Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Điểm đến không thể bỏ qua giữa Thủ đô

Nằm khiêm nhường trên góc phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bình yên và xinh xắn giữa phồn hoa đô thị. Chỉ cách vài bước chân từ ngoài phố vào tới bên trong sân khuôn viên bảo tàng, mọi ồn ào như bị bỏ lại sau lưng…
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi lưu giữ một số bảo vật quốc gia và nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi lưu giữ một số bảo vật quốc gia và nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng.

Nơi lưu giữ những tác phẩm giá trị

Một không gian yên ắng, lãng mạn bởi hình ảnh ấn tượng đầu tiên là một khu biệt thự kiểu Pháp cổ kính, lãng mạn nằm e ấp dưới những vòm cây cổ thụ xum xuê xanh mát. Tôi thật sự bất ngờ khi nhận ra  ở Hà Nội có một nơi yên tĩnh và đẹp đẽ đến thế này lại chưa được nhiều người biết tới. Hiện nay, khách tham quan bảo tàng chủ yếu là người nước ngoài hoặc các nghệ sĩ, họa sĩ hay sinh viên các trường mỹ thuật. Thi thoảng cũng có những đoàn khách là học sinh các trường trong nội thành. Họ đến đây chủ yếu để tìm hiểu, nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức những kiệt tác mỹ thuật của Việt Nam và tận hưởng những khoảnh khắc về Hà Nội theo cách của riêng mình.

Nói đến mỹ thuật, dân ngoại đạo như tôi thường nghĩ tới một cái gì đó thật xa vời và khó đồng điệu. Tuy nhiên có đến đây mới thấy và vỡ ra rằng: Mỹ thuật chính là một trong những phương cách truyền tải dễ hiểu và gần gũi nhất giúp tái hiện một cách đơn giản và chân thực mọi vẻ đẹp và dấu ấn của thời gian. Ở đây, có những bức tượng được lưu giữ lại từ thế kỷ 16, những hiện vật thế kỷ 17 cho đến những bức tranh đương đại của thế kỷ 20, tất cả đều được nâng niu, sắp đặt một cách khoa học, gần gũi, tạo cho khách tham quan  cảm nhận được nhiều nhất có thể những giá trị nghệ thuật.

Điều tuyệt vời nhất khi đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia như: bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng gỗ phủ sơn, cao 327cm từ thế kỷ 16; bức tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc thế kỷ 17, bức tranh sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân , bức “Em Thúy” của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn trên chất liệu sơn dầu, bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của cố họa sĩ Nguyễn Sáng.

Bảo vật quốc gia:Tượng Phật Bà Quan Âm chất liệu gỗ phủ sơn, thế kỷ 16

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Điểm đến không thể bỏ qua giữa Thủ đô ảnh 2

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Điểm đến không thể bỏ qua giữa Thủ đô ảnh 3

Một góc bảo tàng

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Điểm đến không thể bỏ qua giữa Thủ đô ảnh 4

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Điểm đến không thể bỏ qua giữa Thủ đô ảnh 5

“Thiếu nữ”- sơn dầu của Hoàng Lập Ngôn

Ngoài ra, còn rất nhiều những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương qua nhiều thế hệ như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…Dưới giọng nói truyền cảm thể hiện niềm say mê với nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, chị hướng dẫn viên duyên dáng kể cho tôi nghe  những câu chuyện về từng giai đoạn phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam qua từng tác phẩm. Tất nhiên, tôi đã bị cuốn theo một cách đầy thích thú.

Mỗi căn phòng trưng bày như một thế giới thu nhỏ, dắt tôi đi mê mải từ phòng này sang phòng khác mà không hề biết mình vừa đi bộ tới vài cây số không một chút cảm giác mỏi mệt. Dưới ánh đèn vàng dịu nhẹ, mỗi bức tranh chính là một miền ký ức không phai. Những căn phòng mát mẻ, sạch bóng, khiến tôi luôn có những khoảnh khắc dễ chịu trong một không gian đầy ắp sự thư thái. Dường như đó chính là chất xúc  tác để tôi đắm chìm hơn vào sức hút lạ lùng của những mảng màu. Dù kiến thức về hội họa của mỗi người khác nhau nhưng điều mà tôi có thể cảm nhận được là những cảm xúc mạnh mẽ không dễ bật thành lời. Bỗng chốc, cái nhìn về cuộc sống bộn bề trong tôi trở nên nhẹ nhàng và nhân ái hơn nhiều lắm.

Tôi mở cuốn kỷ yếu được lưu giữ trong Bảo tàng và đọc những dòng chia sẻ của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Việt Nam: “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính là địa chỉ vàng của những người yêu mỹ thuật. Với tính đặc thù riêng, những tác phẩm được trưng bày tại đây gắn bó và phản ánh đời sống mỹ thuật, nghệ thuật của đất nước qua từng thời kỳ và giai đoạn lịch sử. Với giới mỹ thuật, bảo tàng là niềm tự hào, yêu mến mà mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc khi nhắc đến đều có tình cảm tin yêu và kỳ vọng…”.

Kết nối du lịch

Được biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang có những kế hoạch từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm mục đích đưa mỹ thuật đến gần hơn với đời sống và phục vụ khách du lịch. Đây chính là cơ hội quý báu để những công ty du lịch lữ hành cũng nên nắm bắt, hút khách du lịch đến nhiều hơn với Hà Nội, nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách khi đến tham quan những thắng cảnh và địa điểm vàng của Thủ đô.

Điểm đến tham quan, học tập lý tưởng của các em nh

Đặc biệt, thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ mở cửa trở lại “Không gian sáng tạo dành cho trẻ em” để các em có những trải nghiệm như: vẽ tranh, sáng tác, sản xuất đồ handmade; trang bị thuyết minh tự động (audio guide) giúp cho mọi du khách có thêm sự lựa chọn và tìm hiểu; mở rộng các quầy hàng lưu niệm nghệ thuật; sớm triển khai dịch vụ giải khát và đồ ăn nhẹ để du khách có thêm thời gian tham quan và trải nghiệm tại bảo tàng…

…Ngồi bất cứ tại vị trí nào ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đều thấy thích. Tôi phát hiện ra khá nhiều du khách sau khi ngắm tranh, vẫn nán lại những ghế đá, gốc cây trong khuôn viên bảo tàng đọc sách và thư giãn. Cảm giác bình yên như chưa hề có bất cứ bộn bề nào đang bất tận ngoài kia. Lách chách trên sân là những đàn chim sẻ hồn nhiên đùa nghịch, chốc chốc lại rủ nhau bay ù lên những tán cổ thụ như chơi trò trốn tìm.Trên khuôn mặt những du khách tham quan, ai cũng lộ rõ sự thư thái và họ  sẵn sàng dành cho tôi những nụ cười hồn hậu dù chỉ mới lần đầu gặp mặt. Phải chăng, khi đến đây, con người ta bỗng thấy mình có chung cảm giác an nhiên tự tại? Một nơi thú vị đến thế này, bạn hãy đến khám phá…

Theo Báo Du lịch

http://baodulich.net.vn/Bao-tang-My-thuat-Viet-Nam--diem-den-khong-the-bo-qua-giua-Thu-do-15-10937.html