Bài học từ vụ Đồng Tâm: “Ứng xử với dân phải đặt mình vào vị trí của họ...”

“Ứng xử với dân phải đặt mình vào vị trí của họ...”. Đó là chia sẻ của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - người đã trực tiếp có mặt tại “điểm nóng” Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa qua. 
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Cán bộ phải tự hiểu khi dân không còn tin mình

Ông nghĩ gì trước khi quyết định đến Đồng Tâm?

Đêm hôm trước, tôi vô cùng trăn trở, băn khoăn. Thậm chí, đến gần sáng vẫn không thể ngủ được. Sáng sớm hôm sau, dù còn việc riêng nhưng tôi quyết gác sang một bên, tự lái xe cùng ĐBQH Dương Trung Quốc xuống  Đồng Tâm. Tôi đến không phải vì tò mò, dạo chơi, tôi đến với tâm thế của ĐBQH, cùng dân và chính quyền tháo gỡ vướng mắc vì tôi nghĩ, lúc này dân mới cần đến chúng tôi. Và chỉ vài tiếng ở đó thôi, tôi đã hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Tôi hiểu câu chuyện quan trọng nhất ở đây là người dân mong muốn được chính quyền lắng nghe, chứ không phải dân “rào làng chiến đấu” với chính quyền.

Đó cụ thể là những gì, thưa ông?

Trong buổi đối thoại, bà con dù bức xúc nhưng họ phát biểu rất trách nhiệm. Những thông tin họ cung cấp rất quý giá, tôi cho rằng, đó mới là thông tin trung thực. Họ mô tả những câu chuyện rất thật và không thể chối cãi được, với những ý kiến rất chân thành. Đặc biệt, tôi cảm động khi thấy bản kiến nghị của dân. Điều đầu tiên, họ không đòi hỏi bất cứ điều gì mà tự nhận lỗi lầm của mình, xin được tha thứ. Sau đó, mới đề cập đến các vấn đề khác.

Khi trực tiếp vào nhà văn hóa thôn Hoành - nơi đang giam giữ 19 cán bộ, chiến sĩ, tôi để ý rất kỹ. Dân đối xử với họ rất tốt. Tôi biết cả chuyện dân nhịn ăn để nuôi những chiến sĩ ấy, có nhà nói hết gạo, hết gà, hết tiền, phải đi vay để nấu cơm. Tức là họ không còn gì để ăn nhưng vẫn chăm lo đầy đủ cho cán bộ.

Ông đánh giá thế nào về kết quả của cuộc đối thoại ấy?

Hôm ấy, trong cuộc đối thoại tôi đã khóc khi nghe một người phụ nữ đứng lên nói: “Trong cuộc đời cháu, đây là lần đầu tiên được cầm micro, nên nếu nói xong có chết cháu cũng cam lòng”. Nhưng rồi sau đó, chính người phụ nữ đó đã mong muốn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đang phải nuôi 2 con nhỏ, bởi nếu có truy cứu, tất cả đàn bà, phụ nữ của Đồng Tâm sẽ phải đi tù, bởi khi bắt và giam giữ các cán bộ, chiến sĩ, hoàn toàn là do đàn bà, phụ nữ làm. Nghe xong, tôi đã khóc.

Tôi cho rằng, chỉ vì muốn giữ đất, giữ làng, họ mới phải làm như thế nên cần có cái nhìn cảm thông. Cuộc đối thoại đã thành công mỹ mãn, không chỉ người dân, chính quyền thành công mà tất cả chúng ta đều thành công.

Dân Đồng Tâm đã giữ người, nhận lỗi, họ không gây ra bất kỳ hậu quả nào, mọi người đều được chăm sóc. Việc họ giữ người là vì những bức xúc dồn nén trước, Chủ tịch Hà Nội cũng ghi nhận điều ấy.

Trước khi lãnh đạo TP xuống, dân Đồng Tâm gần như đã mất hết niềm tin vào chính quyền cơ sở. Một cán bộ xã Đồng Tâm thừa nhận: “Giờ dân không tin chúng tôi nữa”. Theo ông, vì sao lại có câu chuyện ấy?

