Báo Nga: Việt Nam quan tâm tới loại chiến hạm mới

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đa dạng hóa các mối quan hệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và an ninh, và Nga vẫn là một trong những đối tác chính của Việt Nam. Mặt khác, thị trường Việt Nam nói riêng cũng như Đông Nam Á nói chung, là một trong những điểm đến chính cho xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Tàu ngầm Kilo 636 và chiến hạm Gepard của Hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo 636 và chiến hạm Gepard của Hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

Việc này đã được các nhà lãnh đạo của Rosoboronexport nhắc lại nhiều lần trong năm qua. Hơn nữa, Nga mong muốn tăng cường việc hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, lưu ý với giới truyền thông Nga, thị trường các nước Đông Nam Á đã cho thấy sự tăng trưởng cao:

"Các nước Đông Nam Á cho thấy sự tăng trưởng khá cao. Khu vực này có nền kinh tế tầm cỡ lớn trên thế giới: Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam… Trong khu vực có nhu cầu cao đối với các tổ hợp hàng không quân sự Nga, máy bay trực thăng, hệ thống tên lửa phòng không (ví dụ như "Pantsir", S-400, "Buk"). Đồng thời, ở những nước này có yêu cầu tạo ra "hệ thống cơ sở hạ tầng an ninh". Ngành công nghiệp Nga sẵn sàng cung cấp các hệ thống hiện đại nhất. Chúng tôi không có ý định để mất thị trường Đông Nam Á". 

 Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Rosoboronexport Viktor Brakunov cũng nói rằng Đông Nam Á là một trong những ưu tiên cho Rosoboronexport:

"Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực ưu tiên của "Rosoboronexport". Kể từ đầu những năm 2000, sự hợp tác quân sự-kỹ thuật với các nước trong khu vực đã có mức phát triển nhanh chóng. Các công ty tích cực hợp tác với Việt Nam, Indonesia, Philippines, và xây dựng triển vọng hợp tác với Thái Lan. Các sản phẩm được quan tâm nhất ở Đông Nam Á là máy bay chiến đấu đa năng Su-30, Su-35,  máy bay huấn luyện Yak-130, trực thăng chiến đấu Ka-52 và Mi-28 NE, trực thăng vận tải quân sự Mi-17, máy bay không người lái UAV "Orlan-10E" và "Tachyon".

Có sự chú ý vào dự án tàu khu trục 11356, tàu ngầm "Amur 1650".. và Kilo 636, cũng như các hệ thống vũ khí cho tàu chiến và tàu ngầm. Lực lượng lục quân trong khu vực thể hiện sự quan tâm đến xe tăng T-90S, xe chiến đấu bộ binh BMP-3M, thiết giáp BTR-80, BTR-82A, vũ khí chống tăng. các hệ thống phòng không Nga tầm bắn khác nhau cũng có nhu cầu ổn định trong thị trường khu vực. Tại Đông Nam Á cũng nhận thấy có sự chú ý tới hệ thống thiết bị đặc biệt dành cho các cơ quan thực thi pháp luật, mà "Rosoboronexport" giới thiệu.

Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự trực tiếp với Việt Nam, năm 2017 đã được đánh dấu bằng một số sự kiện quan trọng.

Kỹ thuật Hải quân

Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của hải quân. Trong tháng 10/2017 tại Cam Ranh đã tiếp nhận tàu khu trục tên lửa thứ ba "Gepard-3.9", được xây dựng cho Hải quân Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Liên bang Nga, Cộng hòa Tatarstan). Ngày 28/11 tàu Rolldock của Hà Lan khởi hành từ Novorossiysk mang theo trên boong tàu "Gepard" thứ tư. Dự kiến con tàu sẽ về đến Cam Ranh vào giữa tháng 1/2018.

Hiện vẫn chưa rõ những đơn hàng tiếp theo của Việt Nam cho dự án "Gepard". Rất có thể phía Việt Nam chỉ đặt bốn tàu. Theo các chuyên gia quân sự Việt Nam, lý do là việc hệ thống phòng không "Gepard" không đủ sức mạnh. Không phải ngẫu nhiên, họ đã quan tâm đến các tàu hộ tống Nga mới nhất dự án 20.380 và 20.385 với khả năng tác chiến chống tàu ngầm và phòng không vượt trội (hệ thống tên lửa phòng không với tầm bắn khác nhau). Chuyên gia tác chiến hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Vladimir Bogdashin đồng ý với điều này:

"Hệ thống tên lửa tấn công với 16 quả tên lửa là một sức mạnh đáng kể cho một con tàu có lượng choán nước như  "Gepard". Tuy nhiên, hệ thống phòng không mà nó được trang bị chỉ là phương tiện để tự vệ. Một tàu khu trục nhỏ có "cánh tay dài" mạnh mẽ để tấn công, lại không thể hoàn toàn tự bảo vệ mình… Tàu chiến phải có hệ thống phòng không tầm trung (150-180 km) riêng của mình  … Trong tất cả các khả năng, đánh giá tình hình hiện nay, Việt Nam thể hiện sự hợp lý khi quan tâm tới dự án tàu hộ tống  20.385, dược trang bị hệ thống tên lửa tấn công và phòng không mạnh với tầm bắn từ 30 đến 150 km. Nó có thể bảo vệ một nhóm tàu chiến khỏi cuộc tấn công từ trên không mà không cần chi phí thêm ".

tàu khu trục Gepard-3.9
Tàu khu trục "Gepard-3.9"

 Tuy nhiên, đơn đặt hàng các tàu lớp này của Việt Nam là vấn đề của tương lai. Trong khi đó, ngày 9/10 2017 đã tổ chức lễ tiếp nhận vào trang bị của Hải quân Việt Nam hai tàu tên lửa nhỏ mới lớp "Molniya" (số tàu 382 và 383), được đóng tại nhà máy đóng tàu Ba Son (Tp. Hồ Chí Minh). Đây là những con tàu cuối cùng được đóng theo hợp đồng xây dựng 6 tàu tên lửa dự án 12418 với tên lửa chống tàu "Uran-E", được ký với Rosoboronexport từ năm 2006.

Tham gia chính bên phía Nga là Công ty Cổ phần Nhà máy Đóng tàu Vympel (Rybinsk) cung cấp cho Việt Nam thiết kế và linh kiện cho việc đóng tàu  được cấp phép. Họ cùng với công ty phát triển dự án (Công ty thiết kế Almaz, St. Petersburg) giám sát kỹ thuật đóng tàu theo hợp đồng. Những chiếc tàu được đóng tại Ba Son, giống như bốn chiếc trước (số hiệu 377, 378, 379 và 380) được trang bị cho Lữ đoàn Hải quân số 167 Vùng II Hải quân.

Tuy nhiên, lịch sử của dự án "Molniya" Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Hợp đồng năm 2006 bao gồm điều khoản bổ sung xây dựng thêm 4 tàu loại này tại Việt Nam, và từ năm 2015, đã trở thành hợp đồng "cứng".

(còn tiếp)
Theo SP