Bảo vệ và gia tăng các quyền con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt trên Internet

VietTimes -- Ngày 29/5/2018, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Phạm vi và giới hạn của tự do Internet". Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng nên theo các đại biểu, chủ đề và các nội dung của hội thảo chắc chắn có nhiều mối liên quan. 
PGS TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
PGS TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, PGS TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đề cập, Internet ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại và trong đời sống của mỗi con người. Với nguồn dữ liệu, thông tin khổng lồ, khả năng kết nối vạn vật và sự tiện dụng vốn có, Internet đã trở thành công cụ tuyệt vời cho mọi sự giao tiếp, kết nối, là phương tiện học tập, chia sẻ, khai thác thông tin, phát triển kinh tế... của xã hội loài người. Tuy nhiên, Internet không chỉ mang lại những tiện ích mà còn cả những phiền toái, tổn hại và nguy hiểm không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng và toàn xã hội. 
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia có kinh nghiệm tốt trong đấu tranh, phòng ngừa lạm dụng "tự do Internet" mà Việt Nam có thể học tập. Là một trong những quốc gia phát triển nhanh về Internet cùng số lượng người dùng các mạng xã hội, Việt Nam rất cần có những bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. 
TS Phạm Hải Chung - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói rằng trong thời đại ngày nay, Internet như chiếc đòn bẩy làm cho người ta thể hiện, lan tràn ảnh hưởng sang người khác. Ngoài mặt tích cực của Internet trong việc cung cấp thông tin thì những tác động tiêu cực như sự lan tràn của các phát ngôn gây thù ghét đang khiến người dùng hoang mang. Ở Việt Nam, những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội không hẳn là những vấn đề như phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính như theo quy định của Châu Âu. Những phát ngôn đó có thể đơn giản chỉ là bất đồng quan điểm dẫn đến chửi bới, lăng nhục nhau trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn là tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự ẩn danh, vô hình của mạng xã hội để trục lợi, vu khống, tạo tin giả nhằm hạ uy tín, gây khủng hoảng, thậm chí làm phá sản cả một doanh nghiệp hay đe dọa tính mạng nhiều cá nhân. 
TS Phạm Hải Chung - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS Phạm Hải Chung - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Còn theo PGS TS Nguyễn Ngọc Chí - giảng viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, Bộ luật Hình sự hiện hành chủ yếu chỉ phản ánh nhu cầu chống tội phạm công nghệ cao mà chưa chú trọng đến việc bảo vệ thích đáng các quyền tự do của công dân. Hiểu theo nghĩa rộng, chỉ duy nhất điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là đang gián tiếp bảo vệ quyền con người trên Internet. 
Ông cũng đề cập là Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã thừa nhận dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ mới. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử có thể được lưu giữ ở rất nhiều cơ quan khác nhau của bộ máy nhà nước hoặc tư nhân. Đây là một "kẽ hở" có thể bị lạm dụng để xâm hại đến tự do Internet. Và thực tế, dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ phi truyền thống, tồn tại trên không gian mạng. Sự tồn tại đó có thể vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia và loại tội phạm để lại dấu vết này cũng thường mang tính chất xuyên quốc gia. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.
PGS TS Nguyễn Ngọc Chí - giảng viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
PGS TS Nguyễn Ngọc Chí - giảng viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
Các giảng viên Bộ môn Nhà nước và Pháp luật của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội là Phạm Thị Duyên Thảo và Phan Thị Lan Phương thì đề cập đến Dự thảo Luật An ninh mạng dưới góc độ tham chiếu về quyền tự do biểu đạt trên Internet. Theo các diễn giả này, dự thảo Luật An ninh mạng cần thiết phải bổ sung vào phạm vi điều chỉnh nội dung "bảo vệ quyền con người trên không gian mạng". Cũng cần đề cập, làm rõ các khái niệm như bảo vệ thông tin riêng tư và khẳng định thông tin số là dịch vụ xuyên biên giới để mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng như cách tiếp cận đối tượng điều chỉnh của Dự luật. Ngoài ra, cần phải xác định rõ mục tiêu của Luật An ninh mạng. Nếu chỉ dừng ở việc chống, phòng ngừa hoặc xử lý những hành vi có thể gây mất an ninh thì có nghĩa là đã làm khuyết đi mục tiêu mà Liên Hợp Quốc và loài người đang hướng tới. Đó là bảo vệ và gia tăng các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt trên Internet và hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững ở mọi khía cạnh.  
Ngoài các tham luận nói trên, hội thảo đã nghe nhiều báo cáo về thực tế của tự do Internet ở Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, Trung Quốc...cùng một số vấn đề khác như quản lý thuế với thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vai trò và giới hạn của quản lý nhà nước... Kết luận hội thảo, PGS TS Nguyễn Thị Quế Anh cho biết, đây là một diễn đàn đã thu được nhiều ý kiến đa chiều xung quanh vấn đề tự do Internet. Đặc biệt, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận và có thể thông qua Luật An ninh mạng. Chính vì vậy, những báo cáo và ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ rất có ý nghĩa cho bộ luật này.