Báo Australia: Nếu Trung Quốc, Mỹ có chiến tranh ở Biển Đông, kinh tế toàn cầu sẽ tê liệt

VietTimes -- Chuyên gia Peter Jennings nhấn mạnh, thực lực trên không của tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu sân bay USS Ronald Reagan tương đương với thực lực trên không của toàn bộ Quân đội Australia.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D được Trung Quốc khoe trong Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D được Trung Quốc khoe trong Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Tờ "Bình luận Tài chính" Australia ngày 21/7 đặt vấn đề: Nếu chiến tranh nổ ra vì tranh chấp Biển Đông thì ai có thể thắng?

Bài viết cho rằng 10 năm trước đáp án cho vấn đề này chắc chắn là ủng hộ Mỹ giành chiến thắng một cách quả quyết. Mặc dù cơ thắng hiện nay vẫn nghiêng về siêu cường này, nhưng chuyên gia quân sự cho rằng việc trả giá cho cuộc chiến tranh này sẽ rất cao, Trung Quốc có thể gây ra một số thiệt hại thực sự cho Mỹ.

Đương nhiên, đây là một trường hợp cực đoan. Đa số nhà phân tích cho rằng khả năng nổ ra chiến tranh thông thường giữa Trung Quốc và Mỹ do vấn đề Biển Đông là cực kỳ thấp, bởi vì hậu quả của nó rất nghiêm trọng.

Trung Quốc và Mỹ nổ ra chiến tranh sẽ làm chia rẽ toàn thế giới, dẫn tới kinh tế toàn cầu rơi vào tê liệt. Vì vậy, đây là một trường hợp không có nhiều khả năng xuất hiện, nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ. 

Như vậy trong tình hình nổ ra chiến tranh, Trung Quốc có thể chống lại Mỹ hay không?

Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 được Trung Quốc khoe trong Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 được Trung Quốc khoe trong Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Nói thuần túy về hỏa lực, kinh nghiệm và vũ khí, Mỹ dẫn trước Trung Quốc 10 năm. Nhưng, Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách, đầu tư quân sự thực sự của họ dự tính cao hơn ngân sách chính thức.

Công ty RAND, một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho rằng trong 5 - 15 năm tới, nếu hai bên tiếp tục duy trì chi tiêu quốc phòng hiện có, "châu Á sẽ chứng kiến vị thế bá chủ của Mỹ dần dần bị cạnh tranh". Trung Quốc luôn gia tăng dự trữ tên lửa chống hạm, trở thành một bộ phận buộc Mỹ rút lui chiến lược đến vùng biển xa hơn. 

Tháng 9/2015, trong Lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng chống Nhật, Trung Quốc đã khoe những vũ khí trang bị mới nhất, trong đó có tên lửa Đông Phong-21D, có thể tấn công tàu chiến đang di chuyển trên biển, tốc độ bay gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Nó được gọi là "sát thủ tàu sân bay". Một loạt tên lửa khác xuất hiện trong lễ duyệt binh là tên lửa YJ-12 bay lướt biển.

Chuyên gia nghiên cứu chiến lược Hugh White từ Đại học Quốc lập Australia cho rằng: "Vũ khí Mỹ nhiều hơn nhiều, tốt hơn nhiều, nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là làm thế nào mới có thể ngăn chặn đối thủ? Phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc luôn rất coi trọng phát hiện và bắn chìm tàu chiến Mỹ".

Hai cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Đa Chiều, Mỹ.
Hai cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Đa Chiều, Mỹ.

"10 năm trước bạn sẽ nói Mỹ có thực lực tất thắng. Hiện nay, khả năng Mỹ đối mặt với tổn thất lo lớn... thậm chí có thể sẽ tổn thất một chiếc tàu sân bay".

Hugh White cho rằng từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn tập trung các nỗ lực cho phát triển tàu ngầm, tên lửa chống hạm và tàu tuần tra linh hoạt, tìm cách ngăn chặn Mỹ điều động lực lượng hải quân đến khu vực này.

Peter Jennings, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cũng cho rằng Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược tìm cách có thể làm cho Quân đội Mỹ rời xa đất liền Trung Quốc. 

Ông đặc biệt đề cập đến đến tên lửa Đông Phong-21D "thực sự là một nguy hiểm đối với bất cứ đối thủ nào". Ông nói: "Trung Quốc luôn chuyên tâm tăng cái giá phải trả cho Mỹ".

Tuy nhiên, Peter Jennings cho rằng Trung Quốc hiện nay còn chưa địch nổi Mỹ, trong khi đó Mỹ còn có sự ủng hộ đặc biệt của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. "Trong 10 năm qua, Quân đội Trung Quốc đã đi một con đường dài, trở thành một đội quân khu vực đáng tin cậy, nhưng họ còn lâu mới sánh nổi thực lực của Quân đội Mỹ". 

Hai cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Hai cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Khả năng này đã được phô diễn đầy đủ khi Mỹ điều 2 cụm tấn công tàu sân bay tới Biển Đông vào tháng 6/2016. Đây là một hoạt động phô trương sức mạnh trước khi Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines có trụ sở ở The Hague đưa ra phán quyết. 

Peter Jennings nhấn mạnh, thực lực trên không của tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu sân bay USS Ronald Reagan tương đương với thực lực trên không của toàn bộ Quân đội Australia. Tàu chiến xung quanh mỗi cụm tấn công tàu sân bay đều mạnh hơn toàn bộ Hải quân Australia.

Trương Kiếm, chuyên gia vấn đề an ninh Trung Quốc từ Đại học New South Wales, Australia cho rằng trọng điểm ưu tiên xem xét của Trung Quốc là có thể gây tổn thương đầy đủ cho Mỹ, buộc Mỹ không muốn can thiệp. 

Ông nói: "Then chốt trong khả năng đe dọa của Trung Quốc là tàu ngầm và tên lửa đạn đạo. Rất khó đánh giá khả năng quân sự của Trung Quốc, bởi vì tất cả vũ khí đều chưa được thử nghiệm thực sự".