoáy này?

Theo Lao động