Lòng tin phải được xây dựng phải bằng những việc làm thực tế và phải có thời gian. Để xảy ra câu chuyện này, bản thân các vị lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm phải xem lại vì sao và làm thế nào đó để cho dân thực sự tin tưởng. Dân họ phát biểu trước Chủ tịch Chung, họ nói rất cần tạo niềm tin cho họ vì họ cũng muốn tin vào chính quyền. Quan trọng là phải tạo được lòng tin cho nhau. Cán bộ nói dân không tin họ, vì sao? Họ phải tự hiểu cái đó. Khi cả nghìn người dân cùng không tin anh thì tức là tất cả họ hiểu câu chuyện của anh nên họ không tin, hai là anh không đủ uy tín và đủ sức thuyết phục dân.

Đặt mình vào vị trí của dân để ứng xử

Từ câu chuyện ở Đồng Tâm, ông đánh giá thế nào về vai trò của chính quyền cấp cơ sở, vốn dĩ lâu nay được nhắc đến rất nhiều trong các vụ việc liên quan đến đất đai?

Đất đai là vấn đề nóng nhất, nên trong các báo cáo, tranh chấp đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ở chính quyền cơ sở, công tác tuyên truyền giáo dục chỉ là một phần, vấn đề quan trọng nhất là lợi ích. Nếu không giải quyết được vấn đề lợi ích thì tất cả tuyên truyền đều vô ích, không có giá trị, càng tuyên truyền lại càng tạo thêm xung đột.

Nhưng khi chính quyền dùng bộ máy tuyên truyền thì phải thấu được lòng dân, mà muốn thấu lòng dân thì lợi ích giữa Nhà nước - nhân dân phải hài hòa cân bằng, càng tránh được xung đột về lợi ích ấy thì càng tránh được xung đột về mặt tư tưởng. Nhìn rộng ra, đây là bài học rất lớn. Tôi có nói ĐBQH Dương Trung Quốc là có lẽ cần đề nghị giao Ủy ban An ninh - Quốc phòng giám sát việc sử dụng đất quốc phòng vì dư luận nói rất nhiều về việc lấy đất sân bay làm sân golf, chuyển nhượng đất quốc phòng không đúng mục đích...

Cũng từ câu chuyện này, theo ông, cách ứng xử với dân cần thay đổi thế nào, để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc?

Đường lối chính sách của chúng ta nói rất rõ về việc ứng xử với dân, từ Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng, các các văn bản luật đều nêu phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Cái sai sót ở đây là sai sót trong quá trình thực hiện. Ứng xử với dân phải đặt mình vào vị trí của họ, như chúng tôi cũng thế thôi, tôi phải đặt mình vào vị trí của dân.

Nhà nước của dân, do dân, vì dân phải làm cho đúng thế. Việc này rất đơn giản chứ không phải "đao to búa lớn". Lòng dân và niềm tin của dân là quan trọng nhất. Xưa cụ Hồ, cụ Giáp đã xây dựng được thế trận lòng dân, còn bây giờ, nếu không làm được cái đó thì không bao giờ thành công.

Trước Đồng Tâm, đã xảy ra không ít vụ việc tương tự. Theo ông, ngoài vấn đề lợi ích, phải chăng nó còn xuất phát từ việc đội ngũ cán bộ quan liêu, xa dân?

Đảng đã tổng kết, một bộ phận không nhỏ cán bộ quan liêu, tham nhũng, xa dân, hách dịch, cửa quyền... Cái này được ghi trong nhiều văn kiện nhưng thực tế nó vẫn diễn ra, là điều rất đáng buồn. Trong vụ việc này, ngoài thiếu sót của lãnh đạo TP Hà Nội mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã thừa nhận, cái nghiêm trọng nhất tôi cho rằng nằm ở phía các cán bộ lãnh đạo huyện Mỹ Đức và một số cán bộ xã Đồng Tâm.

Vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy cái dân cần nhất là đối thoại. Đối thoại là một nhu cầu mang tính nội tại chứ không phải do người khác áp đặt. Đây vừa là mục tiêu, nhưng cũng là cơ sở, là điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo. Nếu không có đối thoại sẽ tạo ra điểm nghẽn ngay. Đây là bài học rất lớn, sau này, khi có điểm nghẽn phải đánh giá ngay có cần đối thoại hay không, đối thoại ở tầm nào, lực lượng nào, tất cả phải được xem xét một cách nghiêm túc, đừng để “nước sôi lửa bỏng” mới đối thoại. Ở cách xa, ta có thể đối đầu, nhưng chỉ cần gần dân thêm một chút thôi, đối đầu sẽ chuyển thành đối thoại, lúc ấy, mọi chuyện sẽ khác.

Cảm ơn ông!

(Theo báo Giao thông)