Bát nháo độc quyền nhạc Việt: Vì sao Phương Nam Phim chỉ nói một nửa sự thật?

Phương Nam Phim (PNF) cáo buộc Cty Maseco sử dụng trái phép các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An do PNF tự nhận là độc quyền khai thác tại VN. Thế nhưng, PNF đã công bố những chứng cứ không hợp lệ, đồng thời xúc phạm danh dự và uy tín của Maseco.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

PNF lập lờ thông tin

Ngày 15.6, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM cấp giấy chấp thuận họp báo cho PNF với nội dung “Thông báo về việc Cty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã sử dụng trái phép các tác phẩm của Vũ Thành An do PNF độc quyền”. Nhưng trước đó, vào ngày 12.6, PNF đã gửi giấy mời họp báo về nội dung này vào đúng ngày được cấp giấy phép họp báo.

Theo thông cáo báo chí của PNF: 27.10.2012, PNF và NS Vũ Thành An đã ký kết hợp đồng (HĐ) số 212/HĐ-PNF về đại diện độc quyền khai thác tác phẩm của NS Vũ Thành An. Theo đó, PNF có quyền cho phép hoặc không cho phép sử dụng tác phẩm trong thời gian hiệu lực của HĐ (10 năm). PNF đã trích dẫn nội dung công văn số 62/NTBD-PQLBD ngày 28.1.2015 để đưa vào thông cáo báo chí cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã kết luận Maseco chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5.10.2012 của Chính phủ và Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể Maseco chưa chủ động giải quyết xong vấn đề quyền tác giả khi sử dụng các bài hát “Bài không tên số 2, 4, 7, 8, 10” của tác giả Vũ Thành An để rồi PNF yêu cầu Maseco chấm dứt việc phát hành, phân phối, thu hồi và tiêu hủy các đĩa midi karaoke vol.52, 53, 54, 55 có chứa 5 bài hát của NS Vũ Thành An. Thế nhưng, cũng trong công văn số 62 này, Cục NTBD cũng ghi rõ tại mục số 3: “Đối với Cty PNF: Tiếp tục chủ động chứng minh quyền độc quyền trong việc sử dụng và cho phép người khác sử dụng các bài hát “Bài không tên số 2, 4, 7, 8, 10” - tác giả Vũ Thành An, trên cơ sở hợp đồng ủy thác tác quyền đã ký kết với tác giả Vũ Thành An, theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ” đã không được PNF trích dẫn vào thông cáo báo chí. Vì sao PNF lại giấu nhẹm nội dung gây bất lợi này?

Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Maseco - cho rằng: “Ý kiến của Cục NTBD yêu cầu PNF tiếp tục chủ động chứng minh độc quyền là đúng đắn. Quan điểm nhất quán của chúng tôi là một khi PNF chưa chứng minh được quyền độc quyền của mình về các bài hát của NS Vũ Thành An đối với Maseco thì không thể đòi hỏi, quy chụp, xúc phạm chúng tôi”. Trong văn bản kiến nghị đề ngày 16.6 gửi đến các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Hàn nêu rõ: “Maseco là đơn vị luôn tôn trọng quyền tác giả trong nhiều năm qua (mỗi năm Maseco sử dụng khoảng 1.000 tác phẩm âm nhạc và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các tác giả), nhưng không phải vì vậy mà bất cứ ai lên tiếng đòi bản quyền thì chúng tôi cũng trả. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu đơn giản là chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền chứng minh tính hợp lệ thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay nghĩa vụ của mình theo quy định”.

Cung cấp chứng cứ không hợp lệ

PNF đã trưng ra bản HĐ số 71/HĐ-PNF vừa mới được xác lập vào ngày 9.6.2015 tại TPHCM giữa PNF và NS Vũ Thành An (đang định cư ở Mỹ) để chứng minh rằng PNF có đủ quyền độc quyền đối với các bài hát của NS Vũ Thành An tại thị trường VN. Theo PNF, HĐ này là để thực hiện các nội dung quy định trong HĐ độc quyền số 212/HĐ-PNF nhưng lại không cung cấp tại cuộc họp báo. Vì sao PNF phải giấu hợp đồng 212 được ký từ tháng 10.2012? Theo lý giải của PNF, sở dĩ không tiện cung cấp bản HĐ nói trên vì lý do có những điều khoản bí mật ràng buộc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến bản HĐ số 71 vừa mới được ký kết ngày 9.6.2015 có hợp lệ hay không mà PNF cho rằng đó là chứng cứ chứng minh PNF đủ quyền để công bố rộng rãi cho rằng Maseco vi phạm bản quyền.

Một chuyên gia pháp lý cho rằng, do là giao dịch dân sự giữa một bên là pháp nhân (PNF) và một bên là cá nhân (NS Vũ Thành An) mà có ảnh hưởng đến bên thứ 3 (ở đây là Maseco) nên bản HĐ số 71/HĐ-PNF dứt khoát phải được công chứng mới có giá trị pháp lý. Như vậy, chữ ký của NS Vũ Thành An phải được công chứng tại Mỹ sau đó hợp pháp hóa tại cơ quan lãnh sự hoặc chứng thực tại VN thì mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3. Do HĐ số 71/HĐ-PNF được lập tại TPHCM mà PNF cung cấp tại cuộc họp báo là bản photo không có chứng thực nên không biết HĐ này có được chứng thực hay không và nếu PNF muốn HĐ này có giá trị pháp lý để chứng minh với Maseco thì nhất thiết phải được chứng thực tại VN. Nhưng nếu HĐ này đã được chứng thực ở VN thì người ta cũng có quyền nghi ngờ về tính pháp lý của bản HĐ, rằng trong thời gian đó NS Vũ Thành An có mặt ở VN hay không?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lần cuối cùng NS Vũ Thành An rời khỏi Việt Nam là vào ngày 24.11.2013 và kể từ đó đến nay chưa trở lại Việt Nam. Theo luật sư Hà Hải, hợp đồng số 71/HĐ-PNF nếu không có chứng thực thì chỉ có giá trị pháp lý giữa PNF và NS Vũ Thành An mà thôi chứ không có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3, đó là Maseco. Mặt khác, cũng chỉ mới phát sinh quyền của PNF kể từ ngày 9.6.2015, chính là ngày ký kết hợp đồng này nên PNF chưa đủ quyền để cho rằng Maseco vi phạm bản quyền khi chưa chứng minh đủ quyền độc quyền và mọi hành vi của PNF diễn ra bấy lâu nay đã bôi nhọ uy tín của Maseco.

Cổ đông đòi thay Chủ tịch PNF

Ngày 17.6, Đại hội cổ đông của PNC (Cty CP Văn hóa Phương Nam - Cty mẹ của PNF) đã buộc phải hủy do một bộ phận cổ đông không đến dự đại hội với lý do kiến nghị của họ không được đáp ứng. Trước đó, ngày 11.6, nhóm cổ đông PNC đã ký bản kiến nghị có 2 nội dung: Bãi nhiệm và bầu thành viên hội đồng quản trị mới; phê chuẩn tổng giám đốc điều hành Cty nhưng không phải là ông Nguyễn Hữu Hoạt - TGĐ PNC kiêm Chủ tịch HĐTV PNF. Theo kiến nghị của nhóm cổ đông này, do nhiệm kỳ này HĐQT và Ban Tổng Giám đốc PNC điều hành không hiệu quả, yếu kém dẫn đến thua lỗ lũy kế 63 tỉ đồng, mất trên 57% vốn điều lệ, trong đó có phần vốn của Nhà nước và của nhóm cổ đông này.

 Theo  Lao động