Bán đảo Triều Tiên căng thẳng: Dồn dập tập trận và khẩu chiến

VietTimes -- Hiện nay, tình hình bán đảo Triều Tiên đang ở cao trào căng thẳng mới thể hiện qua khẩu chiến giữa hai phía cũng như hoạt động tập trận của Mỹ - Hàn và hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên...
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh; Jinse.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh; Jinse.

Donald Trump: Đối thoại không phải là biện pháp giải quyết

Sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua vùng trời đảo Hokkaido, Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương vào ngày 29/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mọi phương án lựa chọn đối với Triều Tiên đều được đặt ra. Hành vi đe dọa của Triều Tiên sẽ chỉ làm cho chính quyền Triều Tiên bị cô lập hơn.

Tiếp theo, đến tối ngày 30/8 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng “Mỹ đã cùng Triều Tiên đối thoại 25 năm và luôn trả phí ‘sách nhiễu’ cho họ. Đối thoại không phải là biện pháp giải quyết!”.

Tuy nhiên, sau tuyên bố này, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại cho biết: “Chúng tôi chưa từ bỏ con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề”. “Chiến tranh Triều Tiên nổ ra sẽ là một thảm họa”.

Trước đó, ngày 27/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết Triều Tiên thử tên lửa là hành vi “khiêu khích” nhằm vào Mỹ và đồng minh, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Như vậy, phát biểu vênh nhau giữa Tổng thống với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang bị dư luận cho là dường như nội bộ Mỹ chưa có quan điểm thống nhất trong vấn đề Triều Tiên.

Trước đó, động thái phóng tên lửa của Triều Tiên lần này cũng đã dẫn đến phản ứng tức thời của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ngay trong ngày 29/8, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tuyên bố yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hoạt động phóng tên lửa, cho rằng hành vi này không chỉ là mối đe dọa mang tính khu vực, mà còn đe dọa tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 Triều Tiên. KCNA.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 Triều Tiên. KCNA.

Mỹ và đồng minh tiến hành điện đàm, tập trận

Trong thời điểm hiện nay, Mỹ đang tiếp tục tiến hành phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là tiếp tục gây sức ép bằng quân sự.

Ngày 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Shinzo Abe để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất (bay qua lãnh thổ Nhật Bản ngày 29/8) của Triều Tiên. Hai bên cho biết sẽ tiến hành hợp tác “tiếp theo và chặt chẽ” trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Shinzo Abe đồng ý với ông Donald Trump về việc “tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên”.

Trước đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã xác nhận tên lửa Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, khẳng định đây là “mối đe dọa to lớn chưa từng có” đối với an ninh Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phản đối các hành vi của Triều Tiên vi phạm nghị quyết Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sẽ hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc.

Ngày 30/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho biết muốn tiến hành “gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên. Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc, hai bên nhất trí cho rằng cần gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để thúc đẩy Triều Tiên chủ động quay trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua không phận Nhật Bản không phải là hành vi khiêu khích đơn giản, mà là “hành động bạo lực”. Phía Hàn Quốc không tiết lộ nội dung cụ thể về cách thức “gây sức ép” đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, từ ngày 21 - 31/8/2017, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn Ulchi-Freedom Guardian ở bán đảo Triều Tiên. Tham gia tập trận có 50.000 binh sĩ Hàn Quốc và 17.500 binh sĩ Mỹ. Trong đó, binh sĩ Mỹ tham gia tập trận giảm 7.500 quân so với năm 2016.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ tham gia tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: Guancha.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ tham gia tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: Guancha.

Ngoài ra, quân đội Mỹ đã có phản ứng nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 31/8 đã liên tục điều máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và máy bay ném bom chiến lược B-1B tiến hành tập trận chung với không quân Hàn Quốc để cảnh cáo Triều Tiên.

Buổi sáng ngày 31/8, máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của quân đội Mỹ đã bay áp sát bán đảo Triều Tiên, cùng máy bay chiến đấu F-15K của không quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập ném bom đạn thật liên hợp.

Buổi chiều cùng ngày, quân đội Mỹ lại điều 2 máy bay chiến đấu F-35B (tại căn cứ quân Mỹ ở Nhật Bản) và 2 máy bay ném bom B-1B (tại căn cứ Guam) cùng máy bay chiến đấu của không quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập bay chung và diễn tập ném bom đạn thật. Máy bay tiếp dầu KC-135 của Mỹ cũng tham gia hành động lần này. B-1B và F-35B cùng bay áp sát bán đảo Triều Tiên lần này là lần đầu tiên.

Theo báo chí Hàn Quốc ngày 31/8, trong các hoạt động diễn tập trên, máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ đã sử dụng bom dẫn đường chính xác GBU-31 JDAM.

Được biết, máy bay chiến đấu F-35A có tốc độ tối đa là 1,8 Mach, tầm bay 2.000 km, có ưu thế tàng hình. Trong khi đó, F-35B là phiên bản chuyên dụng của lực lượng Thủy quân lục chiến, có thể cất hạ cánh cự ly ngắn. Còn B-1B là máy bay ném bom chiến lược. Khi cất cánh từ Guam, B-1B chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là có thể đến bán đảo Triều Tiên tham chiến, có thể oanh tạc bằng lượng lớn bom đạn.

Trước đó, sáng ngày 29/8, không quân Hàn Quốc đã điều động 4 máy bay chiến đấu F-15K tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. 8 quả bom Mk-84 đã bắn trúng mục tiêu giả định, khẳng định khả năng ứng phó của không quân Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp.

Gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn hạ lệnh thảo luận với phía Mỹ việc nhập khẩu vũ khí chiến lược. Ngày 29/8, quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc xác nhận: “Quân đội Hàn Quốc đang tiến hành thảo luận với phía Mỹ” về vấn đề này.

Vũ khí chiến lược là vũ khí có thể tiến hành tấn công đối với các mục tiêu chiến lược có chiều sâu của đối phương, có khả năng phá hủy/tiêu diệt trên diện tích lớn. Loại vũ khí này có khả năng răn đe và kiềm chế về chiến lược, có thể tiêu diệt đối phương. Những vũ khí này bao gồm các máy bay ném bom chiến lược B-1B và B-52, tàu sân bay động cơ hạt nhân, tàu ngầm động cơ hạt nhân.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cất cánh từ căn cứ Iwakuni, Nhật Bản. Ảnh: Guancha.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B cất cánh từ căn cứ Iwakuni, Nhật Bản. Ảnh: Guancha.

Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng nhiều tên lửa hơn

Hiện nay, Triều Tiên đang đứng trước sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả sức ép từ Liên hợp quốc cũng như sức ép từ Mỹ và đồng minh.

Ngày 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên tiếng cho biết Triều Tiên “phản đối toàn diện” Tuyên bố chủ tịch của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, cho rằng hoạt động phóng tên lửa ngày 29/8 là để đáp trả cuộc tập trận Ulchi-Freedom Guardian của Mỹ - Hàn. Triều Tiên cho rằng tuyên bố ngày 29/8 của Hội đồng bảo an đã “bẻ cong sự thật, chà đạp thô bạo lên quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền”.

Triều Tiên tuyên bố trong tương lai sẽ lấy Thái Bình Dương làm mục tiêu, tiến hành huấn luyện bắn tên lửa đạn đạo nhiều hơn, thúc đẩy lực lượng vũ khí chiến lược tiến hành hiện đại hóa và có khả năng chiến đấu thực tế.

Phản ứng đối với Nhật Bản, hãng tin KCNA của Triều Tiên đã có bài bình luận lên án Nhật Bản, cho rằng “Nhật Bản hiện nay nhảy dựng lên, xắn tay áo ủng hộ các hành động chiến tranh chống Triều Tiên của ông chủ họ”.

KCNA nhấn mạnh “liên kết quân sự” Nhật - Mỹ đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng của bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản vẫn chưa ý thức được “đang đẩy nhanh tự hủy hoại mình”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết hoạt động huấn luyện phóng tên lửa ngày 29/8 là “bước đi đầu tiên của tác chiến quân sự trên Thái Bình Dương, là khúc dạo đầu có ý nghĩa sâu xa kiềm chế căn cứ tiền tiêu xâm lược Guam”.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 Triều Tiên. Ảnh: Zaobao/AFP.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 Triều Tiên. Ảnh: Zaobao/AFP.

Các nước lớn khác nói gì?

Đối với tình hình Triều Tiên hiện nay, ngày 29/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc thúc giục các bên không làm những việc kích động nhau, làm trầm trọng hơn căng thẳng tình hình khu vực. Trung Quốc mong muốn các bên giữ kiềm chế, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc cho rằng biện pháp đúng đắn duy nhất giải quyết vấn đề là thông qua đối thoại để giải quyết cân bằng quan tâm an ninh hợp lý của các bên.

Trung Quốc khẳng định họ luôn thực hiện toàn diện, cân bằng, hoàn chỉnh nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tức là “vừa trừng phạt vừa thúc đẩy đàm phán”. Để thúc đẩy đàm phán, Trung Quốc mong muốn các nước chấp nhận đề xuất của họ, đó là Triều Tiên tạm dừng thử tên lửa, còn Mỹ - Hàn tạm dừng tập trận.

Trong khi đó, ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ - Hàn ở bán đảo Triều Tiên chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa mới nhất cùng ngày.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng trừng phạt Triều Tiên sẽ không giải quyết nổi bất cứ vấn đề gì, sẽ chỉ làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang.

Thượng tuần tháng 8/2017, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng bên “thông minh” trong hai bên Mỹ - Hàn cần đi đầu làm dịu tình hình, lùi một bước từ “ranh giới đỏ nguy hiểm”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng “võ mồm” không có lợi cho giải quyết vấn đề, không mong muốn hai bên xung đột sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Đức sẽ cùng với các nước liên quan như Mỹ, Hàn Quốc nỗ lực thông qua con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Anh bà Theresa May. Ảnh: Zaobao.
Thủ tướng Anh bà Theresa May. Ảnh: Zaobao.

Anh cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình đối với vấn đề Triều Tiên, có sự “khác biệt” so với Nga và Trung Quốc. Ngày 30/8, Thủ tướng Anh bà Theresa Mary May cho biết: “Chúng tôi hy vọng bảo đảm họ (Triều Tiên) chấm dứt hành động này (thử tên lửa). Chúng tôi cho rằng biện pháp tốt nhất là để Trung Quốc gây sức ép lên Triều Tiên”. Bà cho biết sẽ tiến hành hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trước quan điểm trên của Anh, ngày 30/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Trung Quốc nhất quán thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo Triều Tiên, thực hiện toàn diện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Sau đó, bà Hoa Xuân Oánh ám chỉ các nước khác không thực hiện toàn diện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, chỉ thực hiện “có lựa chọn”, chỉ chú trọng “trừng phạt”, coi nhẹ đối thoại, đàm phán. Bà còn ám chỉ có người vừa khua chân múa tay, vừa “đâm dao sau lưng”, thậm chí có ý đồ đục nước béo cò, để người khác làm, còn mình thì hưởng thụ thành quả. Trung Quốc cho rằng đó không phải là nước có thái độ và hành vi “có trách nhiệm”.